(HNM) - Sau Tết Thiếu nhi 1-6, trước khi về quê nghỉ hè, bé Trần Mai Thư, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng) xếp đặt lại giá sách...
Nhìn những cuốn tiếng Việt, lịch sử… được bọc bằng giấy bóng kính, mép chưa hề quăn, ông nội bé Thư băn khoăn hỏi:
- Những cuốn sách giáo khoa này còn đẹp lắm, cháu định đem bán cho hàng đồng nát à?
- Không phải thế đâu ông ạ. Ngay từ đầu năm học, cô giáo đã bảo cả lớp phải giữ gìn sách giáo khoa cẩn thận, cuối năm cuốn nào không cần giữ lại thì đem tặng các bạn ở vùng sâu, vùng xa. Ở đó các bạn còn khó khăn lắm.
Thấy ông nội còn ngần ngừ, Thư nói rõ thêm:
- Ngày mai cháu về quê, những cuốn sách giáo khoa này, cháu sẽ tặng em Nam, năm tới học lớp 5. Em Nam bố mất sớm, mình mẹ nuôi hai anh em. Cháu đã gọi điện báo trước là sẽ đem sách về tặng để khỏi phải mua, tránh lãng phí. Còn chồng giấy đã viết này cháu để dành khi vào năm học mới đem nộp làm "kế hoạch nhỏ".
Đó là nội dung bức thư ông Mỹ Văn ở phố Minh Khai gửi Người Xây Dựng. Những năm đất nước còn nghèo, mỗi trường đều có tủ sách giáo khoa dùng chung cho tất cả học sinh. Khi kinh tế khá hơn, mỗi cháu bước vào năm học mới đều mua mới sách giáo khoa. Cuối năm học, sách dùng xong sẽ đem tặng người thân hoặc đem đổi ở cửa hàng mua bán sách cũ… Việc làm tiết kiệm đã trở thành nét đẹp đến hôm nay. Tại nhiều vùng nông thôn, đời sống còn khó khăn nên khi bước vào năm học mới, các bậc cha mẹ vất vả chạy ngược, chạy xuôi vay mượn tiền đóng học, mua sách vở cho con. Nếu các học sinh có điều kiện đều ý thức làm việc nhỏ có ích như cháu Trần Mai Thư, chắc chắn sẽ giúp vơi đi gánh nặng cho gia đình các học sinh nghèo vùng nông thôn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.