Chính trị

Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức quyền còn hạn chế

Tiến Thành 13/09/2024 - 12:55

Sáng 13-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

202409130850124323_dsc_2802.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế

Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, năm 2024, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện như: Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy tắc ứng xử; chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng chỉ rõ, việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế. Cụ thể, tình trạng vi phạm việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, vi phạm việc thực hiện quy tắc ứng xử, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ vẫn diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. Kết quả thực hiện chuyển đổi vị trí công tác ở một số địa phương còn thấp; còn gặp vướng mắc, bất cập khi thống kê số lượng vị trí công tác cần phải chuyển đổi và tổ chức thực hiện chuyển đổi ở một số vị trí công tác.

202409131148393375_dsc_3229.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Bên cạnh đó, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế; còn nhiều trường hợp sau khi cơ quan điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc. “Đáng chú ý, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ vẫn diễn ra”, bà Lê Thị Nga nói.

Về kết quả thanh tra, kiểm toán nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phát hiện, xử lý tham nhũng, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2024, công tác thanh tra, kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực. Qua thanh tra, kiểm toán đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm và kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm; chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc ban hành kết luận thanh tra và việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra.

202409131137478503_dsc_3070.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: media.quochoi.vn

Tuy nhiên, còn có trường hợp cán bộ thanh tra lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ, không thực hiện đúng trình tự, thủ tục thanh tra, kết luận thanh tra, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý hình sự. Việc chậm ban hành kết luận thanh tra vẫn còn diễn ra. Vẫn còn nhiều đơn vị, địa phương chậm thực hiện kết luận thanh tra nhưng chưa có biện pháp để xử lý triệt để.

Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, trong năm 2024, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn có những hạn chế, công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến. Tài sản phải thu hồi trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng lớn, nhiều tài sản phải thu hồi nhưng chưa được làm rõ về tình trạng pháp lý khi tiến hành kê biên, gây khó khăn cho giai đoạn thi hành án. Tình trạng cán bộ, công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, bị xử lý hình sự diễn ra còn nhiều.

Kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn còn có mặt cần lưu ý. Cụ thể như tội phạm ma túy tiếp tục gia tăng, tăng 4,31% số vụ, 7,1% số đối tượng…

202409130921335029_dsc_2959.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Vấn đề đấu tranh với tiêu cực, “lợi ích nhóm” còn mờ nhạt

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đề nghị làm rõ vấn đề dù đã rất quyết liệt vào cuộc mà các loại tội phạm đều tăng. Ông Lê Tấn Tới nhận định, việc tội phạm gia tăng có phải do cá thể hóa nhiều hành vi khi các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng tăng lên. “Công tác phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội thì phòng ngừa xã hội rất trừu tượng, không có con số cụ thể. Khi một vụ việc xảy ra, việc đánh giá cụ thể chỉ là ngành công an, còn thanh niên phạm tội, phụ nữ phạm tội, trẻ em phạm tội thì các ngành khác không có trách nhiệm đánh giá”, ông Lê Tấn Tới nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị đánh giá làm rõ vì sao tội phạm có tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt tăng; trong đó cần làm rõ nguyên nhân do năng lực hay trách nhiệm của cán bộ. “Tôi nghĩ có nhiều việc là trách nhiệm. Biết việc có thể làm được, nhưng không làm, hoặc làm không đến nơi đến chốn, đùn đẩy né tránh. Đấy là trách nhiệm chứ không phải năng lực. Tôi đề nghị phải đánh giá toàn diện, khách quan”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

202409130921335185_dsc_3019.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy thảo luận về các báo cáo. Ảnh: media.quochoi.vn

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho rằng, công tác phòng chống tội phạm và tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt hiệu quả, tạo ra sự triển khai tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên báo cáo mới chỉ tập trung đến vấn đề tham nhũng, còn vấn đề tiêu cực và “lợi ích nhóm” chưa được đề cập, còn mờ nhạt. Do đó, cần đánh giá làm rõ.

Bà Nguyễn Phương Thủy cũng đánh giá, báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và tham nhũng đều nêu các bất cập liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó để đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung các biện pháp quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, bà Thủy đề nghị rà soát, nghiên cứu đề xuất các giải pháp cần thiết để có cơ sở pháp lý xử lý dứt điểm và có hiệu quả vấn đề phát sinh từ xử lý hậu quả các vụ án tham nhũng, trong đó có các vụ án liên quan đến các dự án đầu tư, đất đai.

“Án tham nhũng đã xử xong nhưng hậu quả, quyền lợi của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp không liên quan trực tiếp đến hành vi tham nhũng nhưng bị ảnh hưởng, tác động. Xử lý việc này như thế nào khi tiếp tục kéo dài sẽ để lãng phí rất lớn nguồn lực về đất đai, các dự án đang triển khai dở bây giờ phải dừng lại để chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Đây là vấn đề cần tập trung trong năm 2025 để làm sao tham nhũng bị phát hiện và xử lý nhưng hậu quả của tham nhũng thì không thể kéo dài, gây lãng phí các nguồn lực của xã hội”, bà Thủy kiến nghị.

202409131137478660_dsc_3083.jpg
Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng giải trình thêm tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Liên quan đến vấn đề tội phạm về ma túy, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị làm rõ xuất hiện hình thức mới đó là tội phạm ma túy, vận chuyển ma túy qua flycam, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng cho biết, vận chuyển ma túy qua flycam không phải là loại tội phạm mới, đây là phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Bộ Công an đã nhận thức ra phương thức thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm để tổ chức triển khai đấu tranh với tội phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức quyền còn hạn chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.