(HNMO) - Chiều 17/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam.
Góp ý cho dự thảo luật, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều tán thành, nhất trí cao với việc cần thiết phải sửa đổi Khoản 2, Điều 13 và Khoản 3, Điều 26 của Dự án luật để bảo đảm thực hiện quyền công dân có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Các đại biểu đề nghị không nên quy định thời hạn cũng như việc đăng kí để công nhận có quốc tịch, mà chỉ nên tập trung giải quyết các trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không còn có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của luật này thì được đăng kí với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để được cấp giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam.
Theo phân tích của đại biểu Bùi Văn Xuyền - Thái Bình, quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam chưa phù hợp với quy định của Luật quốc tịch, kể cả Luật Quốc tịch năm 1998 và Luật Quốc tịch năm 2008, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối ngoại đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng như Hiến pháp năm 1992 sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua. Mặt khác, quy định về đăng kí giữ quốc tịch Việt Nam là phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn và phiền hà cho kiều bào. Trong một số trường hợp, nó có thể tạo ra rào cản cho việc không ổn định làm ăn sinh sống của kiều bào, cụ thể là đối với những người đã được nhập quốc tịch nước ngoài mà nước sở tại đó áp dụng nguyên tắc một quốc tịch.
Kiều bào Việt Nam về quê ăn tết |
“Tôi kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu phục hồi quy định cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam cho những người không còn giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam khi họ có yêu cầu cấp giấy xác nhận quốc tịch Việt Nam. Đối với những người mà còn giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam thì đương nhiên họ còn quốc tịch Việt Nam. Như vậy, họ không cần thiết phải đăng ký để có quốc tịch Việt Nam”, đại biểu Xuyền nói.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - TP Đà Nẵng cho rằng, không có gì ngăn cản được những người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước ngày càng gắn bó với nhau, thực tế này đã được ghi nhận ở Hiến pháp và cả Luật quốc tịch Việt Nam.
“Để một quy định nào đó hợp pháp thì trước hết phải hợp lý, vì thực tiễn cuộc sống bao giờ cũng đòi hỏi phải hành động theo cái hợp lý, vì cái hợp lý thường tồn tại khách quan có như vậy mới đảm bảo tính khả thi của một quyết định. Do đó, theo tôi, việc bỏ đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là hợp lý”, đại biểu Thúy nói.
Đại biểu Hà Huy Thông - Thừa Thiên - Huế lưu ý, Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 nếu không sửa kịp thời trước ngày 1/7/2014, nghĩa là 5 năm sau khi luật có hiệu lực, thì sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài, đặc biệt là có nguy cơ trở thành người không có quốc tịch trên trái đất này ở những nơi chỉ công nhận một quốc tịch hay ở những nơi đang tìm cách hạn chế cấp quốc tịch cho người Việt Nam. Vì vậy, đại biểu Thông đề nghị Quốc hội cho phép Luật quốc tịch sửa đổi có hiệu lực kể từ khi công bố, tức là trước ngày 1/7/2014.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị xem xét để có thể bổ sung thêm một số ý liên quan đến vai trò, trách nhiệm quản lí nhà nước của Bộ Tư pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Công an trong vấn đề xuất nhập cảnh để bảo đảm quyền có quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã thảo luận về việc gia nhập Công ước và nghị định thư Cape Town.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.