(HNM) - Trở lại cuộc sống “bình thường mới” cùng những biện pháp thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19, nhiều hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân đang từng bước được khôi phục. Tuy nhiên, sau giãn cách xã hội, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự đô thị, mất an toàn phòng, chống dịch Covid-19...
Vi phạm ở nhiều nơi
Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các tuyến đường, phố như: Nguyễn Chánh, Duy Tân (quận Cầu Giấy), Láng (quận Đống Đa), Giảng Võ (quận Ba Đình), Tuệ Tĩnh, Thể Giao (quận Hai Bà Trưng)… đều xuất hiện nhiều người bán hàng rong dừng, đỗ bán hàng. Ăn theo các ki ốt bán hàng tại chợ Ngã Tư Sở (phía đường Cầu Mới) nhiều người bán hàng rong, xe thồ từ các nơi cũng tụ về đây bán hàng, chỉ khi bị lực lượng chức năng giải tán thì những người bán hàng rong mới tỏa đi.
Anh Bùi Quang Huy, nhân viên tự quản phường Ngã Tư Sở cho biết: "Chúng tôi ứng trực từ 5h sáng, nhắc nhở những người bán hàng quán bên chợ Ngã Tư Sở không lấn chiếm vỉa hè, bảo đảm trật tự đô thị, phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, còn có nhiều người bán hàng rong từ nơi khác cũng về đây bán hàng trên hè đường"... Trên đường Nguyễn Xiển, Tố Hữu (quận Thanh Xuân), Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy) cũng xuất hiện nhiều người bán hoa quả, rau xanh, thậm chí, có người còn sử dụng xe ô tô tải dừng, đỗ ngay dưới lòng đường, mở cửa thùng xe để bày bán hàng hóa. Chị Nguyễn Lan Anh (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, từ đường Nguyễn Chánh vào chợ Nam Trung Yên không xa, nhưng nhiều người có thói quen tiện đâu mua đó nên dừng, đỗ ngay dưới lòng đường mua hàng, gây mất an toàn giao thông, mất trật tự đô thị.
Bên cạnh đó, vỉa hè, lòng đường ở nhiều nơi còn bị người dân chiếm dụng, tùy tiện dừng, đỗ phương tiện. Ví như, trên các ngõ phố Thái Hà (quận Đống Đa) như: 117, 167, 169… xuất hiện tình trạng ô tô dừng đỗ trên hè đường gây cản trở người đi lại trong ngõ. Vỉa hè nhiều tuyến đường như Phạm Ngọc Thạch (đoạn trước Trường Tiểu học Phương Liên, quận Đống Đa), đường Lê Văn Lương (đoạn trước số nhà 18, 20 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân) cũng thường xuất hiện ô tô đỗ trên vỉa hè, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Chị Nguyễn Ánh Tuyết (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho biết, đoạn đường Lê Văn Lương (gần cầu vượt) là khu vực giáp ranh giữa hai quận Thanh Xuân và Cầu Giấy, vi phạm chiếm dụng hè đường xuất hiện nhiều hơn nhưng vắng lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
Tăng cường xử lý vi phạm
Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở Hoàng Mạnh Dũng cho biết, chợ "cóc" trên phố Cầu Mới đã tồn tại nhiều năm nay, ăn theo chợ Ngã Tư Sở. Hằng ngày, UBND phường thường xuyên bố trí lực lượng công an cùng dân phòng ứng trực để nhắc nhở những cơ sở kinh doanh trong chợ Ngã Tư Sở không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Từ ngày 16-11 đến nay, lực lượng chức năng phường đã ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tại phố Cầu Mới, đã lập biên bản nhiều trường hợp bán hàng rong nên tình trạng vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường đã giảm. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn sẽ tăng cường ứng trực, tuyên truyền, xử lý vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn thông tin, chỉ tính từ ngày 16-10 đến ngày 15-11, quận đã kiểm tra, xử lý 30 trường hợp chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, 399 trường hợp để xe máy sai quy định… Bên cạnh xử lý vi phạm, lực lượng chức năng quận phối hợp với 21 phường đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu hộ kinh doanh trên các tuyến phố ký cam kết không lấn chiếm hè phố, để xe đúng vạch sơn quy định… nhằm vừa bảo đảm trật tự đô thị, vừa bảo đảm quy định phòng, chống dịch. UBND quận đã ứng dụng mạng xã hội Zalo để triển khai các kế hoạch, phương án giải quyết các vi phạm về an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường kết hợp với phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Tuy vậy, vi phạm vẫn còn diễn ra ở một số nơi nên thời gian tới, lực lượng chức năng của quận cũng như các phường sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Còn theo thống kê của UBND quận Ba Đình, chỉ trong 1 tháng gần đây, các lực lượng chức năng quận Ba Đình và 14 phường trực thuộc đã xử phạt 847 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị và phòng, chống dịch Covid-19. 14/14 phường duy trì hoạt động của các tổ tuần tra kiểm soát nhằm kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị và các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó là tập trung tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh phường để nhân dân nâng cao ý thức thực hiện quy định pháp luật về trật tự đô thị và phòng, chống dịch Covid-19.
Để khắc phục tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, đề nghị các địa phương cùng đẩy mạnh tuyên truyền, đi đôi với xử lý nghiêm vi phạm để bảo đảm kỷ cương, duy trì trật tự đô thị nghiêm minh trên địa bàn toàn thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.