Hơn 13 năm qua, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã gặp gỡ, thuyết trình, huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để hỗ trợ cho các gia đình thân nhân liệt sĩ.
Ông bảo: “Bạn bè thường đùa, gọi vui tôi là “Vị tướng đi xin tiền”, nhưng tôi chẳng ngại, chỉ cần có được nhiều nguồn lực để chung tay cùng toàn xã hội làm tốt công tác tri ân, hỗ trợ gia đình của đồng đội tìm mộ, tìm hài cốt liệt sĩ, đồng thời, thay mặt các anh hùng liệt sĩ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, hỗ trợ gia đình các anh”.
Làm phận sự của “hạt gạo còn lại trên sàng”
Chúng tôi gặp Trung tướng Hoàng Khánh Hưng vào cuối giờ chiều tại trụ sở Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam ở số 36 phố Hoàng Diệu (quận Ba Đình) vào một ngày cận kề Tết Giáp Thìn 2024. Những ngày này, ông bận rộn với công việc đến thăm, tặng quà, chúc Tết gia đình thân nhân liệt sĩ, cung cấp thông tin về việc tìm hài cốt liệt sĩ cho các gia đình chưa tìm được mộ của các anh.
Vừa phân loại, hệ thống hóa giấy tờ, tài liệu, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng vừa chia sẻ: “Tôi vừa đến xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì) thăm bà Đỗ Thị So, hơn 80 tuổi, vợ liệt sĩ Nguyễn Trọng Tuệ để cung cấp thông tin bước đầu về kết quả tìm kiếm mộ liệt sĩ. Cụ thể, theo Giấy báo tin mộ do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng cung cấp ngày 25-1-2024, thì Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng Nguyễn Trọng Tuệ hy sinh ngày 6-2-1968, phần mộ liệt sĩ đã được nhân dân và chính quyền địa phương xây cất, tôn tạo tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng). Có điều, trường hợp này cần phải đính chính thông tin, đơn cử như về năm sinh, trong hồ sơ ghi sinh năm 1939, nhưng Giấy báo tử ghi năm 1949, còn Giấy báo tin mộ lại ghi năm 1951...”.
Đây là một trong các trường hợp được Trung tướng Hoàng Khánh Hưng và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam hỗ trợ tìm kiếm thông tin về mộ phần liệt sĩ. Từ thông tin ban đầu do Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội cung cấp, qua 5 tháng áp dụng phương pháp thực chứng, trên cơ sở kết nối, đối soát thông tin từ các cựu chiến binh, đồng đội trong quân đội và các cơ quan quản lý ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ đã nhận được Giấy báo tin mộ, khẳng định mộ liệt sĩ đang nằm tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Trung tướng Hoàng Khánh Hưng cho biết, sau khi nắm được thông tin này, sau Tết, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam sẽ thực hiện nguyện vọng của bà Đỗ Thị So, giúp đưa hài cốt liệt sĩ về quê nhà để thân nhân thuận tiện hương khói, chăm sóc mộ phần.
Không chỉ mang đến niềm vui lớn cho gia đình thân nhân liệt sĩ Nguyễn Trọng Tuệ ngay trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn, trong những ngày qua, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã đến nhiều tỉnh, thành phố trao tặng quà Tết cho thân nhân gia đình liệt sĩ. Ông chia sẻ: “Bản thân tôi may mắn còn sống qua lửa đạn chiến tranh, như “hạt gạo còn lại trên sàng”, tự thấy mình phải có trách nhiệm làm thay cho những người đã hy sinh vì đất nước, tiếp tục thực hiện những ước mơ của đồng đội đã ngã xuống, giúp cho gia đình, vợ con họ”.
Chuyện về vị tướng “đi xin tiền”
Ít ai ngờ vị tướng hoạt động mạnh mẽ, sôi nổi ấy đã 77 tuổi, mười mấy năm sống chung với bệnh tiểu đường. Trong 45 năm gắn bó với quân đội, từng tham gia chiến đấu 7 năm ở chiến trường Trị Thiên và hầu hết các chiến dịch lớn nhất trong hành trình giải phóng đất nước, ngay khi nghỉ hưu 14 năm về trước, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng chuyên tâm thực hiện nhiệm vụ đưa thật nhiều đồng đội đã hy sinh về quê hương đất mẹ. Ông kể: “Khi mới nghỉ hưu, tôi được mời về làm ở Hội Cựu chiến binh. Nhưng tôi nghĩ mình đã hưởng lương quân đội bao năm, nay hết bận công tác, đã có lương hưu, phải chuyên tâm làm công tác tri ân, thực hiện lời ước hẹn cùng đồng đội là "người sống tìm cách đưa người đã hy sinh trở về"".
Làm việc không lương ở Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng dốc lòng với tâm nguyện hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận, thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, thu thập thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng thực chứng và giám định ADN, tham gia nghiên cứu và đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về chính sách, giải pháp thực hiện chính sách đối với liệt sĩ, gia đình liệt sĩ…
Hơn 13 năm qua, ông cùng đồng đội của các cấp Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã tiếp nhận xử lý thông tin của hơn 200.000 liệt sĩ, lấy mẫu phẩm của hơn 1.000 thân nhân liệt sĩ để giám định ADN, trả kết quả đúng cho 494 liệt sĩ, tư vấn hỗ trợ để 33.000 gia đình tìm hài cốt; có 200 gia đình tìm được hài cốt bằng phương pháp thực chứng; đính chính thông tin trên bia mộ cho hơn 1.000 liệt sĩ, giúp đỡ các gia đình khó khăn đưa hơn 1.200 hài cốt liệt sĩ về quê hương.
Đặc biệt, thông qua công tác huy động nguồn lực với tổng kinh phí của xã hội, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đóng góp được gần 170 tỷ đồng, các cấp Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã tặng hơn 1.200 căn nhà tình nghĩa (60-80 triệu đồng/nhà), tặng sổ tiết kiệm, tặng quà, tặng xe đạp, xe lăn, khám bệnh cấp thuốc miễn phí…
Để có được kết quả đó là cả một hành trình dài, với nỗ lực đóng góp công sức của rất nhiều cá nhân và tập thể. Trung tướng Hoàng Khánh Hưng chia sẻ: “Thú thực là có những khoảnh khắc rất khó chịu khi đi vận động nguồn kinh phí xã hội hóa. Nhưng vượt qua cảm giác đó, chúng tôi kiên trì bổ sung nguồn lực để có thêm những phần quà cho thân nhân liệt sĩ”.
Trải qua giai đoạn đầu khó khăn, đến nay, nhờ cách làm người thực - việc thực, hiệu quả, minh bạch, hoạt động của Hội ngày càng “hữu xạ tự nhiên hương”. Trung tướng Hoàng Khánh Hưng xúc động chia sẻ: "Có nhiều đơn vị tài trợ, tôi thậm chí còn chưa biết công ty họ ở đâu. Họ chủ động liên hệ với Hội, muốn thông qua các tổ chức hội để tặng tiền xây nhà tình nghĩa, tặng xe lăn, tặng sổ tiết kiệm. Chúng tôi cung cấp địa chỉ, số điện thoại cụ thể, phối hợp với chính quyền địa phương trao tận tay cho đối tượng thụ hưởng. Mới nhất, có chủ doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh chuyển cho Hội 900 triệu đồng để xây 5 nhà tình nghĩa ở tỉnh Yên Bái, nay đã xong 1 nhà trước Tết. Có một số công ty xây dựng, ngân hàng, nhiều năm liền, năm nào cũng chuyển từ 1 tỷ đồng trở lên, gửi Hội làm hoạt động tri ân. Tương tự, nhiều cá nhân, trong nhiều năm liền, năm nào cũng chuyển 30-50 triệu đồng đến Hội. Họ không cần nêu tên, nhưng luôn đồng hành cùng chúng tôi thực hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”"…
Hiệu quả công tác tri ân có được chính là nhờ sự minh bạch, rõ ràng, trong đó Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam làm tốt vai trò kết nối, đối soát thông tin. Đơn cử như xây nhà tình nghĩa, phải quản lý hồ sơ chặt chẽ, gồm: Giấy báo tử, Quyết định thờ cúng, Đơn có xác nhận của các cấp chính quyền, đất phải có sổ đỏ… Khẳng định những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Quốc phòng… luôn quan tâm đặc biệt đến công tác tri ân người có công, tạo điều kiện mọi mặt để Hội hoạt động hiệu quả, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng nhấn mạnh: “Ghi công, tôn vinh, tưởng nhớ và biết ơn các liệt sĩ là bản chất và nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Công tác tri ân cần làm thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng. Hiện nay, vẫn còn hàng chục vạn liệt sĩ chưa được xác định danh tính, hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, để lại nỗi đau khắc khoải trong lòng các bà mẹ, người vợ, người cha và trong mỗi chúng ta. Vì vậy, cá nhân tôi và đồng đội trong các tổ chức của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam nguyện tiếp tục phấn đấu với lòng nhiệt huyết, tình cảm, trách nhiệm để góp phần tri ân các anh hùng liệt sĩ và thân nhân gia đình liệt sĩ, làm nhịp cầu liền mạch nối giữa ý Đảng, lòng dân; giữa Chính phủ và thân nhân gia đình liệt sĩ”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.