(HNMO)- Nhà thơ Vi Thùy Linh sẽ đánh dấu sự ra mắt 2 cuốn sách của mình là: “Vili Tùy bút” và “Vili & Paris” bằng một bữa “đại tiệc” văn hóa mang tên “Bay cùng Vili” tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, một đêm duy nhất vào tối 1/12/201..
(HNMO)- Vi Thùy Linh vừa cho ra mắt liền 2 cuốn sách của mình là: “Vili Tùy bút” và “Vili & Paris”. Vi Thùy Linh tự nhận đây sẽ là dấu mốc thời gian quan trọng vì vậy cô sẽ khoản đãi khán giả một bữa “đại tiệc” văn hóa mang tên “Bay cùng Vili” tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, một đêm duy nhất vào tối 1/12/2012, cùng với những tên tuổi đình đám trong giới nghệ thuật, Vili muốn khán giả được “bay” trong một không gian nghệ thuật đỉnh cao.
Gặp Vi Thùy Linh trong thời gian này thật là khó, vì cô đang tất bật chuẩn bị cho đêm diễn “Bay cùng Vili”. Tuy nhiên Vi Thùy Linh vẫn dành cho PV HNMO một buổi trò chuyện thật thú vị.
Vốn biết cô đã lâu tôi biết Vi Thùy Linh đã định làm gì là làm đến cùng và vốn cầu toàn nên cái gì cũng tự tay làm. Chính bởi thế mà cô mệt! Tuy nhiên cô tự nhận mình có “máu điên” nhưng chỉ điên trong nghệ thuật mà thôi…
Làm nghệ thuật thì phải sang
Được biết Vi Thùy Linh (VTL) đã dốc sức chuẩn bị cho một đêm nghệ thuật đỉnh cao “Bay cùng Vili” tại Nhà Hát Lớn Hà Nội khá cầu kỳ với những tên tuổi đình đám trong nghệ thuật. VTL có thể nói rõ hơn về chương trình này?
Việc ra đời hai cuốn sách “Vili Tùy bút” và “Vili & Paris” nó đánh dấu giai đoạn quan trọng trong cuộc đời sáng tác của tôi. Nó sẽ đánh dấu việc tạm dừng sáng tác thơ của tôi, và đánh dấu việc tôi chuyển từ một người độc thân sang người có gia đình. Chính vì vậy, tôi muốn làm một đêm nghệ thuật đỉnh cao để cống hiến cho khán giả. Chương trình “Bay cùng Vili” của tôi sẽ có sự tham gia của các tên tuổi trong làng nghệ thuật như: NSND Hoàng Cúc, NSND Minh Hoà (kịch nói), NSƯT Phạm Cường, nghệ sỹ Ngô Hoàng Quân (cello), nhạc sĩ Ngọc Đại, nhạc sĩ Đỗ Bảo, Thanh Lam, nghệ sỹ múa Đinh Nguyệt Thu....Các minh họa của các họa sỹ Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phạm Quang Vinh, Hoàng Phượng Vĩ sẽ được trưng bày tại sảnh nhà hát, trên nền nhạc của những bản tình ca bất hủ. Phục trang sẽ do Nhà thiết kế La Hằng; Dẫn chương trình: nhà báo Lê Quang Minh (VTV1)…
Nghe những tên tuổi này mọi người sẽ đoán: một là Linh phải rất giàu, hai là Linh phải rất giỏi thuyết phục?
Đúng là nếu để mời được tất cả những người này tham gia vào chương trình của tôi mà họ lấy cát-sê thì số tiền đầu tư phải rất khổng lồ. Nhưng tôi được họ nhận lời biểu diễn miễn phí. Nhưng chính vì lẽ đó mà tôi không bán vé mặc dù tôi dốc tiền đầu tư cho chương trình này rất nhiều, có thể gọi là “cháy túi” nhưng tôi không thể làm gì trái với lương tâm được.
Như đạo diễn Phạm Việt Thanh đã nói “nhận lời làm chương trình của Linh có 80% là tự nguyện, 20% là bị “cưỡng ép”, Linh lý giải điều này như thế nào?
Đúng là khi Linh mời các nghệ sỹ tham gia, chẳng ai nói gì về tiền cả. Khả năng “cưỡng ép” là cái phần “nể” Linh đó, vì tâm huyết của Linh là có thật, niềm đam mê là có thật và một phần nữa là Linh sống thế nào để khi Linh cất lời thì họ không từ chối được, họ sẽ xoay sở, sắp xếp tham gia cùng Linh. Điều này không thể ai cũng như nhau được, không thể vô cớ chưa gặp nhau bao giờ lại đến để gặp nhau, mời nhau diễn không cát – sê được. Phải trọng nhau lắm, quý nhau lắm họ mới nhận lời!
Cũng chính vì họ là những tên tuổi lớn như vậy nên phải rất khó khăn Linh mới chọn ra được một ngày hội tụ đủ những tên tuổi này đó là ngày 1-12-2012. Khó lắm!
Có ý kiến cho rằng Vi Thùy Linh mời các nghệ sỹ có thương hiệu để “đánh bóng” tên tuổi và chương trình của mình, Linh nghĩ gì về điều này?
Tôi nghĩ tên tuổi của tôi cũng không cần “đánh bóng” thêm. Nếu ai nghĩ như vậy thì người đó là thiển cận. Những nghệ sĩ hoàn toàn là những người nổi tiếng, tài danh chắc chắn họ là những người tài năng và trí tuệ, họ hơn tôi cả tuổi đời và tuổi nghề, họ cũng không dễ bị tôi huy động để "đánh bóng" tên tuổi của tôi thế sao? Tôi không phải là người có chức quyền, giàu có, tôi được họ nhận lời vì tôi đã sống tử tế với họ một quá trình, nên khi tôi nhờ, bày tỏ, họ đồng cảm và muốn góp sức cùng tôi. Mọi người chia sẻ những khát vọng của tôi, hiểu được sự tận lực của tôi với nghề nghiệp, mà thương mến tôi để cùng bay với tôi trong nghệ thuật. Hơn nữa, trong đêm “Bay cùng Vili” tôi cũng không xuất hiện văn chương nhiều, tôi tạo đất cho mọi người biểu diễn, cống hiến đối với một đối tượng đặc biệt, họ sẽ được phô diễn tài năng của mình cho những khán giả tinh hoa của thủ đô. Tôi trân trọng và nhún nhường trước họ.
Trước đây, những nghệ sỹ đó kể cả những bầu sô lớn, có tên tuổi cũng không mời được, vậy sao họ lại cùng nhau xuất hiện trong đêm thơ để đánh bóng tên tuổi.
Nếu VTL nói sẽ xuất hiện không nhiều trong đêm thơ đó, mà lại đầu tư một chương trình lớn như vậy lại để làm một “sân chơi” nghệ thuật cho các nghệ sỹ khác. Linh có sợ mình bị “thiệt” không”?
Tôi không sợ thiệt, tôi là người có ước mơ lớn, các nghệ sỹ bị tôi thuyết phục bởi chính khát vọng của mình nên họ mới nhận lời biểu diễn cùng tôi. Trong chương trình, các nghệ sỹ không phải là diễn viên đọc thơ tôi, họ là nhân vật trong tác phẩm của tôi, vì vậy âm nhạc là sự kết nối xuyên suốt. Vì vậy, khi bước vào đó, khán giả sẽ được bước vào một không gian khác.
Hơn nữa, tôi tự tin với tác phẩm của mình, đủ chất lượng, đủ sang trọng để xứng đáng ra mắt tại Nhà hát lớn – nơi được gọi là Thánh đường nghệ thuật. Tại sao các loại nghệ thuật thường thường khác, chỉ vì có tiền mà vào được Nhà Hát Lớn, mà thơ văn lại không thể làm một cách sang trọng?
Tôi vẫn nói “Y phục xứng kỳ đức”, tôi tin tôi xứng đáng ở vị trí đó. Tôi không làm một đêm diễn để ca ngợi tôi, để tôn vinh tôi mà tôi muốn cống hiến một đêm nghệ thuật mà tôi là nhà tổ chức, là nhà sản xuất. Tôi là chủ chương trình, là người chủ giấc mơ, và tôi chia sẻ giấc mơ đó trong sự cộng hưởng với đồng nghiệp và với khán giả.
Để thực hiện giấc mơ này, VTL đã phải hao tổn tâm sức thế nào?
Người nghệ sỹ phải có giấc mơ và phải có quyết tâm thực hiện nó. Để giấc mơ đó thành hiện thực, tôi đã gầy mòn đi, tóc tôi bạc thêm. Nửa năm nay tôi không được ăn cơm với bố mẹ. Một tháng nay tôi thường xuyên ăn trưa vào lúc sau 3 giờ chiều và ăn tối sau 11 giờ đêm.
Tôi con muốn nói thêm, tôi làm chương trình này cũng là để gánh đỡ hộ những mặc cảm, những tủi thân, những yếu đuối của đồng nghiệp mình. Rất nhiều người họ mặc cảm rằng nhà văn là yếu đuối, là lụi cụi và không sang được. Linh làm chương trình này để kích động họ. Họ có thể hiểu tôi hoặc không hiểu tôi, có thể họ cảm ơn hoặc không cảm ơn, nhưng tôi nghĩ với loại hình nghệ thuật tôi yêu nhất là văn chương thì tôi sẽ cống hiến điều gì cho nó. Điều chưa từng thấy, để “cắm cờ” đặt cột mốc, nhưng nếu tôi không làm thì ai làm? Hãy cứ cố gắng, lao động tử tế về nghề. Tôi lao động tử tế mới được các nghệ sỹ hưởng ứng chứ. Sao cứ lo lắng là viết ra thì ai đọc?!
Vậy cái lao động “tử tế” của Linh là như thế nào?
Tôi muốn khi người ta đọc tôi là người có trí tuệ, hiểu biết có vốn văn hóa. Mà vốn văn hóa không phải là bản năng do cha sinh mẹ đẻ mà ra, mà phải luôn ý thức đắp bồi, đọc và nạp. Và trong tư duy của mình, tôi coi việc đọc, việc nạp chính là đi xem các nhà hát. Tôi coi việc tiếp cận với giao hưởng, ba-lê, kịch nói và điện ảnh là việc “nạp”. Từ đó, não mình nó suy tưởng ra điều gì đó mới, tôi rất tâm đắc với câu nói của nhà báo Hồ Quang Lợi “Tinh thần phù sa”, tức là nó được nạp, được lắng, nhào trộn và mình suy tưởng ra những cái mới.
Những cái đó nó tạo cảm hứng cho mình, một bản nhạc hay có thể làm cho tôi bật khó. Những cái đó nuôi cho mình những cái xúc cảm, nhưng từ những xúc cảm đó phải tạo ra cái mới của riêng mình, chứ không phải như là “con bò nhai lại”.
Chỉ điên trong nghệ thuật
Bé nhỏ, nói to, đi lại nhiều, ăn ít, ngủ ít, lao động nhiều, vậy năng lượng sống của Linh ở đâu?
Đạo diễn Đào Trọng Khánh vẫn gọi tôi là “ET” – tức là người ngoài hành tinh mà. (Cười)
Có một số người xem và chứng kiến những gì Vi Thùy Linh làm và cho rằng Linh có “điên”?
Theo quan điểm phân tâm học thì ai cũng có cơn “điên nhẹ”. Ví dụ như cáu giận, khó kiểm soát, ném đồ vật…thì đó là cơn điên nhẹ. Với tôi, tôi không định chinh phục những người đó, tôi không thể tự gọt tròn mình cho vừa mắt tất cả mọi người.
Với tôi, trong nghệ thuật phải cần những cơn “điên say” trong sáng tạo còn trong đời sống tôi rất tỉnh, rành mạch và trung thực. Đa số những người “mai mỉa” cái điều đó đều không hiểu những cái điên trong nghệ thuật, cái điên đáng yêu đó chỉ có những người nghệ sỹ thực tài mới có cái điên ấy. Còn với những người đang hiểu cái điên theo nghĩa “tâm thần học” thì họ không thể hiểu được những cơn điên nghề ấy, không hiểu được giá trị của nghệ thuật đích thực. Nhất là trong chương trình “Bay cùng Vili” phải gọi là sự hợp tuyển của những “cơn điên nghề”, mà trong đó các nhân tố tạo nên đêm nghệ thuật đó đều là những “tài sản quốc gia”!
Có phải những cơn “điên nghề” đó sẽ làm cho Linh tiều tụy đi?
Tôi gọi đó là trả giá. Tôi biết sau chương trình này tóc tôi bạc thêm, tôi sẽ ốm, sẽ gầy sọp…nhưng tôi không biết phải làm thế nào vì một ngày chỉ có 24 tiếng. Để có một đêm nghệ thuật tốt nhất, tôi chấp nhận quên mình đi, nhưng những cái tôi cống hiến tôi tin chắc mọi người sẽ ghi nhận. Tôi biết, nếu tôi là người có gia đình, có chồng con chắc chắn tôi không thể làm được điều này. Vì vậy, khi còn thời gian cống hiến được tôi sẽ cống hiến hết mình.
Xin cảm ơn và chúc Linh ngày càng thành công!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.