(HNM) - Sau 7 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và từ khi Bộ Y tế triển khai chương trình “Người Việt ưu tiêu dùng thuốc Việt” vào năm 2013, đến nay tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất ở trong nước tại các bệnh viện đã tăng lên rõ rệt.
Sản xuất thuốc tại Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây. Ảnh: Thái Hiền |
Tâm lý sính ngoại
Đề cập đến kết quả sau 3 năm triển khai chương trình “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt”, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Trương Quốc Cường cho rằng, trước khi triển khai chương trình, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước ở tuyến huyện vào khoảng 61%; sau khi triển khai, tỷ lệ này đã tăng lên 69,3%. Tương tự, ở tuyến tỉnh, sau khi triển khai, tỷ lệ sử dụng thuốc nội đã đạt 35% (trước đó là 31%).
Riêng ở tuyến trung ương thì con số khiêm tốn hơn, tỷ lệ trung bình là 11%. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện trung ương lớn, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước khá lớn, như Bệnh viện Chợ Rẫy đạt mức 40%; Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh là 65%. Đây là con số đáng khích lệ, cho thấy chương trình “Người Việt dùng thuốc Việt” đã đạt được kết quả nhất định.
Cũng theo ông Trương Quốc Cường, các đơn vị sản xuất thuốc trong nước đã nhập khẩu thiết bị hiện đại, mua dây chuyền công nghệ cao. Tính đến hết năm 2015, cả nước có 163 nhà máy đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới”. Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 50% nhu cầu sử dụng thuốc (xét về giá trị tiền thuốc sử dụng); chúng ta đã sản xuất được 10/12 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Hầu hết các cơ sở y tế hiện nay sử dụng các sản phẩm y tế sử dụng một lần như bông, băng gạc, khẩu trang, găng tay y tế, bơm, kim tiêm dây truyền dịch, chỉ phẫu thuật… “Thế nhưng, điều đáng bàn là tâm lý sính ngoại của người dân, và ngay cả các bác sĩ vẫn thường xuyên kê đơn cho bệnh nhân dùng thuốc ngoại dù không cần thiết”, ông Trương Quốc Cường nói.
Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có chuyến kiểm tra năng lực của doanh nghiệp dược trong nước và hiệu quả của việc sử dụng thuốc nội trong bệnh viện thông qua đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” do Bộ Y tế triển khai. Việc kiểm tra tại Công ty CP Dược phẩm Traphaco cho thấy, doanh nghiệp này đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng trong 9 tháng qua (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015), nhiều sản phẩm dùng 100% dược liệu Việt.
Thế nhưng, các sản phẩm thuốc được Bộ Y tế trao tặng danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” của đơn vị này, dù “bán chạy” tại các cửa hàng thuốc nhưng doanh thu lại sụt giảm tại hệ thống cơ sở điều trị. Biểu dương đơn vị này chú trọng đầu tư cho vùng trồng dược liệu, chủ động nguồn nguyên liệu, duy trì chất lượng thuốc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, các bác sĩ có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn người dân sử dụng thuốc, chứ người bệnh không thể tự chọn thuốc như đối với các loại hàng hóa khác.
Theo Chiến lược quốc gia phát triển Ngành Dược Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm. Mặt khác, vắc xin sản xuất trong nước có thể đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ. Cùng với đó, cần thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả với việc xây dựng 5 trung tâm phân phối thuốc tại khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. |
Đẩy mạnh việc sử dụng thuốc nội
Theo ông Trương Quốc Cường, trước thực tế là tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại bệnh viện tuyến trung ương còn khiêm tốn, Cục Quản lý dược đã tham mưu Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn đấu thầu, trong đó có các điều khoản nhằm khuyến khích việc sử dụng thuốc sản xuất trong nước. “Nếu chúng ta phát huy tốt thì trong thời gian tới, thuốc nội sẽ có chỗ đứng xứng đáng trong thị trường”, ông Trương Quốc Cường nói.
Mặt khác, Bộ Y tế cũng đã công bố danh sách 146 sản phẩm thuốc có tỷ lệ sử dụng rất lớn, lưu ý rằng với các sản phẩm thuốc này, nếu doanh nghiệp dược trong nước sản xuất đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp thì chúng ta sẽ không phải nhập khẩu.
Để thuốc nội có chỗ đứng vững chắc trên “sân nhà”, ông Trần Đức Chính, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam cho rằng, chúng ta phải phấn đấu để chất lượng thuốc nội thực sự tốt, được người dân tin tưởng, đồng thời tạo điều kiện trong công tác đấu thầu để thuốc nội dễ dàng có mặt tại các cơ sở điều trị. Mặt khác, trong thời gian tới, Ngành Dược cần cố gắng để tiếp tục nâng cao chất lượng thuốc trong nước với hiệu quả điều trị tương đương với thuốc ngoại nhập.
Theo các chuyên gia trong nước, thời gian tới, Bộ Y tế cần tiếp tục triển khai sâu rộng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” trên phạm vi cả nước nhằm tăng số đơn vị tham gia thực hiện cuộc vận động này. Ngoài ra, Ngành Y tế cần tăng cường công tác truyền thông về tác dụng và hiệu quả của việc sử dụng thuốc sản xuất trong nước, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.