Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vị thế của Quốc dân Đại hội Tân Trào trong Cách mạng Tháng Tám

PGS,TS Đoàn Minh Huấn| 19/08/2015 06:18

(HNM) - Trong những ngày chuẩn bị phát lệnh Tổng khởi nghĩa, Tuyên Quang trở thành



Đây là những hình thức, bước đi trung gian, quá độ cần thiết, thể hiện tư duy sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ "trung tâm đầu não chính trị" Tân Trào, hiệu lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã được phát ra và lan truyền rộng khắp; các biện pháp huy động, tập hợp toàn dân Tổng khởi nghĩa được triển khai; các sách lược ứng phó và phân hóa với từng loại đối tượng cách mạng được minh định; công tác chuẩn bị về mặt tổ chức cho chính quyền cách mạng lâm thời khai sinh và dịch chuyển về trung tâm chính trị Ba Đình được tiến hành khẩn trương, tích cực.

Đình Tân Trào - nơi diễn ra Đại hội đại biểu Quốc dân năm 1945.


Quốc dân Đại hội là tên gọi tắt của Đại hội đại biểu Quốc dân. Tại Đại hội, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Trường Chinh đã đọc báo cáo nhấn mạnh hai vấn đề lớn là Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng. Đại hội đã tán thành chủ trương của Đảng (được thông qua tại Hội nghị toàn quốc của Đảng từ ngày 13 đến 15-8-1945) lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền từ tay Nhật, chủ động đón tiếp quân Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật với vị thế, tư cách là lực lượng cầm quyền, làm chủ đất nước. Đại hội quyết định lấy cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ, bài Tiến quân ca làm Quốc ca, "Mười chính sách của Việt Minh" làm chính sách căn bản. Đại hội quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Ngày 17-8, Đại hội bế mạc trong không khí khẩn trương, sôi sục Tổng khởi nghĩa…

Quốc dân Đại hội Tân Trào chiếm một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong bước phát triển nhảy vọt của lịch sử, phát động và tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, kiến tạo nền dân chủ cộng hòa buổi đầu "trứng nước". Trước hết, cần phải đặt Quốc dân Đại hội Tân Trào trong cả tiến trình cách mạng của thời kỳ tiền khởi nghĩa, nhất là sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), tình thế cho khởi nghĩa từng phần xuất hiện, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (12-3-1945); trực tiếp là sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện, thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước chín muồi.

Sự kiện Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương đã báo hiệu mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù không thể dung hòa được. Đảng ta từ chỗ xác định kẻ thù chủ yếu là Pháp - Nhật sang xác định kẻ thù trước mắt là phát xít Nhật và phát động phong trào khởi nghĩa từng phần, tạo tiền đề đi tới Tổng khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thông qua hình thức Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta ở nhiều nơi trên cả nước đã đứng lên giành chính quyền cục bộ, nhất là ở Việt Bắc đã hình thành các "xã hoàn toàn", "tổng hoàn toàn", rồi thành lập Khu Giải phóng Việt Bắc (4-6-1945) gồm 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái và một số vùng ngoại vi của các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Bái, góp phần làm suy yếu chính quyền địch. Khu Giải phóng Việt Bắc lấy Tuyên Quang làm trung tâm, nơi An toàn khu Trung ương và đặt các cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc cách mạng. Quốc dân Đại hội Tân Trào được triệu tập tại Tân Trào vào thời khắc lịch sử phát triển nhảy vọt, có ý nghĩa như Hội nghị Diên hồng thời đại mới, chuẩn bị thế và lực cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, phát đi một thông điệp, hiệu lệnh dẫn dắt toàn bộ cuộc Tổng khởi nghĩa cũng như tạo nền tảng cho định hình thể chế dân chủ cộng hòa.

Quốc dân Đại hội là một thiết chế chính trị đặc biệt trong một giai đoạn phát triển nhảy vọt của lịch sử, thể hiện sự sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, tạo lập tính chính đáng của chính quyền cách mạng lâm thời khi chưa thể tổ chức tổng tuyển cử. Quốc dân Đại hội là một hình thức trung gian, quá độ, có thể xem như một "Quốc hội lâm thời" khi chưa thể tiến hành tổng tuyển cử Quốc hội, được hình thành bằng cơ cấu các thành phần đại diện cho các giai cấp, chính giới, thành phần xã hội trong một hình thức Đại hội đại biểu Quốc dân. Ngay cái tên "Quốc dân" đã thể hiện dân tộc tính rất mãnh liệt, phản ánh đại biểu của Quốc dân Đại hội không chỉ giới hạn ở đại diện cho một giai cấp, tầng lớp, mà là đại diện cho toàn thể dân tộc Việt Nam, mang ý nghĩa rộng hơn khái niệm nhân dân, công dân; thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị của toàn thể dân tộc trong cuộc cách mạng. Quốc dân Đại hội bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng, do Hồ Chí Minh đứng đầu, được xem như Chính phủ lâm thời.

Ngày 25-8, khi về Hà Nội, Ủy ban Dân tộc giải phóng đã cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà ở đó một số đảng viên cộng sản rút ra nhường chỗ cho các thành phần không đảng phái, càng làm cho tính đại diện, tính chính đáng của chính quyền cách mạng lâm thời được tăng lên. Điều này đã cắt nghĩa lý do vì sao Cách mạng Tháng Tám 1945 dù phải đối diện với thù trong, giặc ngoài, chính quyền cách mạng nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của mọi tầng lớp nhân dân, trụ vững và mạnh dần lên. Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (6-1-1946) đã mở ra một bước ngoặt mới, chính thức bầu nên một cơ cấu đại diện thông qua phổ thông đầu phiếu, trực tiếp của toàn dân trên cả nước.

Việc Quốc dân Đại hội Tân trào quyết định lấy Mười chính sách của Việt Minh thi hành, được xem như một "Hiến pháp tạm thời" đã thể hiện rõ tính linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Mười chính sách của Việt Minh rất cô đọng, ngắn gọn nhưng bao quát những quyền dân chủ cơ bản của con người, những phương hướng của chính thể dân chủ cộng hòa mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng dễ chấp nhận được, dễ nhớ và dễ làm. Có thể xem đó chính là một chủ thuyết phát triển của thể chế mới để gây ảnh hưởng, tập hợp, đoàn kết quần chúng, không chỉ đứng lên giành chính quyền mà cả xây dựng chính quyền mới, tổ chức lại đời sống, kiến thức nền dân chủ cộng hòa. Vì vậy, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Mười chính sách của Việt Minh là phương hướng, phương châm chỉ đạo mọi mặt đời sống, được thể chế hóa trong các sắc lệnh điều hành của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phải đến ngày 9-11-1946, bản hiến pháp dân chủ đầu tiên mới được thông qua, nhưng đất nước lại chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, nên không được thực thi trên thực tế. Điều đó càng thấy vai trò, ý nghĩa lớn lao của Mười chính sách của Mặt trận Việt Minh mang ý nghĩa bản "Hiến pháp tạm thời" trong năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vị thế của Quốc dân Đại hội Tân Trào trong Cách mạng Tháng Tám

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.