Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì thầy thuốc là vì sức khỏe nhân dân

Bắc Vũ| 09/07/2022 06:29

(HNM) - Vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua là tình trạng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc. Thực tế này đặt ra không ít thách thức cho ngành Y tế khi mà dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, cũng như công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng có yêu cầu cao hơn.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022 là 4.113 người (bao gồm 3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế tỉnh, thành phố và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế). Tổng cộng trong 1,5 năm qua, cả nước có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lượng lớn cán bộ y tế “dứt áo ra đi”. Trước hết, do đại dịch Covid-19 kéo dài đã tạo áp lực không nhỏ lên cán bộ y tế ở tất cả các tuyến. Trong khi đó, nguồn thu của các đơn vị giảm nhiều, đặc biệt là các bệnh viện tự chủ và y tế cơ sở, nên thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế so với khối lượng công việc chưa tương xứng.

Đáng kể hơn, mang tính sâu xa hơn là chính sách thu hút nguồn nhân lực của hệ thống y tế tư nhân, nhất là nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu cũng là lý do khiến cơ sở y tế công lập phần nào bị “chảy máu chất xám”. Ngoài ra, với ngành Y, môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, rồi lý do gia đình, sức khỏe… cũng là những yếu tố ảnh hưởng tới quyết định nghỉ việc, bỏ việc.

Để giải quyết tình trạng trên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Hiện Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập; trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên 100%.

Một vấn đề lớn khác là làm thế nào để thu hút nhân viên y tế về công tác tại tuyến y tế cơ sở; thu hút nhân tài làm việc ở cơ sở y tế công lập. Để thực hiện được việc này, hai yếu tố quan trọng mà ngành Y tế cũng như các ngành chức năng, địa phương cần giải quyết hiệu quả là từng bước nâng cao thu nhập, làm sao để xứng đáng với những công sức, trí tuệ mà cán bộ y tế cống hiến; tăng cường năng lực khám chữa bệnh, cơ sở vật chất của tuyến y tế từ cơ sở đến cấp trung ương, đặc biệt là các bệnh viện cấp tỉnh, cấp huyện, trạm y tế... Ngoài ra, để giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế, về lâu dài cần thực hiện cơ chế điều chỉnh, phân bổ trạm y tế theo dân số; điều tiết nhân lực cho các đơn vị khó khăn về nhân lực…

Cùng với việc quan tâm đến các chế độ, chính sách, các cấp, ngành, địa phương cần chú trọng biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác y tế, nhất là khi xảy ra những tình huống khẩn cấp về y tế như đại dịch Covid-19. Mặt khác, cần huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, động viên cán bộ y tế yên tâm công tác, cống hiến.

Với vai trò đặc biệt quan trọng, cùng sự quan tâm của toàn xã hội, bản thân đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cần tiếp tục mang tri thức, sự nhiệt huyết phục vụ sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì thầy thuốc là vì sức khỏe nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.