(HNM) - Hưởng ứng phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” giai đoạn 2016-2020 do UBND thành phố Hà Nội phát động, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương và nhiều tổ chức, cá nhân ở Thủ đô đã có nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, các cấp, ngành chức năng thành phố đã xây dựng và tổ chức hiệu quả nhiều mô hình, như: “Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người”; “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”; “An toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố"...
Chính những mô hình sáng tạo nói trên đã góp phần đưa công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố thời gian qua dần đi vào quỹ đạo, từng bước đẩy lùi vấn nạn thực phẩm bẩn, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ ngộ độc liên quan đến thực phẩm. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 371 người mắc, không có ca tử vong. Điểm nổi bật là không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, liên quan đến các bữa cỗ tập trung đông người. Kết quả kiểm tra các tiêu chí an toàn thực phẩm đối với 29.655 cơ sở dịch vụ ăn uống luôn đạt 80%-98,8%.
Như vậy, việc đẩy lùi thực phẩm bẩn không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu tuyên truyền mà cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn đang là "khối u ác tính" trong đời sống xã hội, thì kết quả khả quan nói trên cũng là hướng gợi mở cho các địa phương tiếp tục nhân rộng hơn các mô hình an toàn thực phẩm, để dần đưa công tác này đi vào nền nếp.
Để làm được điều này, các ngành chức năng, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “An toàn thực phẩm”. Trong đó, quá trình triển khai cần đánh giá được các mô hình hiệu quả, phù hợp với đặc thù địa phương để từ đó nhân rộng, tạo sự lan tỏa trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đạo đức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng cần được tăng cường hơn nữa. Trong công tác quản lý, nên có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn nữa vào chuỗi cung ứng thực phẩm sạch. Đặc biệt, cần hướng dẫn, hỗ trợ nông dân về nguồn vốn, cây con giống mới, khoa học kỹ thuật, thị trường... để hình thành một nền sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm từ gốc. Hướng phát triển này cũng là trách nhiệm của người nông dân. Bởi họ là chủ thể làm ra nông sản sạch, yếu tố quyết định đến một bữa ăn an toàn thực phẩm trong mỗi gia đình, trong các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh thực phẩm đường phố.
Người tiêu dùng cũng cần tự trang bị những kiến thức về an toàn thực phẩm, ủng hộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm; kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn. Cùng với đó, chủ động thông tin, hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện thực phẩm bẩn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn thực phẩm... Đây là nguồn thông tin rất hữu ích để ngành chức năng kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm về thực phẩm bẩn.
Đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, đẩy lùi thực phẩm bẩn là trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân. Làm tốt việc này là vì sức khỏe cộng đồng, vì tương lai giống nòi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.