Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao vẫn “án binh bất động”?

Hoàng Minh| 26/09/2017 07:09

(HNM) - 20 trường hợp tự ý xây dựng lều lán, chuồng trại trên đất nông nghiệp, đất thuê thầu… khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đã được UBND phường Viên Sơn lập biên bản vi phạm, yêu cầu các hộ tự tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng ban đầu.

Chuồng trại ngang nhiên “mọc” tại xứ đồng Cây Chanh chưa được xử lý.



Vi phạm kéo dài

Phường Viên Sơn có 9 tổ dân phố, trong đó có 4 tổ dân phố thuộc thôn Tiền Huân (cũ) sản xuất nông nghiệp là chính. Để hạn chế việc chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường khu dân cư, từ năm 2012 đến nay, nhiều hộ dân phường Viên Sơn đã tự ý xây dựng nhà tạm, chuồng trại trên đất nông nghiệp khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Điều đáng nói, một số công trình xây dựng ở một số xứ đồng thuộc phạm vi quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn từ năm 2014.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số xứ đồng như Gò Gợi, Vở Tráp, Cây Chanh… cho thấy, trên nhiều thửa ruộng màu mỡ đang được trồng các loại rau màu, lúa lại “mọc” lên một ngôi nhà cấp 4 hoặc chuồng trại chăn nuôi. Vi phạm xảy ra nhiều nhất là xứ đồng Vở Tráp với 6 công trình; Cây Chanh 5 công trình.

Theo phản ánh của người dân tổ dân phố 2, Tiền Huân, việc xây dựng trên đất nông nghiệp của các hộ gia đình trên địa bàn phường không chỉ ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai của chính quyền địa phương, mà còn gây ô nhiễm do các hộ chăn nuôi xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra hệ thống kênh mương nội đồng... Tuy nhiên, suốt từ năm 2012 đến nay, vẫn chưa có công trình vi phạm nào bị xử lý.

Theo thống kê của UBND phường Viên Sơn, trong số 20 công trình vi phạm trên đất nông nghiệp thì có tới 16 công trình chuồng trại chăn nuôi lợn, bò; chỉ có 4 công trình nhà tạm. Không ít công trình có diện tích lớn như của các hộ: Ông Nguyễn Đăng Chiến, ở xứ đồng Cây Chanh (148,7m2); ông Nguyễn Văn Thảo, ở xứ đồng Lầy Binh (128m2); ông Nguyễn Đăng Cường, ở xứ đồng Vở Tráp (103,5m2); bà Nguyễn Thị Thưởng, ở xứ đồng Gò Vưa (105m2)…

Cần xử lý dứt điểm

Trao đổi với phóng viên xung quanh thực trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND phường Viên Sơn Nguyễn Thị Mùi cho biết, quá trình kiểm tra, phát hiện vi phạm, UBND phường đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, với hành vi vi phạm “sử dụng đất không đúng mục đích” đối với các hộ; yêu cầu các hộ tự giác tháo dỡ công trình, trả lại nguyên trạng ban đầu.

Song, một trong những khó khăn của phường trong công tác xử lý vi phạm hiện nay là, các hộ vi phạm đều thiếu mặt bằng để chăn nuôi, trong khi chăn nuôi trong khu dân cư sẽ gây ô nhiễm môi trường; nhận thức về pháp luật của người sử dụng đất vi phạm còn hạn chế... Hơn nữa, các quy định của pháp luật về đất đai, đặc biệt là Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10-11-2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai chưa có chế tài cụ thể quy định việc xử lý đối với hành vi vi phạm xây dựng chuồng trại trên đất nông nghiệp trồng cây hằng năm. Ngoài ra, việc phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm của chính quyền địa phương chưa kiên quyết, dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh…

Trước thực trạng nhiều vi phạm trên đất nông nghiệp tại phường Viên Sơn chậm được xử lý, gây bức xúc dư luận, ngày 10-3-2016 UBND thị xã Sơn Tây đã ban hành Thông báo số 77/TB-UBND về việc xử lý các trường hợp xây dựng chuồng trại trên đất nông nghiệp nêu trên. Theo đó, UBND thị xã Sơn Tây giao UBND phường Viên Sơn tuyên truyền vận động, yêu cầu các hộ vi phạm tự tháo dỡ công trình, buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm. Nếu các hộ không tự giác tháo dỡ, UBND phường phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Đội Thanh tra xây dựng thị xã Sơn Tây xử lý theo đúng quy định.

Chỉ đạo rõ ràng là vậy, tuy nhiên đã hơn 18 tháng trôi qua kể từ ngày Thông báo số 77 của UBND thị xã Sơn Tây được ban hành, đến nay 100% số vi phạm kể trên vẫn chưa được xử lý. Việc chậm trễ, kéo dài trong xử lý các trường hợp vi phạm khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của thị xã Sơn Tây “bó tay” trước những vi phạm này?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao vẫn “án binh bất động”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.