Y tế

Vì sao tỷ lệ hiến mô, tạng tại Việt Nam rất thấp và không tăng 10 năm qua?

Thu Trang 08/04/2024 - 16:55

Cả nước có 6/26 bệnh viện ghép tạng đã thực hiện chẩn đoán chết não về hiến tặng mô tạng. Đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ chết não hiến mô, tạng tại Việt Nam rất thấp và không tăng trong hơn 10 năm qua.

Thông tin trên được đưa ra tại họp báo về điều phối đa tạng từ bệnh nhân chết não tại bệnh viện tuyến tỉnh do Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tổ chức chiều 8-4 tại Hà Nội.

hop-bao-chieu-8-4.jpg
Họp báo chiều 8-4. Ảnh: Thu Trang

Theo thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, sau 32 năm thực hiện ca ghép tạng đầu tiên và 14 năm triển khai công tác lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép mô, bộ phận cơ thể người. Hiện, có gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan. Như vậy, nếu như có nguồn hiến tặng thích hợp sẽ có rất nhiều trường hợp suy tạng được cứu sống.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, ở các nước phát triển, tỷ lệ hiến và ghép tạng, ghép mô từ người chết não là rất cao, từ 50-60%, thậm chí là hơn 90%. Thế nhưng, tại Việt Nam (dân số khoảng 100 triệu dân), mỗi năm chỉ có khoảng 10 người chết não hiến tạng, thấp nhất thế giới. Nguồn tạng hiến để ghép vẫn chủ yếu từ người cho sống (chiếm 94-95%).

PGS.TS Đồng Văn Hệ cũng cho rằng, việc người chết não ít hiến mô, tạng không phải do quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng, hay người dân không hiểu, mà là những lý do khác.

Các nghiên cứu đã chỉ ra 10 yếu tố liên quan trực tiếp đến việc hiến mô tạng, trong đó có 7 yếu tố liên quan đến bệnh viện, 3 yếu tố liên quan đến hệ thống.

Tính tới thời điểm hiện tại, cả nước mới có 6/26 bệnh viện ghép tạng đã thực hiện chẩn đoán chết não về hiến tặng mô tạng. Điều này là một trong những lý do khiến tỷ lệ chết não hiến mô, tạng tại Việt Nam rất thấp và không tăng trong hơn 10 năm qua.

Vì vậy, theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, triển khai chẩn đoán và hồi sức chết não tại các bệnh viện hiến (bệnh viện chưa ghép tạng) theo mô hình các nước phát triển là định hướng của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia.

Sau khi đưa vào thí điểm xây dựng mạng lưới 16 bệnh viện vận động hiến tặng mô, tạng, Trung tâm đã hỗ trợ 4 bệnh viện triển khai thành công chẩn đoán chết não, hồi sức và hiến mô tạng. Trong đó, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) là bệnh viện tỉnh chưa ghép tạng đầu tiên thực hiện chẩn đoán và hồi sức chết não hiến mô tạng từ bệnh nhân chết não.

Cụ thể, ngày 31-3, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia nhận được thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí về bệnh nhân D.M.Đ (sinh năm 1988, tỉnh Quảng Ninh) bị chết não sau tai nạn giao thông và gia đình đã đồng ý hiến mô, tạng.

gheptang.jpg
Lần đầu tiên bệnh viện tỉnh thực hiện việc lấy tạng từ bệnh nhân chết não. Ảnh: Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí

Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã phối hợp với Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cử kíp chẩn đoán và xuống Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để hỗ trợ và điều phối mô tạng thành công.

Theo đó, 1 tim, 1 tạng thận, 1 phần gan (gan trái) được điều phối tới Bệnh viện trung ương Huế và 1 phần gan (gan phải), 1 tạng thận được điều phối tới Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức; 2 giác mạc được điều phối tới Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Hiện các tạng được lấy từ người hiến chết não được ghép đều có tiến triển tốt, mang lại sự sống cho các bệnh nhân khác.

Thành công của ca hiến có hai đặc điểm lớn, đó là bệnh viện tỉnh đầu tiên chưa ghép tạng thực hiện chẩn đoán chết não - hồi sức chết não và lần đầu tiên chia tách gan người hiến chết não thành công để ghép cho hai người (gồm 1 trẻ em, 1 người lớn).

Từ mô hình này, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia có thể chia sẻ những kinh nghiệm và lan tỏa ra các đơn vị khác, mở rộng hơn mạng lưới tư vấn hiến tạng, gia tăng nguồn tạng hiến, giúp cho nhiều bệnh nhân có cơ hội được cứu sống hơn nữa.

“Một trong những điều quan trọng để phát triển mạng lưới bệnh viện là cần chính sách cho các hoạt động vận động hiến mô, tạng. Lãnh đạo các bệnh viện cần tạo điều kiện, hỗ trợ cho các tư vấn viên hoạt động. Đây là điều quan trọng và cần thiết để thúc đẩy nguồn hiến mô, tạng trong thời gian tới”, PGS.TS Đồng Văn Hệ nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao tỷ lệ hiến mô, tạng tại Việt Nam rất thấp và không tăng 10 năm qua?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.