Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao trái phiếu Chính phủ "ế"?

Hương Thủy| 12/06/2015 09:49

(HNMO) - Trong 5 tháng đầu năm, huy động trái phiếu Chính phủ (TPCP) mới đạt 29,17% kế hoạch cả năm, cho thấy sức cầu TPCP hiện rất thấp. Nguyên dân do đâu?


Tại báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài chính-Ngân sách nhà nước tháng 5/2015, Bộ Tài chính cho biết, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tổ chức 8 phiên đấu thầu trái phiếu, tổng số huy động đạt 3.408 tỷ đồng; trong đó kỳ hạn 5 năm là 71 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm là 3.337 tỷ đồng, bằng 22,5% so với tháng 4/2015 (13.523,4 tỷ đồng) và bằng 13,7% so với cùng kỳ năm 2014 (22.203,1 tỷ đồng).

Lũy kế huy động vốn đến thời điểm 31/5/2015 là 72,9 nghìn tỷ đồng (trong đó kỳ hạn 5 năm chiếm 57,91%, kỳ hạn 10 năm chiếm 15,32% (kỳ hạn 15 năm chiếm 26,77%), đạt 29,17% kế hoạch cả năm. Kỳ hạn vay trung bình năm 2015 đến thời điểm 29/5/2015 là 8,44 năm.

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đến tháng 5, tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu TPCP đạt 64,5% và chỉ đạt 31,9% kế hoạch phát hành TPCP cả năm.

(ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Trong tháng 6 này, Kho bạc Nhà nước tiếp tục phát hành TPCP nhưng tỷ lệ trúng thầu cũng không cao. Hầu hết các phiên đấu thầu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đều còn thừa. Phiên mới nhất là hôm qua (11/6), Kho bạc Nhà nước phát hành 2.500 tỷ đồng TPCP cho kỳ hạn 5 năm và 15 năm. Tuy nhiên, chỉ 1.741,2/2.500 tỷ đồng được huy động thành công. Đây là phiên mà tỷ lệ trúng thầu được coi là đạt mức khá.

Như vậy, trong 250.000 tỷ đồng kế hoạch phát hành trái phiếu được ấn định cho năm 2015, Bộ Tài chính mới chỉ phát hành thành công khoảng 30% kế hoạch từ đầu năm đến nay, cho thấy sức cầu đối với TPCP là rất thấp.

Theo HSBC, một trong những nguyên nhân của tình hình ảm đạm này là Nghị quyết 78 đã có hiệu lực từ đầu năm 2015 quy định Bộ Tài chính chỉ có thể phát hành trái phiếu có thời hạn bằng hoặc dài hơn 5 năm. Điều này đã làm việc phát hành trái phiếu của Việt Nam bị ảnh hưởng lớn.

Cần nhớ rằng, năm 2013 và 2014, trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn 5 năm chiếm tương ứng 72% và 49% trên tổng số lượng phát hành. Trong khi đó Chính phủ lên kế hoạch huy động 250.000 tỷ đồng, nhiều hơn so với các năm trước, chủ yếu là thông qua các trái phiếu dài hạn. Dường như thị trường không có hứng thú để mua loại trái phiếu dài hạn này.

Một lý do khác khiến nhu cầu yếu đối với trái phiếu dài hạn yếu có thể là những dự luật vừa mới ban hành gần đây như Thông tư 36 giới hạn các ngân hàng thương mại sử dụng các nguồn vốn ngắn hạn của mình để đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Còn theo Ủy bán Giám sát Tài chính quốc gia, lợi suất TPCP có xu hướng tăng kể từ tháng 3/2015 đã gây khó khăn cho huy động TPCP.

Ngoài nguyên nhân lãi suất, Ủy bán Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, huy động TPCP chậm còn do: dòng tiền đầu tư dài hạn của các nhà đầu tư còn hạ chế, các ngân hàng thương mại quan tâm nhiều đến TPCP kỳ hạn dưới 5 năm nhằm bảo đảm tốt hơn danh mức đầu tư.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại ưu tiên đẩy mạnh tín dụng với tốc độ huy động TPCP hiện tại, áp lực huy động vốn đối với các Kho bạc Nhà nước trong những tháng tiếp theo sẽ không nhỏ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao trái phiếu Chính phủ "ế"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.