(HNM) - Trong hai ngày 5 và 6-11, hơn 100 xã viên HTX sản xuất thương mại và dịch vụ chợ gốm làng cổ Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã đồng loạt đóng cửa, căng nhiều băng rôn, tại cổng chợ phản đối Công ty CP Sứ Bát Tràng (Hapro Bát Tràng) đã cho đơn vị khác thuê 5 ki ốt của xã viên đang kinh doanh tại chợ.
Được biết, Hapro Bát Tràng đã tự đặt ra mức giá cho thuê ki ốt cao, không bàn bạc với người dân. Sự việc đã kéo dài nhiều tháng nay và các bên liên quan vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc tiếp tục ký kết hợp đồng thì đã xảy ra sự việc trên khiến xã viên của HTX đồng thời là tiểu thương tại chợ bất đồng và bãi thị.
Các ki ốt trong chợ gốm làng cổ Bát Tràng đã đóng cửa. Ảnh: Bạch Thanh |
Theo ông Phùng Văn Hữu, Trưởng ban Quản lý chợ lâm thời và là Phó Chủ nhiệm HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ chợ gốm làng cổ Bát Tràng, chợ gốm Bát Tràng ra đời từ năm 2004, do người dân làng gốm và Hapro Bát Tràng hợp tác xây dựng. Hai bên thống nhất đầu tư xây dựng dưới dạng hợp đồng thuê ki ốt, phía Hapro Bát Tràng có mặt bằng được Nhà nước giao, phía người dân làng gốm góp tiền xây dựng. Việc ký hợp đồng được thực hiện giữa Hapro Bát Tràng và Câu lạc bộ gốm sứ làng nghề Bát Tràng và Ban quản lý chợ gốm làng cổ Bát Tràng, đại diện cho các hộ dân làng gốm với thời hạn 5 năm từ năm 2004 đến 2009. Sau khi ký hợp đồng người dân đã ứng trước 50% số tiền so với giá trị hợp đồng để Công ty Hapro Bát Tràng lấy kinh phí xây dựng. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng người dân thanh toán nốt số tiền còn lại.
Theo bản cam kết trong hợp đồng, thời gian đầu Hapro Bát Tràng phối hợp với bà con chợ gốm thành lập Ban quản lý chợ và cung cấp điện, nước đầy đủ. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn chợ hoạt động không hiệu quả, Hapro Bát Tràng đã giải tán Ban quản lý, cắt điện, nước trao lại cho người dân tự quản lý. Tháng 6-2006, UBND xã Bát Tràng đã có quyết định thành lập Ban quản lý chợ. Đến năm 2009, hợp đồng thuê 5 năm hết hạn. Vào thời điểm này, Hapro Bát Tràng yêu cầu các hộ kinh doanh phải ký hợp đồng trực tiếp với Công ty này với mức giá cao hơn thay vì thông qua HTX sản xuất thương mại và dịch vụ chợ gốm làng cổ Bát Tràng do chính các hộ dân bầu ra như trước đây.
Ông Hữu cho biết, sau năm 2009, Hapro tự đặt ra mức giá cho thuê cao gấp 3 lần trước đây mà không hề bàn bạc, thỏa thuận với các tiểu thương. Không đồng tình với việc áp đặt này, hàng trăm tiểu thương kinh doanh trong chợ chưa ký hợp đồng mới. Trong khi Hapro Bát Tràng và các tiểu thương chưa tìm được tiếng nói chung thì vào ngày 26-10 vừa qua, 5 hộ kinh doanh trong chợ nhận được thông báo từ Công ty CP Đồng Tiến Thành, có trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội, về việc công ty này đã ký hợp đồng thuê 5 ki ốt mà 5 hộ đang kinh doanh và chưa có thanh lý hợp đồng với Hapro Bát Tràng. Công ty CP Đồng Tiến Thành đề nghị đến ngày 5-11, 5 hộ dân này phải dọn hàng đi, nếu không dọn thì họ sẽ cho người đến chuyển hàng ra khỏi ki-ốt. Điều đáng nói là 5 hộ này chính là 5 hộ được HTX và các xã viên cử làm đại diện đứng ra giải quyết, đàm phán với DN về mức giá thuê ki ốt trước đó.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, lực lượng công an sở tại đã có mặt, bảo đảm tình hình an ninh trật tự. Không có xô xát hay bất cứ va chạm nào xảy ra. Và chiều ngày 5 và sáng 6-11, UBND huyện Gia Lâm đã thành lập đoàn công tác họp, đối thoại trực tiếp với xã viên HTX và các tiểu thương kinh doanh tại chợ. Tại cuộc đối thoại, các xã viên HTX không chấp nhận việc Hapro Bát Tràng tự đưa ra giá thuê ki ốt mà phải do UBND huyện, Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Gia Lâm trên cơ sở các quy định của UBND TP Hà Nội để xây dựng mức giá thuê ki ốt phù hợp. Mặt khác, 114/115 xã viên HTX nhất trí ủy quyền cho HTX đứng ra làm đại diện ký kết hợp đồng tiếp theo với Hapro Bát Tràng mà không phải là từng hộ đứng ra ký riêng lẻ như phía DN yêu cầu.
Ngày 6-11, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, cùng ngày UBND huyện Gia Lâm đã có Thông báo số 251 yêu cầu UBND xã Bát Tràng phối hợp với HTX tạo mọi điều kiện để xã viên, tiểu thương tại chợ tổ chức kinh doanh trở lại bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời, theo nguyện vọng của xã viên, tiểu thương các bên cần hợp tác, bàn bạc để xây dựng được mức giá phù hợp, tiến tới ký hợp đồng thuê ki ốt tại chợ gốm Bát Tràng xong trước ngày 25-11. Xã Bát Tràng cần sớm thành lập chính thức Ban quản lý chợ xong trước ngày 15-11, trên cơ sở có đầy đủ đại diện hợp pháp của HTX, hộ xã viên, chính quyền địa phương, DN… để Ban quản lý chợ đi vào hoạt động nền nếp, bảo đảm văn minh thương mại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.