(HNMO) - Trước một số thông tin cho rằng ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh vừa đề xuất tăng mạnh học phí bậc học phổ thông, trong đó cấp THCS tăng đến 6 lần, ngày 27-5, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã có thông tin đến Báo Hànộimới để dư luận không hiểu sai về vấn đề này.
Tăng theo quy định của Chính phủ
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam cho biết, các mức thu học phí bậc học phổ thông không do địa phương quyết định mà do Chính phủ điều chỉnh bằng các Nghị định theo từng thời điểm, tuân thủ theo các lộ trình được Quốc hội thông qua trong lĩnh vực này; các địa phương có trách nhiệm thực hiện.
Từ năm 2015 đến năm 2020, việc thu học phí các cấp học phổ thông được thực hiện theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-5-2015 của Chính phủ. Theo đó, với bậc học từ mầm non và phổ thông (trừ tiểu học), khung học phí quy định từ 60.000-300.000 đồng/tháng cho khu vực thành thị và 30.000-60.000 đồng/tháng cho khu vực nông thôn. Nghị định cũng cho phép các địa phương tăng mức học phí này theo từng năm.
Tuy nhiên, suốt 6 năm qua, thành phố Hồ Chí Minh luôn áp dụng mức thấp nhất trong các khung này (60.000 đồng/tháng ở thành thị và 30.000 đồng/tháng ở nông thôn). Phần học phí tăng theo từng năm được ngân sách thành phố hỗ trợ chi trả.
Ngày 27-8-2021, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 86, áp dụng từ năm học 2022-2023. Theo đó, khung học phí cho bậc học từ mầm non là 300.000-450.000 đồng/tháng ở khu vực thành thị; 100.000-220.000 đồng/tháng ở khu vực nông thôn. Khung học phí cho bậc THCS lần lượt là 300.000-650.000 đồng/tháng ở khu vực thành thị và 100.000-270.000 đồng/tháng ở khu vực nông thôn; với bậc học THPT lần lượt là 300.000-650.000 đồng/tháng và 200.000-330.000 đồng/tháng.
“Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác trên cả nước đều phải điều chỉnh học phí theo quy định mới. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND thành phố làm tờ trình để HĐND xem xét thông qua khung học phí theo quy định mới. Để hỗ trợ cha mẹ học sinh, Sở đề xuất thu ở mức thấp nhất của khung học phí”, ông Lê Hoài Nam cho biết.
Ngân sách tiếp tục hỗ trợ học phí
Tuy nhiên, dù đã thu ở mức thấp nhất, học phí mới vẫn tăng cao so với mức học phí cũ (từ 70.000-240.000 đồng/tháng), có thể gây khó khăn cho một số gia đình học sinh trong bối cảnh thành phố Hồ Chí Minh vừa trải qua 2 năm phòng, chống dịch Covid-19 căng thẳng. Để hỗ trợ các bậc phụ huynh, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục đề xuất UBND thành phố trình HĐND thành phố phương án hỗ trợ học phí từ ngân sách như từng làm trước đây.
Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, ngân sách thành phố vẫn chi hỗ trợ học phí các cấp học từ mầm non đến phổ thông công lập, cụ thể như sau: Bậc học mầm non được hỗ trợ 20.000 đồng/tháng (học sinh nông thôn); THCS được hỗ trợ 40.000 đồng/tháng khu vực thành thị, 55.000 đồng/tháng khu vực nông thôn. Hiện, các cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh đang xem xét, đề xuất mức hỗ trợ mới từ năm học 2022-2023.
“Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đề xuất mức hỗ trợ học phí mới để chia sẻ gánh nặng chi phí với người dân và tạo điều kiện tối đa để con em được đến trường học tập. Nhiều năm qua, thành phố luôn là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện các chính sách hỗ trợ, miễn giảm đặc thù theo điều kiện của địa phương. Dự kiến, vào kỳ họp tháng 7-2022, HĐND thành phố Hồ Chí Minh sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về điều chỉnh học phí và mức miễn giảm học phí mới”, ông Lê Hoài Nam cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.