(HNM)- Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội chỉ có 5 cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng đáng buồn là đều rơi vào cảnh lay lắt. Trong khi đó, hàng nghìn lò mổ tự phát len lỏi khắp các ngõ xóm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ 600 tấn thịt các loại mỗi ngày.
Hoạt động chỉ đạt 10% công suất
Một lò giết mổ lợn tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì).
Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 1.200 lò giết mổ tại các gia đình, cung cấp tới 80% nhu cầu tiêu thụ về thịt lợn và thịt gia cầm trên thị trường. Hầu hết các lò thủ công này đều nằm trong hoặc liền kề với khu dân cư. Nước thải trong quá trình hoạt động chảy thẳng vào hệ thống thoát nước chung, không qua xử lý. Công suất của các lò mổ loại này chỉ từ 1-2 con gia súc/ngày và 20-30 con gia cầm/ngày nên ngành thú y rất khó trong việc kiểm soát về vệ sinh. Vì vậy thực phẩm không rõ nguồn gốc trà trộn, trôi nổi trên thị trường. Và điều đáng nói là trong khi các lò giết mổ nhỏ lẻ, tấp nập khách hàng thì các lò giết mổ tập trung lại không có bao nhiêu khách hàng. Hiện nay, tuy cả thành phố mới chỉ có 5 lò giết mổ tập trung quy mô lớn, đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu thịt gia súc, gia cầm (GSGC), nhưng thảy đều đang trong cảnh "khóc dở, mếu dở". Có những doanh nghiệp đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại kinh phí hàng chục tỷ đồng rồi đắp chiếu nằm đó.
Khu giết mổ tập trung của Công ty TNHH Minh Hiền được xây dựng từ năm 2006 trên địa bàn huyện Thanh Oai, kinh phí gần 70 tỷ đồng với công suất 500-700 con/ngày nhưng từ đó tới nay, nhà máy chỉ hoạt động với 10% công suất, mỗi ngày chỉ mổ khoảng chục con, cung cấp chủ yếu cho các siêu thị và phục vụ nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty cho biết: Mặc dù huyện Thanh Oai có hàng nghìn hộ kinh doanh GSGC nhưng chưa có ai đến để thuê doanh nghiệp giết mổ. Bởi nếu giết mổ ở các lò mổ tập trung không những giá công đắt hơn khoảng 30% mà phải tuân theo những quy định bắt buộc về an toàn vệ sinh thực phẩm, nên những hộ dân giết mổ với số lượng ít - từ 1-2 con lợn rất ngại khi đến đây.
Ông Lê Đình Phượng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu thực phẩm (Foodex) nằm trên địa bàn huyện Đan Phượng cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với các lò giết mổ tập trung là không cạnh tranh được với các lò mổ nhỏ lẻ về giá cũng như mức độ linh hoạt. Cũng giống như Công ty TNHH Minh Hiền, dây chuyền giết mổ lợn của Công ty có công suất 600 con/ngày, nhưng nhà máy chỉ hoạt động được 10% công suất, chủ yếu cung cấp sản phẩm thịt lợn sạch cho các siêu thị trong nước.
Cần giải pháp đồng bộ
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Chủ trương của thành phố là nghiêm cấm việc giết mổ nhỏ lẻ trong dân, nhưng để họ chấp hành, các cơ quan hữu trách và các địa phương phải có giải pháp đồng bộ. Trước hết cần có hình thức xử phạt nặng các trường hợp vi phạm (có thể xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng). Chính quyền cơ sở cần thống kê các hộ giết mổ trên địa bàn xã, từ đó tuyên truyền, vận động để chuyển lò giết mổ nhỏ lẻ ra xa khu dân cư; chấp hành triệt để quy định "sản phẩm GSGC khi đưa ra thị trường phải được cơ quan thú y kiểm soát". Bên cạnh đó nên yêu cầu các hộ giết mổ nhỏ lẻ trong thời gian từ 3-6 tháng phải chuyển địa điểm mới và cam kết không giết mổ trong hộ dân.
Cũng theo ông Nguyễn Huy Đăng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giết mổ GSGC như chế độ thuê đất, vay vốn ngân hàng… nhưng phải dựa trên thực tế của từng doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở Công thương nên giao cho Ban quản lý các chợ kiểm tra rõ nguồn gốc sản phẩm thịt đưa vào chợ tiêu thụ. Nếu như sản phẩm đó không rõ nguồn gốc, Ban quản lý chợ phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Công an xử phạt nghiêm khắc. Và việc này cần phải thực hiện trong thời gian liên tục để thương lái buộc phải đến những cơ sở giết mổ tập trung lấy hàng hoặc đem gia súc đến giết mổ. Để chiếm lĩnh thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giết mổ tập trung cần có chiến lược xây dựng màng lưới bán sản phẩm thịt GSGC sạch ở các chợ để người tiêu dùng thuận lợi hơn trong việc mua sản phẩm, không phải lúc nào cũng đi vào siêu thị mới có sản phẩm ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... Có lẽ đã đến lúc người tiêu dùng phải thay đổi thói quen mua thịt trôi nổi trên thị trường, nên đến những cửa hàng bán thịt có nguồn gốc rõ ràng, dán tem kiểm dịch của cơ quan thú y để bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.