Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao phải sử dụng vắc xin mới thay thế Quinvaxem?

Thu Trang thực hiện| 18/04/2018 07:20

(HNM) - Từ tháng 6-2018, Việt Nam sẽ sử dụng vắc xin ComBe Five của Ấn Độ thay thế vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem của Hàn Quốc trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Vậy, vì sao phải sử dụng vắc xin mới thay thế Quinvaxem?


- Từ năm 2010 đến nay, vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem đã được sử dụng để tiêm phòng miễn phí cho hàng chục triệu trẻ em ở nước ta. Tuy nhiên, vắc xin này cũng từng gây ra một số ca tai biến, tử vong sau tiêm chủng khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Vậy, có phải vì lý do đó nên Bộ Y tế quyết định chọn vắc xin ComBe Five thay thế Quinvaxem?

- Vắc xin Quinvaxem được sử dụng tại Việt Nam từ tháng 6-2010 đến nay với khoảng 41 triệu liều trong chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi, giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, hiện nay, nhà sản xuất loại vắc xin này là Công ty Berna Biotech (Hàn Quốc) đã ngừng sản xuất Quinvaxem nên Bộ Y tế phải có kế hoạch chuyển sang sử dụng vắc xin khác. Qua xem xét, trên thế giới hiện có 6 loại vắc xin phối hợp “5 trong 1” có thành phần tương tự và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thẩm định về tiêu chuẩn chất lượng.

Tuy nhiên, ngoài Quinvaxem đã ngừng sản xuất, 4 loại vắc xin khác là: Eupenta của Hàn Quốc; DPT-HepB-Hib của Ấn Độ; Easy Five-TT của Ấn Độ và San-5 của Ấn Độ đều không đăng ký cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Hiện có duy nhất vắc xin ComBe Five đã đạt thẩm định của WHO và vừa có trong hệ thống phân phối của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ tháng 5-2017.

- Tính an toàn của vắc xin ComBe Five đã được thẩm định như thế nào, thưa ông?

- Vắc xin ComBe Five có hiệu quả phòng 5 bệnh (gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib), có thành phần và dạng trình bày tương tự như Quinvaxem (đóng gói 1 liều/lọ). Vắc xin ComBe Five đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO và đã được sử dụng hơn 400 triệu liều tại hơn 43 quốc gia. Cụ thể, cung ứng qua UNICEF (giai đoạn 2013-2017) là 337 triệu liều để sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng ở các nước. Riêng tại Ấn Độ (nước sở tại), từ năm 2011 đến nay đã có khoảng 130 triệu liều được sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và hơn 1 triệu liều cho tiêm chủng dịch vụ.

Tại Việt Nam, trước khi triển khai trên toàn quốc, dự án tiêm chủng mở rộng sẽ sử dụng vắc xin ComBe Five tại 4 tỉnh, gồm: Hà Nam, Bình Định, Kon Tum, Đồng Tháp. Kết quả sử dụng vắc xin ComBe Five thực địa tại 4 huyện của tỉnh Hà Nam năm 2016 đã không ghi nhận bất cứ ca phản ứng nghiêm trọng nào xảy ra sau tiêm, chỉ ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau tiêm như đau tại chỗ tiêm, quầng đỏ (tỷ lệ từ 5 đến 15%), sốt (chiếm 34-39%).

- Trong thời gian chờ chuyển đổi, việc tiêm chủng vắc xin phòng 5 loại bệnh cho trẻ có bị gián đoạn không?

- Để bảo đảm trẻ được tiêm chủng đầy đủ, hiện nay, vắc xin Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi đến hết tháng 5-2018 trong chương trình Tiêm chủng mở rộng cho tới khi được thay thế bằng vắc xin mới. Do ComBe Five có thành phần giống với Quinvaxem nên việc chuyển đổi rất dễ dàng, thuận tiện. Trẻ em đã được tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin Quinvaxem sẽ tiếp tục sử dụng vắc xin ComBe Five cho các mũi tiêm tiếp theo mà không bị ảnh hưởng.

- Với vắc xin ComBe Five có lưu ý chống chỉ định khi tiêm phòng không, thưa ông?


- Không tiêm vắc xin ComBe Five cho trẻ nếu tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước hoặc có phản ứng mạnh đối với vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) hoặc vắc xin viêm gan B, như: Sốt cao trên 39ºC trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin, sốc trong vòng 48 giờ sau tiêm, khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm, co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm. Ngoài ra, hoãn tiêm ComBe Five nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.

- Lịch tiêm vắc xin mới có thay đổi gì so với lịch tiêm Quinvaxem?

- Lịch tiêm chủng vắc xin ComBe Five không thay đổi so với lịch tiêm Quinvaxem. Trẻ dưới 1 tuổi cần tiêm đủ 3 mũi ComBe Five vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Nếu trẻ bị bỏ lỡ lịch tiêm chủng thì cần được tiêm sớm vào thời gian sau đó mà không cần phải tiêm lại từ đầu. Vắc xin ComBe Five được triển khai tiêm miễn phí tại tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên toàn quốc và tại một số điểm tiêm chủng dịch vụ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao phải sử dụng vắc xin mới thay thế Quinvaxem?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.