(HNM) - Dự kiến, năm 2010 Hà Nội sẽ đào tạo nghề cho 6.000 lao động nông thôn (LĐNT), trong đó 70% LĐ sau đào tạo nghề có việc làm. Đây được coi là cơ hội
Tỷ lệ LĐNT được đào tạo nghề thấp
Ngày 7-9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển chủ trì hội nghị triển khai đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020". Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, hiện trên địa bàn có 4 triệu nông dân, trong đó khoảng 2 triệu đang trong độ tuổi LĐ và có khoảng 40.000 LĐ bị mất việc làm do bị thu hồi đất. Chính vì thế, việc đào tạo nghề cho LĐNT, đặc biệt đối với thanh niên nông thôn khu vực bị thu hồi đất được quan tâm. Năm 2009, đã có trên 10.700 LĐNT được đào tạo nghề (có khoảng 1.100 nông dân khu vực bị thu hồi đất). Theo khảo sát của Thành đoàn Hà Nội, trong tổng số 68.000 thanh niên ngoại thành ở 30 xã thuộc 18 huyện thì có đến 80% thanh niên thiếu việc làm, không có nghề nghiệp. Nếu có nghề thì bấp bênh, theo thời vụ, có nơi LĐNT "bỏ trống" đến 20-30% thời gian LĐ. Nguyên nhân của tình trạng này là do diện tích đất nông nghiệp đang ngày càng thu hẹp và người lao động không có kỹ năng nghề. Hầu hết LĐNT hiện nay chỉ sản xuất nông nghiệp và lao động trong các làng nghề chứ chưa có một nghề ổn định.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, TP đã lựa chọn và tổ chức hai mô hình điểm gồm một mô hình dạy nghề nông nghiệp và một mô hình phi nông nghiệp. Mô hình nông nghiệp vẫn dạy người nông dân sản xuất nông nghiệp nhưng phải biết ứng dụng các khoa học kỹ thuật tiên tiến, sản xuất có quy trình, có quy mô thì mới hiệu quả. Còn cứ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp đại trà, manh mún, thu nhập thấp, bấp bênh thì không thể giải quyết được việc làm cho nông dân. Đối với mô hình nghề phi nông nghiệp, LĐNT sẽ được tiếp cận các nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Đặc biệt, Hà Nội là TP có số làng nghề lớn nhất cả nước, số làng nghề này nằm rải rác ở khu vực ngoại thành. Nếu thành phố tận dụng được thế mạnh này thì việc tạo cho nông dân một nghề phù hợp ổn định là không khó.
Nông dân chưa thiết tha học nghề
Chuyện đào tào nghề cho LĐNT lâu nay được các cấp, các ngành TP chú trọng, tuy nhiên vấn đề gây thắc mắc là không ít LĐNT sau khi được học nghề vẫn không có việc làm hoặc "tái" thất nghiệp sau một thời gian "hành nghề" đã học. Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, hiện nhiều nơi, nông dân không tha thiết với các lớp học nghề. Có nơi, lớp học ban đầu thì đông sau thì thưa dần, thậm chí phải giải tán vì quá ít học viên. Mặc dù không mất học phí nhưng dù vận động mãi số lượng người vẫn thưa thớt, rồi "rơi rụng" dần; lý do là nghề phụ thu nhập không cao. Sau mùa vụ, nông dân có thể tranh thủ đi làm thuê, phụ hồ với tiền công 70.000-80.000 đồng/ngày. Nhưng nếu làm nghề phụ thì thu nhập chỉ được khoảng 20.000-30.000 đồng/ngày và "đầu ra" cho sản phẩm lại rất khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với LĐNT. Công tác tư vấn, khảo sát phải được đặc biệt quan tâm, thì mới tránh được tình trạng nhu cầu người đăng ký học ảo so với nhu cầu sử dụng LĐ. Đồng thời các trung tâm dạy nghề các cấp phải tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề và cán bộ, công chức cấp xã. Tại các địa phương có làng nghề nên lấy những người là thợ thủ công lành nghề, nghệ nhân, công nhân có tay nghề giỏi… đào tạo thêm thành giáo viên để họ truyền nghề. Với những vùng có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh, vấn đề dạy nghề càng trở nên bức thiết. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển khẳng định, nâng cao tỷ lệ LĐNT được đào tạo nghề, có việc làm sau học nghề là một trong những tiêu chí xây dựng, phát triển kinh tế Thủ đô, hướng tới hiện thực hóa công cuộc xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.