Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhật Bản hạ độ tuổi thành niên: Giải bài toán già hóa dân số

Hoàng Linh| 03/04/2022 06:54

(HNM) - Trong nỗ lực ứng phó áp lực đến từ dân số già hóa, lần đầu tiên kể từ năm 1876, Nhật Bản đã hạ độ tuổi thành niên, đồng thời điều chỉnh độ tuổi kết hôn. Với sự điều chỉnh này, Nhật Bản kỳ vọng có thể “khuyến khích sự tham gia tích cực của giới trẻ vào các hoạt động xã hội”.

Nam nữ thanh niên trong lễ trưởng thành tại Nhật Bản vào tháng 1-2022. Ảnh: Japantimes

Theo Luật Dân sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-4-2022, tuổi thành niên ở Nhật Bản hạ từ 20 tuổi xuống 18 tuổi. Cùng với đó, độ tuổi tối thiểu có thể kết hôn đối với nữ giới là 18 tuổi và đối với nam giới là 16 tuổi. Quan trọng hơn, những người từ 18 tuổi trở lên sẽ được phép kết hôn mà không cần sự chấp thuận từ cha mẹ. Đây là thay đổi lớn so với quy định trước đó là người dưới 20 tuổi chỉ được phép kết hôn khi cha mẹ đồng ý.

Cùng với việc nới rộng quyền của người trẻ, Nhật Bản cũng chú trọng tới việc củng cố hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ nhóm này tốt hơn. Cũng từ ngày 1-4, Luật Vị thành niên sửa đổi bắt đầu có hiệu lực, trong đó quy định về mặt pháp lý những người trong độ tuổi 18 và 19 không cần phải có sự giám hộ của cha mẹ và có thể tự mình đăng ký thẻ tín dụng, điện thoại di động, thuê nhà và ký kết các hợp đồng khác. Ngoài ra, họ cũng đủ điều kiện để hành nghề bác sĩ, kế toán viên, công chứng viên và các ngành nghề chuyên môn khác. Luật mới chưa cho phép những người dưới 20 tuổi uống bia rượu, hút thuốc và chơi cờ bạc, nhưng cho phép áp dụng các hình phạt nặng hơn đối với những người phạm tội ở những độ tuổi này.

Việc sửa đổi hàng loạt quy định luật được chính phủ Nhật Bản kỳ vọng có thể khuyến khích giới trẻ sớm lập gia đình, cải thiện tỷ lệ sinh và đảo ngược quá trình già hóa dân số. Động thái này cũng đồng thời tạo điều kiện để những người 18 và 19 tuổi bắt đầu làm việc và trở thành một phần lực lượng lao động của quốc gia, góp phần hồi sinh nền kinh tế trì trệ. Đây là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh Nhật Bản đã trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.

Thực tế, xứ sở Hoa anh đào đã trải qua 40 năm liên tiếp chứng kiến tình trạng dân số trẻ em suy giảm kỷ lục. Sau khi đạt đỉnh vào năm 1954 với mốc 29,89 triệu trẻ, chỉ số này bắt đầu giảm mạnh từ năm 1982. Năm 2021, số trẻ em từ 14 tuổi trở xuống ở nước này còn khoảng 14,93 triệu, trong đó bao gồm 7,65 triệu bé trai và 7,28 triệu bé gái, tức giảm 190.000 trẻ so với năm 2020. Trong khi đó, theo Bộ Nội vụ Nhật Bản, năm 2021 chứng kiến số người trên 65 tuổi nước này chạm mốc kỷ lục 36,4 triệu người, tương đương 29,1% dân số, tăng 220.000 người so với năm 2020 - thời điểm số dân từ 65 tuổi trở lên chỉ khoảng 28,4% dân số. Cùng với đó, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, suy giảm dân số tự nhiên của nước này cũng đang ở mức cao, một phần do số trẻ ra đời tiếp tục thấp kỷ lục. Nếu tình trạng này tiếp diễn, số người già từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản được dự báo sẽ chiếm gần 40% tổng dân số vào năm 2060.

Tình trạng dân số già như vậy đã đè nặng lên nền kinh tế Nhật Bản. Trên thực tế, lực lượng lao động nước này nhiều năm nay đã phải gồng mình để gánh vác hệ thống thuế và an sinh xã hội. Ngay trong kế hoạch tài khóa 2022 vừa thông qua, Tokyo cũng phải phân bổ hơn 30% chi tiêu ngân sách - tương đương 36.270 tỷ yên - để giải quyết những áp lực đến từ tình trạng già hóa dân số.

Vì thế, việc điều chỉnh quy định pháp luật để tạo đà tăng trưởng có thể xem là quyết định cần thiết đối với xứ sở Mặt trời mọc lúc này, bởi nó sẽ “mang lại năng lượng lớn cho xã hội” - theo nhận xét của Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản hạ độ tuổi thành niên: Giải bài toán già hóa dân số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.