Ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại quận Tân Bình đã mang lại hiệu quả cao.
Công ty CP Hóa dược phẩm Mekophar (quận 11, TP Hồ Chí Minh) tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa năm 2002. Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm từ khi thành lập, nhưng đến năm 2010 công ty mới đăng ký bổ sung ngành nghề "quyền bán buôn, bán lẻ dược phẩm" trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh đã không cấp bổ sung ngành nghề trên, vì Mekophar là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trao đổi với phóng viên Hànộimới, bà Huỳnh Thị Lan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Mekophar cho biết: "Theo quy định của pháp luật, khi công ty có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được kinh doanh phân phối bán buôn, bán lẻ về dược phẩm. Mekophar với 4,28% sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tức là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là lý do mà Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh không cấp giấy phép bổ sung cho chúng tôi". Song, thiệt hại lớn nhất mà Mekophar phải hứng chịu là phải hủy niêm yết trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh.
Tạm gác lại những tranh cãi về quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có được hành nghề bán buôn, bán lẻ dược phẩm hay không, đằng sau câu chuyện của Mekophar cho thấy người dân cũng như nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến các quy định của pháp luật về TTHC. Mekophar là một trong nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh "mất bò mới lo làm chuồng", vì đến khi quyền lợi bị ảnh hưởng mới vội vã tìm hiểu các quy định của pháp luật về TTHC. "Theo quy định, các văn bản trước khi được ban hành thường lấy ý kiến công khai của người dân. Nhưng người dân cũng như doanh nghiệp không thực sự quan tâm nên rất khó khăn trong việc lấy ý kiến cũng như điều chỉnh những điều chưa hợp lý"- Ông Nguyễn Văn Thậm - Chánh Văn phòng Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, chia sẻ.
Người dân chưa thực sự phát huy quyền của mình
Đánh giá về việc đóng góp ý kiến của người dân vào cải cách TTHC của Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: "Mặc dù Bộ có nhiều hình thức để người dân đóng góp ý kiến như địa chỉ email, điện thoại đường dây nóng, hệ thống hỗ trợ trực tuyến…, nhưng người dân cũng như doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm". Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, tâm lý "tránh voi chẳng xấu mặt nào", sợ đụng chạm đến lợi ích của một bộ phận cán bộ, công chức; sức ì của bộ máy hành chính với thói quen, cách làm việc cũ khi xây dựng, ban hành văn bản pháp luật quy định TTHC… là những lý do khiến người dân chưa phát huy hết quyền đóng góp ý kiến của mình vào cải cách TTHC.
Đề án 30 được xác định là một trong những nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ hiện nay. Đề án gồm 3 nội dung cơ bản là thống kê TTHC được thực hiện tại các cấp chính quyền; rà soát TTHC theo các tiêu chí như tính hợp pháp, sự cần thiết và tính hợp lý; thực thi các kiến nghị đã được thông qua. Và như ông Đỗ Văn Côi, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công thương, đã nhấn mạnh: "Kết quả mà Đề án mang lại một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận và thực hiện thủ tục, nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính. Tuy nhiên, để đề án thành công, sự đóng góp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân là hết sức quan trọng và cần thiết nhằm góp phần xây dựng một nền hành chính hiệu quả, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.