(HNM) - Hơn tuần qua, dư luận xôn xao việc ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm được miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội đánh bạc và được khôi phục chức vụ chủ tịch mà trước đây đã bị UBND huyện ra quyết định đình chỉ.
Trước diễn biến như vậy, không ít người tỏ ra nghi ngờ về tính nghiêm minh của pháp luật. Để làm rõ vụ việc, phóng viên Báo Hànộimới đã đi Nghệ An tìm hiểu và sau đó đã có buổi làm việc với lãnh đạo Huyện ủy Từ Liêm...
Ông Dũng có phạm tội đánh bạc?
Chờ từ sáng tới cuối giờ chiều, phóng viên mới gặp được Thượng tá Ngô Sỹ Bàng, Trưởng Công an thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An). Vừa gặp mặt, ông Bàng nói ngay: "Các anh từ Thủ đô lặn lội vô đây chắc có chuyện quan trọng, hay lại vụ chủ tịch xã đánh bạc đó?". Theo Thượng tá Bàng, ông Nguyễn Văn Dũng bị bắt về hành vi đánh bạc là đúng người, đúng tội. Chuyên án này do Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 45 - CA tỉnh Nghệ An) khám phá, bắt giữ và khởi tố vụ án. Công an thị xã Cửa Lò chỉ là đơn vị tiếp nhận hồ sơ, tổ chức điều tra và ra quyết định khởi tố bị can.
Khách sạn Togi nơi xảy ra sự việc đánh bạc. |
|
Phóng viên Báo Hànộimới hỏi: "Thông thường, kết luận của cơ quan điều tra gửi VKSND thường có mục đề xuất "đề nghị truy tố", tại sao trong trường hợp này lại không, mà chỉ ghi chung chung "đề nghị VKSND thị xã Cửa Lò xem xét"? Ông Trưởng CA thị xã lý giải: Chúng tôi thấy nhân thân của 4 đối tượng đánh bạc khá tốt, họ có nhiều thành tích, đóng góp cho xã hội nên không đề xuất truy tố mà để VKSND xem xét theo thẩm quyền (!?)...
Căn cứ nào để miễn TNHS và khôi phục chức vụ?
Ông Trần Sâm, Viện trưởng VKSND thị xã Cửa Lò khẳng định với phóng viên rằng: Xử lý về mặt hình sự thuộc trách nhiệm của cơ quan tố tụng, xử lý về mặt đảng và chính quyền thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý cán bộ. Khi đủ căn cứ, VKSND có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can và miễn TNHS cho các đối tượng. Ngay sau khi nhận được hồ sơ do cơ quan công an chuyển sang, VKSND thị xã đã tổ chức họp "ba ngành" để thống nhất ý kiến. Việc khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về tội "đánh bạc" theo Điều 248 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi xét thấy: cả 4 đối tượng trên có nhân thân tốt, họ có nhiều đóng góp cho xã hội, việc đánh bạc mang tính chất nhất thời phạm tội nên ra quyết định miễn TNHS theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự. Ông Sâm cho biết: Ông Nguyễn Văn Dũng từng là bộ đội, là Trưởng Công an xã, được thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Ông Nguyễn Văn Bản là thương binh loại A hạng 4/4; ông Nguyễn Tiến Bản là bệnh binh, tỷ lệ mất sức lao động 61%; họ là doanh nghiệp có nhiều đóng góp với địa phương.
Trả lời câu hỏi: Vì sao đều là vụ án đánh bạc, tổng số tiền thu giữ tương đương nhau, các đối tượng trong vụ án có nhiều điểm tương đồng, có khá nhiều vụ án được đưa ra xét xử, vụ này lại đình chỉ? Ông Trần Sâm lý giải: Chúng ta phải nhìn vụ án một cách toàn diện. Thứ nhất, họ chưa có tiền án, tiền sự, không phải là loại cờ bạc chuyên nghiệp. Thứ hai, họ phạm tội ít nghiêm trọng, mức độ gây nguy hại cho xã hội không lớn, do đó hoàn toàn có thể áp dụng theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự để miễn TNHS. Chúng tôi khẳng định 4 đối tượng trên là có tội nhưng chưa tới mức bị truy tố. Vừa qua, VKSND tỉnh Nghệ An cũng cử đoàn công tác về kiểm tra việc ban hành các quyết định đình chỉ của VKSND thị xã Cửa Lò. Đoàn công tác thấy các quyết định như vậy là thỏa đáng, nếu không họ đã yêu cầu hủy (?).
Quyết định đình chỉ điều tra bị can |
Điều 248 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này và Điều 249 bộ luật này, hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: có tính chất chuyên nghiệp; tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn; tái phạm nguy hiểm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng. * Tiểu mục 6.2, mục 6 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án Nhân dân tối cao số 02/2003/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự chỉ rõ: tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 1 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng là có giá trị lớn; tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng là có giá trị rất lớn; tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên là có giá trị đặc biệt lớn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.