Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao khó công bố quốc tế?

Đan Nhiễm| 27/07/2012 07:09

(HNM) - Số lượng và chất lượng bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế được xem là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá trình độ khoa học của một quốc gia, một tổ chức khoa học hay cá nhân nhà khoa học. Câu chuyện này với không ít nhà khoa học Việt Nam là


Tăng nhưng chưa nhiều

Những số liệu công bố của Viện Thông tin khoa học Hoa Kỳ (ISI) gần đây cho thấy, số bài báo của Việt Nam đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế đã tăng đáng kể. Theo đó, năm 2009 nước ta công bố được 959 bài trên 541 tạp chí, tăng trưởng gần 3 lần về số lượng so với năm 2002, với 362 bài. Con số này của năm 2011 là 1.389 bài, tăng gấp 4,1 lần so với năm 2002. Tính trung bình, công bố quốc tế (CBQT) của Việt Nam tăng trưởng khoảng 15%/năm, tương đương với Thái Lan.


Trình độ nghiên cứu khoa học ở nước ta chưa cao nên số lượng các bài báo công bố quốc tế vẫn còn khiêm tốn.Ảnh: TTXVN

Một trong những dấu ấn để nhiều nghiên cứu của Việt Nam được CBQT gần đây có vai trò lớn của Quỹ Phát triển KHCN quốc gia. Trong 4 năm hoạt động, quỹ đã tài trợ được gần 700 đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, thu hút gần 3.500 nhà khoa học tham gia, trong đó số lượng các nhà khoa học trẻ tăng dần theo các năm. Với yêu cầu về chất lượng của quỹ, số lượng các bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín cao của quốc tế cũng gia tăng mạnh mẽ và đã lên tới 547 bài báo công bố trên các tạp chí ISI. Sự gia tăng các bài báo CBQT ở các trường ĐH gần đây cũng có chuyển biến tích cực. Tốp đầu hiện nay thuộc về ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh với số lượng lần lượt là 65-79; 46-74; 37-30 trong hai năm 2010 và 2011.

Phân tích các lĩnh vực nghiên cứu cho thấy thế mạnh của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn là y học, toán học và vật lý. Ba ngành này chiếm khoảng 45% các công trình nghiên cứu của nước ta có CBQT. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì Việt Nam vẫn ở vị trí khiêm tốn. Cụ thể là theo thống kê của GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu y khoa Garvan - Australia), Việt Nam vẫn "đi sau" Thái Lan khoảng 10 năm. Nếu như năm 2002, nước ta có 362 bài báo CBQT thì cùng thời gian này Thái Lan có 1.705 bài. Thời gian gần đây, hai nước có sự tăng trưởng ngang nhau là 15%/năm số bài báo CBQT, đồng nghĩa với việc nếu không có đột phá lớn thì đến năm 2020, số CBQT của nước ta mới bằng Thái Lan năm 2009. Toán học được cho là lĩnh vực duy nhất của Việt Nam có nhiều CBQT cao hơn Thái Lan.

Một vấn đề đáng quan tâm hơn là nhiều nghiên cứu ở nước ta còn phụ thuộc vào "ngoại lực" quá nhiều. Theo một phân tích của GS Phạm Duy Hiển, có tới 75% các công trình khoa học từ Việt Nam có đứng tên chung hoặc hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài.

Vì sao "bất khả thi"?


Ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KHCN) cho biết, đến cuối năm 2010, cả nước có 1.513 tổ chức KHCN với 60.543 người đang làm việc tại đây... Lực lượng này được cho là cao hơn Thái Lan hai lần. Điều đó đặt ra câu hỏi vì sao giới khoa học Việt Nam ít tiếp cận được với các tạp chí thuộc hệ thống ISI?

Theo các nhà khoa học, "rào cản" khiến các nghiên cứu của Việt Nam khó được CBQT là do khả năng ngoại ngữ của các tác giả (chủ yếu là tiếng Anh) kém; chuyên môn hạn chế; chưa có kinh nghiệm trong việc CBQT; kinh phí. Một trở ngại khác cũng không kém phần quan trọng là các tác giả thường thiếu số liệu thực nghiệm để so sánh với những kết quả tính toán trên lý thuyết.

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, với không ít nhà khoa học Việt Nam, vấn đề có thể nói là rất cơ bản như cách viết và trình bày một bài báo khoa học ra sao, văn phong khoa học như thế nào, cách trả lời các chuyên gia bình duyệt bài báo... còn mới lạ. Riêng lĩnh vực y khoa, rất nhiều nghiên cứu từ Việt Nam không thể công bố trên các tạp chí quốc tế vì giá trị khoa học không cao, sai về phương pháp, kể cả phân tích dữ liệu. Một số lớn nghiên cứu có vấn đề về y đức vì nguyên tắc số một và bất di bất dịch của y khoa là không làm tổn hại đến bệnh nhân, thế nhưng trong thực tế không ít nghiên cứu ở Việt Nam dùng bệnh nhân như là đối tượng, nhưng bệnh nhân không hề biết...

Ngoài ra, trên bình diện chung, Nhà nước hiện chưa có chính sách hỗ trợ tiền cho các bài báo có CBQT thuộc hệ thống ISI. Hiện chỉ có một số đơn vị, trong đó có ĐH Bách khoa Hà Nội có hỗ trợ cho các bài báo có công bố ISI. Mức hỗ trợ tương ứng với kinh phí thực hiện đề tài cấp cơ sở.

Cũng cần nhắc thêm rằng, Việt Nam hiện có hàng trăm các tạp chí khoa học nhưng đến nay chưa có một tạp chí nào lọt vào danh sách xếp hạng ISI. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore... đã làm được điều này. GS-TS Nguyễn Văn Thuận (ĐH Konkuk - Hàn Quốc) - người có hàng chục công trình khoa học được CBQT - cho rằng, muốn có tạp chí đạt chất lượng cần phải có hội đồng khoa học là các chuyên gia có uy tín. Hội đồng này phải hoạt động tốt trong ít nhất 3-5 năm, tức là có cơ chế bình xét bài báo khoa học thật sự công tâm mới có được những tạp chí có chất lượng. Tiền không phải là động lực để tạp chí đăng bài nếu tác giả của nó không có những kết quả nghiên cứu tốt, có tính sáng tạo. Việc có những bài báo chất lượng, được sự hỗ trợ của nhiều nhà khoa học hàng đầu sẽ đồng nghĩa với việc có sự quan tâm của các chuyên gia quốc tế. Đây sẽ là điều kiện để tạp chí khoa học có "chỗ đứng" và vị thế của nhà khoa học cũng tăng lên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao khó công bố quốc tế?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.