(HNM) - Nhiều năm qua, chính quyền TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại kênh Ba Bò (tiếp giáp giữa hai địa phương). Thế nhưng đến nay, vì sao tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục triệt để?
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, kênh Ba Bò có diện tích lưu vực 1.600ha, trong đó, diện tích thuộc tỉnh Bình Dương là trên 1.400ha và phần còn lại thuộc TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, kênh Ba Bò tiếp nhận 3 nguồn thải lớn của tỉnh Bình Dương, gồm: Khu công nghiệp Sóng Thần 1, Sóng Thần 2 cùng 36 doanh nghiệp ở ngoài khu công nghiệp và 6 cụm dân cư, với tổng lượng nước thải khoảng 20.000m3/ngày. Trong 10 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hơn 740 tỷ đồng cùng với hàng trăm tỷ đồng của Bình Dương để thực hiện dự án cải tạo kênh Ba Bò nhưng đến nay mùi hôi và ô nhiễm nguồn nước vẫn hoành hành.
Nước dưới kênh Ba Bò đoạn dưới chân cầu tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức vàng đậm, sủi bọt trắng - Ảnh: Internet |
Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, kênh Ba Bò đã được cải tạo, chỉnh trang, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho Khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2 và đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động để theo dõi, giám sát chất lượng nước thải… Thế nhưng tình trạng ô nhiễm do nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp vẫn xảy ra. Nguyên nhân là 2 khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2 được thành lập và hoạt động trước khi hệ thống xử lý nước thải tập trung được đầu tư, gây khó khăn và không thể đấu nối hoàn toàn nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra hiện nay, toàn bộ nước thải trên tuyến kênh được đưa vào xử lý theo công nghệ hồ sinh học tại trạm xử lý nước thải kênh Ba Bò với công suất 20.000 m3/ngày. Thế nhưng, công nghệ này chỉ phù hợp để xử lý nước thải sinh hoạt nên khó có khả năng xử lý hoàn toàn ô nhiễm do nước thải công nghiệp gây ra.
Theo ông Võ Thanh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án cải tạo kênh Ba Bò, dự án cải tạo kênh Ba Bò đã xây dựng hồ điều tiết, hồ sinh học xử lý nước thải, xây dựng các cầu qua kênh, lắp đặt cống hộp..., với tổng mức đầu tư gần 745 tỷ đồng. “Chất lượng nước thải đầu vào và đầu ra được kiểm tra, giám sát qua hệ thống quan trắc chất lượng nước tự động. Tuy nhiên, dự án chỉ xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt của hơn 22.000 người dân sinh sống ở Bình Dương và TP Hồ Chí Minh chứ không thể xử lý nước thải công nghiệp”, ông Huy khẳng định.
Trao đổi với Báo Hànộimới, PGS.TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, kênh Ba Bò đang bị ô nhiễm nặng do nguồn nước thải công nghiệp và xả thải sinh hoạt của người dân. Nếu tình trạng này không được cải thiện thì về lâu dài người dân sẽ bị mắc các bệnh về mắt, da liễu, đường hô hấp, tiêu hóa, thậm chí là bệnh ung thư. Từ thực tế trên, PGS.TS Hồ Long Phi nêu rõ, sự phối hợp giữa chính quyền TP Hồ Chí Minh và Bình Dương vẫn chưa tốt, cần kiến nghị Chính phủ vào cuộc để xử lý dứt điểm tình trạng này.
Dự kiến tuần tới, chính quyền hai địa phương có kênh Ba Bò chảy qua sẽ đi khảo sát thực tế để nắm rõ tình trạng ô nhiễm nguồn nước và đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm chấm dứt tình trạng trên.
Theo khảo sát mới đây của chính quyền TP Hồ Chí Minh, tại vị trí cuối của tuyến thoát nước ngầm số 4, chất lượng nước có nồng độ chất rắn hòa tan (TSS) và oxy hóa hóa học (COD) cao gấp gần 26 đến hơn 43 lần và gần 10 đến 12 lần so với nồng độ quan trắc được tại hệ thống xử lý tập trung của Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2. Bên cạnh đó, có 8/18 thông số quan trắc vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.