Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao hoạt động chưa hiệu quả?

Đào Huyền| 24/01/2011 07:34

(HNM) - Phát triển làng nghề để thúc đẩy kinh tế nông thôn là định hướng quan trọng của Hà Nội nhằm hiện thực hóa chương trình xây dựng nông thôn mới. Cụm công nghiệp (CCN) làng nghề được coi là nút mở để lưu giữ, phát triển làng nghề bền vững. Tuy nhiên, nhiều CCN làng nghề đang bị biến tướng, không phát huy hiệu quả, mục đích đề ra do công tác quản lý còn nhiều bất cập, lúng túng.


Biến tướng do thả nổi


Sản xuất hàng dệt tại làng nghề La Phù.  Ảnh: Thái Hiền


Theo Sở Công thương Hà Nội, hiện có 56 CCN làng nghề với tổng diện tích 518ha. Trong đó, có 44 CCN với 382ha đã cơ bản hoàn thiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động, 12 CCN với tổng diện tích 13ha chưa triển khai xây dựng, đang chuẩn bị các bước đầu tư. TP đã cấp phép cho 1.832 dự án của doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các CCN làng nghề vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Cấn Hoàng Tung, Trưởng ban quản lý đầu tư, phát triển các CCN, điểm CN TP (Sở Công thương), chất lượng quy hoạch (QH) các CCN làng nghề chưa được nghiên cứu kỹ, nhiều QH quá manh mún, nhỏ lẻ rải rác. Có CCN làng nghề rộng chưa đến 1ha nằm sát với khu dân cư; có QH CCN làng nghề chồng lấn với các dự án khác. Đặc biệt, không ít CCN làng nghề như Vạn Điểm (Thường Tín), La Phù (Hoài Đức), Chàng Sơn (Thạch Thất)... bị "biến tướng" trở thành khu dân cư kết hợp với sản xuất nghề. Tại một vài CCN làng nghề, đã thấy nhiều biệt thự, cá biệt có nơi trở thành khu giãn cư. Đáng chú ý là CCN làng nghề Vạn Điểm (Thường Tín) với hàng chục ngôi nhà tầng khang trang thi nhau mọc lên. Theo thống kê tại xã Vạn Điểm, có trên 80% hộ xây dựng nhà cao tầng, số xây dựng nhà xưởng sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Tung cho rằng, nguyên nhân chính là do công tác quản lý yếu kém, đặc biệt là các CCN do xã, huyện làm chủ đầu tư. Sau khi giao đất, hạ tầng, không có đơn vị trực tiếp đứng ra quản lý khiến nhiều CCN làng nghề bỏ hoang, xuống cấp hoặc biến tướng thành khu nhà ở. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương và chủ đầu tư, bởi trước khi xây dựng ĐCN-TTCN làng nghề đã có những văn bản quy định rõ, khống chế kể cả về mật độ và độ cao của từng CCN làng nghề.

Siết lại quản lý, quy hoạch

Các CCN làng nghề được hình thành để giải quyết khó khăn, bức xúc của các cơ sở sản xuất làng nghề thường mang tính chất nhất thời và phần lớn triển khai trước khi có Quyết định 105/2009/QĐ-TTg ngày 19-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý CCN. Vì vậy, có những hạn chế trong quá trình triển khai xây dựng và quản lý dẫn đến tình trạng biến tướng. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, để CCN làng nghề không bị "biến tướng" trở thành các khu giãn cư bất hợp pháp, trên cơ sở Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đặc thù của Hà Nội, UBND TP đã giao cho Sở Công thương xây dựng và hoàn thiện dự thảo "Quy định về đầu tư xây dựng và quản lý hoạt động các CCN trên địa bàn TP Hà Nội". Trong đó, các dịch vụ công cộng, tiện ích như bảo vệ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, chất thải, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong cụm và các dịch vụ tiện ích khác do đơn vị kinh doanh hạ tầng tổ chức thực hiện. Đồng quan điểm trên, ông Tung cho rằng, hầu hết các CCN làng nghề chưa thống nhất cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Hầu hết các CCN làng nghề chưa ban hành được Điều lệ quản lý công tác chuyển đổi, thành lập trung tâm phát triển theo Quy định 150 và Thông tư số 39 của Thủ tướng Chính phủ.

Sở Công thương cho rằng, để tránh tình trạng các CCN làng nghề bị biến tướng, không phát huy được hiệu quả như mục đích đề ra, trong thời gian tới cần chuyển đổi chủ đầu tư các CCN làng nghề từ UBND cấp huyện, xã sang doanh nghiệp hoặc Trung tâm phát triển CCN. Điều quan trọng, các CCN làng nghề đã đi vào hoạt động phải ban hành điều lệ quản lý làm cơ sở ký hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp trong CCN về chi phí sử dụng dịch vụ, tiện ích theo quy định. Ông Tung cho rằng, đối với các CCN làng nghề chưa đầy đủ hạ tầng, TP cần mở rộng quỹ đất để các CCN đó hoàn thiện dự án. Đối với CCN làng nghề không đáp ứng đúng QH thì cương quyết không cho mở rộng. Bên cạnh đó, TP cần có chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN từ nguồn vốn ngân sách để giảm chi phí đầu tư, bố trí kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào, bảo đảm an ninh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào. Hiện Ban quản lý các CCN đang trình Sở Công thương mẫu hướng dẫn điều lệ quản lý CCN nhằm siết chặt công tác quản lý.

Quản lý các CCN làng nghề hoạt động đúng mục đích là lời giải để phát triển làng nghề Hà Nội theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời nó cũng là tiền đề quan trọng để các địa phương hoàn thiện xây dựng chương trình nông thôn mới.

Sở Công thương Hà Nội đã trình Dự thảo QH tổng thể phát triển khu, CCN trên địa bàn TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã được UBND TP chỉnh sửa lần thứ 2. Theo đó, Hà Nội sẽ quy hoạch phát triển 55 CCN với tổng diện tích 2.580ha; 149 CCN làng nghề với tổng diện tích 1.424ha; quy mô bình quân 46,9ha/CCN, 9,6ha/CCN làng nghề. Các CCN được bố trí đều khắp các huyện ngoại thành và một số quận, thị xã.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao hoạt động chưa hiệu quả?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.