(HNM) - Theo Tổng cục Thuế, những thay đổi về thủ tục hành chính thuế vừa qua đã giúp giảm gần 290 giờ kê khai và nộp thuế cho doanh nghiệp, ước tính tiết kiệm được khoảng hơn 3.000 tỷ đồng/năm cho xã hội.
Tại quận Nam Từ Liêm, nơi đầu tiên triển khai thực hiện mô hình "một cửa liên thông" đối với các thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, người dân thay vì "đi tới đi lui, năm lần bảy lượt", nay chỉ cần hai lần tới trụ sở chính quyền địa phương để làm một thủ tục hành chính, số ngày chờ đợi cũng giảm 2/3 so với trước. Cái lợi cho người dân và Nhà nước là rất lớn, cả về thời gian, công sức và tiền bạc.
Theo báo cáo của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, việc thực hiện mô hình "một cửa liên thông" các thủ tục hành chính như trên, nếu được áp dụng trên cả nước sẽ giúp tiết kiệm cho người dân trong năm đầu tiên là 211,9 tỷ đồng và 199,9 tỷ đồng cho mỗi năm tiếp theo.
Vẫn biết cải cách hành chính mang lại lợi ích rất lớn cho cá nhân, tổ chức, cho xã hội nhưng tại sao ở không ít địa phương, cơ quan, đơn vị, tiến độ công việc này vẫn chậm? Phải chăng là vì lợi ích... từ cơ chế "xin - cho" đã khiến không ít giải pháp cải cách hành chính mới rõ là hiệu quả mà vẫn khó đi vào cuộc sống, những mô hình hay về cải cách hành chính chậm được nhân rộng?
Muốn cải cách hành chính thành công, không chỉ cần sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, mà còn
cần sự chủ động, tự nguyện từ bỏ lợi ích "không minh bạch" của cá nhân, tổ chức nắm quyền quyết định các thủ tục hành chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.