Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao các tuyến đường sắt đô thị “đội vốn"?

Gia Bảo| 24/11/2017 06:45

(HNM) - UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất duyệt chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành Dự án xây dựng tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), dài hơn 11km và đi qua quận 1, 3, 10, 12, Tân Phú và Tân Bình.

Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).


Đồng thời, kéo dài thời hạn hoàn thành, từ năm 2018 (ban đầu), nay dự kiến đến năm 2024, để bảo đảm đủ thời gian hoàn thành dự án. Tương tự, tuyến Metro số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), dài gần 9km, cũng được thành phố đăng ký danh mục dự án ODA khoảng 833 triệu euro năm 2011. Thế nhưng, sau khi dự án được giao cho phía tư vấn Tây Ban Nha làm lại thiết kế, tính toán kỹ lưỡng, đồng thời, thuê tư vấn thẩm tra của Hà Lan thẩm định thì tổng mức đầu tư đã lên 1,563 tỷ euro (tăng gần 90%).

Dự án xây dựng tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đang được xây dựng và dự kiến hoạt động năm 2020 cũng vậy. Toàn tuyến dài gần 20km (một phần đi qua tỉnh Bình Dương, Đồng Nai), hiện được điều chỉnh tăng mức đầu tư từ gần 1,1 tỷ USD (ban đầu) lên gần 2,5 tỷ USD. Ngoài ra, tuyến Metro này cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn, UBND TP Hồ Chí Minh đang phải tạm ứng vốn cho các nhà thầu, tiền nhân công để bảo đảm tiến độ. Còn tại Dự án tuyến Metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên), dài gần 20km được chia làm 2 giai đoạn đầu tư, với tổng chi phí dự kiến 2,8 tỷ USD từ vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Thế nhưng, dự án này cũng chỉ mới dừng lại ở việc đề xuất của UBND TP Hồ Chí Minh với Trung ương.

Lý giải về nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư ở tuyến Metro số 2, UBND TP Hồ Chí Minh thông tin, trong quá trình thiết kế dự án, đơn vị tư vấn quốc tế phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu như: Điều chỉnh mặt bằng và kết cấu nhà ga ngầm; kết cấu nhịp cầu cạn của đoạn tuyến đi trên cao; bổ sung kết cấu nhà ga ngầm… Bên cạnh đó, theo UBND thành phố, quá trình thực hiện dự án phải cập nhật lại đơn giá, định mức áp dụng cho một số hạng mục xây lắp, đơn giá nhân công tăng so với thời điểm duyệt ban đầu của dự án năm 2010; thay đổi tỷ giá lãi vay, thay đổi cơ cấu vốn giữa các nhà tài trợ ảnh hưởng đến việc tính toán lãi vay trong thời gian xây dựng; dự phòng trượt giá tới năm 2024, thay vì trước đây khi dự án được duyệt năm 2010 chỉ tính dự phòng đến năm 2016…

Về việc “đội vốn” ở tuyến Metro số 1, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh thừa nhận, nguyên nhân đáng bàn là chủ đầu tư, các tư vấn lập dự án và tư vấn thẩm tra trong nước chưa có kinh nghiệm, dẫn đến việc tính toán chưa sát thực tế. Đồng thời, các đơn vị liên quan đã không tham khảo, đối chiếu so sánh với suất đầu tư của các dự án quốc tế khác.

Trao đổi với Báo Hànộimới, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch hạ tầng đô thị cũng đồng quan điểm với cách lý giải của cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh và cho rằng, thời gian tới, thành phố cần dồn lực làm xong tuyến Metro số 1, sau đó mới tính đến việc triển khai các dự án tiếp theo. Đồng thời, chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để thực hiện theo đúng cam kết đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao các tuyến đường sắt đô thị “đội vốn"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.