(HNMO) - Chiều 6-6, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). |
Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc xây dựng luật nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán (TTCK), đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) bao gồm 10 chương, 136 điều. So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo luật sửa đổi 97 điều, bổ sung 31 điều, bãi bỏ 31 điều và giữ nguyên 8 điều.
Nội dung dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 8 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án luật đã được Chính phủ thông qua; tăng cường quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, đảm bảo TTCK hoạt động an toàn, minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Nội dung của dự thảo luật đã phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và dự kiến sửa đổi của các luật đang xây dựng trình Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. |
Tại báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật.
So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo luật sửa đổi lần này có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn, bao gồm cả hoạt động thị trường, chủ thể thị trường và hoạt động quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK.
Ủy ban Kinh tế cho rằng phạm vi sửa đổi bảo đảm yêu cầu rõ ràng, đồng thời bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó có việc phát triển TTCK.
Về thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, ông Vũ Hồng Thanh nêu đa số ý kiến đồng tình với quy định nâng mức phạt tiền tối đa về xử phạt hành chính để bảo đảm tính răn đe do tính chất, mức độ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng và tài chính nói chung ngày càng phức tạp và tinh vi, có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của TTCK.
Tuy nhiên, cần lưu ý hướng dẫn rõ việc xác định khoản thu trái pháp luật để có cơ sở xác định mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 132 của dự thảo luật.
Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình cơ sở đề xuất mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi giao dịch nội bộ và giao dịch thao túng TTCK, rà soát các quy định liên quan; đồng thời, bổ sung điều khoản giao Bộ Tài chính quy định việc xác định các khoản thu trái pháp luật nêu tại dự thảo luật.
Chiều cùng ngày, các đại biểu sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) cùng dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24-11-2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Điều 132. Xử lý vi phạm 1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 2. Việc xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. 3. Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi giao dịch nội bộ và thao túng thị trường chứng khoán quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 11 của Luật này là mười (10) lần khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 4 Điều này thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 4 Điều này. 4. Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3.000.000.000 đồng. 5. Mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này được áp dụng đối với tổ chức; cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai (1/2) mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức. 6. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành chứng khoán có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. 7. Chính phủ quy định thẩm quyền, mức phạt và hình thức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.