Bạn đọc

Vi phạm trật tự nhiều chung cư, khu đô thị: Tại sao khó xử lý?

Nguyên Hà 16/09/2024 - 07:27

Gần đây, tình trạng chiếm dụng sân chơi, lối đi chung tại các nơi tập trung nhiều nhà chung cư, khu đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội để họp chợ và trông giữ ô tô, xe máy lại diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như việc đi lại của người dân trong khu vực.

Để xử lý, chính quyền và lực lượng chức năng các địa phương đã nhiều lần tổ chức ra quân kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về trật tự đô thị của các tổ chức, cá nhân, nhưng lần nào cũng vậy, sau khi tổ kiểm tra rời khỏi hiện trường, họ lại tái diễn vi phạm.

o-to-dung-do-tran-lan-tren-loi-di-trong-khu-do-thi-dinh-cong-quan-hoang-mai-..jpg
Ô tô dừng đỗ tràn lan trên lối đi trong Khu đô thị Định Công (quận Hoàng Mai).

Sân chơi, lối đi chung bị chiếm dụng

Trong ngày 13-9-2024, có mặt ở các phường Phố Huế, Thanh Nhàn và Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng), phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, từ sáng sớm người buôn bán từ khắp nơi đã đổ về sân chơi của các khu tập thể trên địa bàn để họp chợ trái phép. Để tiện cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa, đa số các tiểu thương thường tùy tiện dừng, đỗ phương tiện và bày biện hàng hóa ngay dưới lòng đường. Hằng ngày, việc buôn bán kéo dài đến tận chiều tối, người mua, người bán tự do đi lại, tùy tiện xả rác, nước thải giết mổ gia cầm, thủy sản ngay xuống mặt đường. Đã thế, việc buôn bán trái quy định này thường xuyên tiếp diễn, ngày qua ngày, không chỉ gây mất vệ sinh môi trường, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân khu vực. Nhưng, không biết vì lý do gì, thời gian qua, chính quyền và lực lượng chức năng các địa phương này chưa kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm.

Tình trạng biến sân chơi, lối đi chung thành điểm trông giữ phương tiện giao thông, họp chợ trái quy định còn diễn ra trên các tuyến đường tại khu đô thị đóng trên địa bàn các phường Trung Hòa, Yên Hòa, Mai Dịch (quận Cầu Giấy). Theo quan sát, tình trạng vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị ở các địa phương này đã đến mức báo động. Để đối phó khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, đa số chủ phương tiện và người buôn bán đã chế ra các loại xe đẩy, xe có thùng, tiện đâu dừng đó, bày biện hàng hóa ngay trên thùng xe như một ki ốt lưu động.

Tương tự, việc dừng đỗ, phát triển dịch vụ rửa và trông giữ phương tiện giao thông trái quy định còn diễn ra trong khuôn viên Khu đô thị Định Công (phường Định Công); Khu đô thị

Linh Đàm, Pháp Vân - Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt) cùng một số khu đô thị ở phường Đại Kim của quận Hoàng Mai. Theo phản ánh của người dân, tình trạng này phát sinh vài năm trở lại đây, thời gian đầu, chủ yếu phục vụ nhu cầu gửi xe của người dân sống trong khu đô thị. Sau này, dân cư đông đúc, xe taxi, xe công nghệ, xe liên tỉnh cũng chọn những khu vực này làm điểm chờ đón khách, chạy xuyên đêm.

Tránh tình trạng “bắt cóc, bỏ đĩa”

Quay lại chợ dân sinh họp trong khuôn viên khu tập thể Quỳnh Mai và Trại Găng (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) vào sáng 14-9-2024, phóng viên nhận thấy, hầu hết ki ốt, gian hàng trong chợ do người dân cho thuê lại với giá 2-3 triệu đồng/tháng. Chính vì vướng vào mức thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm, nên nhiều năm nay chính quyền và cơ quan chức năng không cấp được giấy phép kinh doanh cũng như thu thuế thu nhập đối với người cho thuê nhà. Cùng với đó, do công tác vệ sinh môi trường không được quan tâm, thu dọn chưa kịp thời nên sau mỗi buổi chợ rác thải lại ứ đọng, chất thành đống trên mặt đường, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm.

Trao đổi nguyên nhân khó xử lý đối với hành vi họp chợ sai quy định trong khu tập thể, Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Lê Hoàng Đức cho biết: Hiện nay, tất cả các chợ dân sinh họp trên địa bàn quận đều nằm trong diện không được phép hoạt động, nhưng vì đang trong quá trình sắp xếp, quy hoạch lại địa điểm buôn bán nên vẫn phải tạo điều kiện cho người dân họp chợ.

Liên quan đến vấn đề này, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận Hai Bà Trưng - Thiếu tá Nguyễn Văn Kiệt cho biết, để ngăn chặn, xử lý các hành vi chiếm dụng lòng, lề đường, từ đầu năm đến nay, Công an quận Hai Bà Trưng đã tổ chức tuyên truyền, ký cam kết tự sắp xếp kinh doanh trong khuôn viên đối với 1.238 hộ gia đình; đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính trên 30 triệu đồng đối với 4.176 trường hợp vi phạm.

Cùng vấn đề nêu trên, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận Hoàng Mai - Thiếu tá Hà Minh Tuấn cho hay, nguyên nhân khó xử lý, giải tỏa các bãi xe không phép hoạt động trên lối đi, sân chơi khu đô thị, gây cản trở giao thông là hiện nay trên địa bàn thiếu các bãi xe được cấp phép trong khi đó, lượng phương tiện tăng cao nên dẫn đến việc phát sinh điểm dừng, đỗ, trông giữ xe trái quy định. Bên cạnh đó, trên một số tuyến phố, hệ thống biển báo, chỉ dẫn chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường mới chưa được đặt tên nên không có chế tài để xử lý. Cũng theo Thiếu tá Hà Minh Tuấn, trong quý

III-2024, Công an quận Hoàng Mai đã xử phạt 5.395 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị với 1,595 tỷ đồng và 1.299 trường hợp vi phạm an toàn giao thông với tổng số tiền 644 triệu đồng. Tuy vậy, mỗi khi vắng bóng lực lượng tuần tra, các đối tượng lại tái diễn vi phạm.

Từ thực tế nêu trên, có thể thấy, ở thời điểm này, nhiều địa phương vẫn còn loay hoay, chưa tìm ra biện pháp xử lý dứt điểm đối với vi phạm chiếm dụng sân chơi, lối đi trong khu đô thị, khu tập thể để họp chợ và trông giữ phương tiện, Để không ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường, thiết nghĩ các cấp chính quyền địa phương cần triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý cũng như xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, tránh tình trạng "bắt cóc, bỏ đĩa".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm trật tự nhiều chung cư, khu đô thị: Tại sao khó xử lý?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.