(HNM) - Hệ thống thủy lợi Hà Nội vốn đã
Sông Nhuệ chảy qua địa bàn quận Hà Đông ngày càng thu hẹp do bị lấn chiếm. |
Thành phố hiện có 1.918 trạm bơm với 4.334 máy bơm các loại, 3.484km kênh mương, 11.325 cống và 130 hồ chứa. Trong số đó, có tới 75% số công trình thủy lợi xây dựng từ những năm 1970-1990, đã xuống cấp, lạc hậu, kênh mương bị bồi lắng, sạt lở... Đã vậy, số vụ vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn đang có xu hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp. Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, kể từ đầu năm đến hết tháng 7 đã có 348 vụ vi phạm các công trình thủy lợi, chính quyền các cấp mới chỉ xử lý được 22 vụ, còn tồn đọng 326 vụ. Hệ thống sông Nhuệ là "điểm nóng", với hơn 150 vụ vi phạm; trong đó, tháng 6 xảy ra 70 vụ vi phạm mới. Xảy ra vi phạm nhiều nhất vẫn là Ứng Hòa, từ đầu năm đến nay để xảy ra 159 vụ. Nhức nhối nhất là khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, có 43 lều, quán, nhà xưởng lấn chiếm bờ mái và lòng kênh Vân Đình hơn 10 năm vẫn chưa được giải tỏa. Ngoài ra, Phú Xuyên 3 vụ, Nam Từ Liêm và Thường Tín mỗi nơi 1 vụ; và vi phạm chủ yếu là cản trở dòng chảy, xây nhà cấp bốn, dựng lều lán, cơi nới công trình phụ, làm lò gạch trong hành lang công trình...
Những trường hợp vi phạm đều được các công ty thủy lợi lập biên bản, đề nghị chính quyền các cấp xử lý, song hiệu quả không cao, thậm chí có những trường hợp lập biên bản nhiều lần vẫn tái diễn. Trường hợp ông Ngô Văn Lạc, thôn Thủy Phú, xã Phú Yên khai thác cát trái phép trên sông Nhuệ, hay trường hợp ông Bùi Văn Thơ, thôn Cổ Châu, xã Châu Can lấn chiếm 40m2 lòng sông Nhuệ xây nhà cấp bốn..., Xí nghiệp Thủy lợi và UBND huyện Phú Xuyên đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu chính quyền các xã xử lý dứt điểm nhưng đến nay các công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiêu, thoát nước và công tác phòng, chống lụt, bão.
Tại hội nghị triển khai công tác thủy lợi và phòng, chống lụt, bão vừa diễn ra, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Nguyễn Quốc Hội cho rằng, đã đến lúc TP Hà Nội phải thẳng thắn phê bình, làm rõ trách nhiệm đến lãnh đạo từng địa phương để xảy ra vi phạm. Lãnh đạo Công ty Thủy lợi sông Tích cho biết: Hầu như chính quyền các địa phương chưa quan tâm đến việc xử lý các vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ các công trình thủy lợi. Hằng năm, vi phạm trên hệ thống thủy lợi do doanh nghiệp quản lý lên tới hàng trăm vụ, đều được lập biên bản đề nghị chính quyền các cấp xử lý, giải tỏa, song kết quả đạt được rất thấp. Bảy tháng vừa qua, Công ty Thủy lợi sông Tích đã phát hiện và lập biên bản 118 trường hợp vi phạm các công trình thủy lợi, nhưng chỉ xử lý, giải tỏa được 3 vụ, vẫn tồn đọng 115 vụ. Theo quy định, phía các công ty thủy lợi có nhiệm vụ phát hiện vi phạm, phối hợp với chính quyền cơ sở lập biên bản đình chỉ thi công. Còn quyền cưỡng chế, giải tỏa vi phạm thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, có một nghịch lý là một bên cứ lập biên bản, còn bên xử lý vi phạm thì thờ ơ, khiến vi phạm ngày càng tăng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, để hạn chế vi phạm, Chi cục Thủy lợi và các công ty thủy lợi phải tổ chức cắm mốc chỉ giới hành lang công trình thủy lợi với khu dân cư và các công trình khác; đồng thời tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố để phân loại vi phạm, đề xuất biện pháp xử lý. Sở NN&PTNT có trách nhiệm lập kế hoạch, đề xuất phương án cắm mốc giới trình UBND thành phố phê duyệt để thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Quyết định 37/2013/QĐ của UBND TP Hà Nội quy định rõ trách nhiệm của từng ban, ngành, chính quyền, đoàn thể trong việc quản lý và khai thác công trình thủy lợi. Theo đó, đối với đất ở, công trình kiến trúc không được cấp phép nằm trong phạm vi vùng bảo vệ công trình thủy lợi, phải xem xét, tháo dỡ, di chuyển đi nơi khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu. Các huyện, thị xã cần tăng cường công tác tuyên truyền Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi; xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm công trình thủy lợi; ký cam kết với các hộ dân sống lâu trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi để lập hồ sơ quản lý và giám sát chặt chẽ. UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thực hiện Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi. Ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi tại địa phương... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.