Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vi phạm quyền trẻ em: Vô cảm hay thiếu hiểu biết?

Hiền Lương| 24/07/2014 06:10

(HNM) - Vấn đề vi phạm quyền trẻ em trên các ấn phẩm báo chí càng ngày càng đáng báo động.

Trong số 548 bài báo nói trên, có 62% bài báo mô tả một cách chi tiết cùng với bình luận về trẻ em một cách không phù hợp, thậm chí gây tổn thương cho các em. 39% bài báo đăng ảnh của trẻ em trực diện khuôn mặt, vùng bị tổn thương cùng với gia đình hoặc nhà cửa, trường học. Với thông tin kiểu này, các em có thể bị lộ nhân thân, tương lai các em có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Tương tự, những thông tin không có lợi như về nơi ở của trẻ em được cung cấp cụ thể đến địa danh xã, phường, thị trấn chiếm 30%; đến địa chỉ rõ ràng có thể tìm thấy được là thôn, xóm, đường chiếm 41%.

Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương - Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong phiên tòa xét xử hoa hậu Mỹ Xuân cách đây ít lâu, một số tờ báo không chỉ đăng hình ảnh bị cáo, mà còn đăng ảnh em ruột bị cáo chưa đến tuổi vị thành niên. Sự cố vô tình này có thể ảnh hưởng rất tiêu cực đến cuộc sống gia đình của bị cáo, đến sự phát triển bình thường của em bé liên quan. Ở góc độ khác, nhà báo Trần Ngọc Long - Phó Trưởng phòng Phóng viên Báo điện tử Vietnamplus.vn (Thông tấn xã Việt Nam) dẫn chứng vụ việc một học sinh (ở Gia Lai) ăn trộm sách bị nhân viên siêu thị bắt treo biển "Tôi là người ăn trộm" trước ngực. Theo ông, báo chí thi nhau đăng tải bức ảnh, đưa tin về địa chỉ làm cho sự việc càng trở nên trầm trọng. Sự can thiệp thô bạo, không tôn trọng quyền riêng tư của trẻ em vô hình trung đã làm các em tổn thương hơn.

Vi phạm quyền riêng tư là lỗi sai phổ biến nhất trên báo chí hiện nay. TS Nguyễn Thành Lợi - Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) chỉ rõ: "Trong môi trường truyền thông xã hội, ai cũng có thể dẫn nguồn tin từ báo chí để chia sẻ trong cộng đồng, hình ảnh tiêu cực của trẻ em trên truyền thông ngày càng lan rộng hơn, trẻ em càng dễ bị tổn thương hơn". Thực tế đã ghi nhận, tác động thông tin báo chí đã khiến một số trẻ em bỏ học vì xấu hổ, thậm chí đưa đẩy các em tới những hành vi tiêu cực như tự tử. Nhà báo Trần Ngọc Hà (Báo Pháp luật Việt Nam) khẳng định: "Đăng cận cảnh ảnh, giật tít giật gân, mô tả chi tiết nội dung, cung cấp địa chỉ cư trú về trẻ em là điều bất nhẫn và trái luật".

Để xảy ra tình trạng vi phạm trên đây trước hết là do sự vô tâm, vô cảm, hoặc thiếu hiểu biết của người làm báo. Các cơ quan báo chí cần xây dựng chiến lược trang bị nhận thức và thống nhất các nguyên tắc ứng xử của nhà báo đối với trẻ em. Đạo đức nghề nghiệp nhà báo và những quy ước riêng đối với nhà báo làm báo cho trẻ em, về trẻ em cần được hoàn thiện và tôn trọng. Phòng tin của Hãng tin CNN (Mỹ) đã đưa ra danh mục các khía cạnh cần lưu tâm khi quyết định có phỏng vấn trẻ em hay không trong những bản tin thời sự. Tại nhiều nước trên thế giới, luật pháp quy định rõ không được đăng ảnh tội phạm trẻ vị thành niên hoặc chỉ cho phép vẽ hình minh họa.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần hoàn chỉnh các quy định pháp lý về quyền riêng tư nói chung và quyền riêng tư của trẻ em nói riêng. Trước hết cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, Bộ luật Tố tụng hình sự và cấu trúc một chế định đầy đủ để bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trong Luật Trẻ em. Trong đó, Luật Báo chí cần được sửa theo hướng quy định chặt chẽ quy trình, thủ tục thu thập, xử lý và đăng tải thông tin thuộc quyền riêng tư. Cần thiết phải khuyến nghị quy trình đăng tải các bài báo mô tả trẻ em (là nạn nhân của hành vi trái pháp luật, trẻ em là người làm trái pháp luật) không trở thành căn cứ để nhận diện trẻ đó là ai trên thực tế. Các cơ quan như Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cần xây dựng thêm các quy định đặc thù cho nhà báo tác nghiệp với trẻ em, chẳng hạn như bắt buộc phải có kiến thức về quyền trẻ em...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm quyền trẻ em: Vô cảm hay thiếu hiểu biết?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.