Xã hội

Dự thảo Luật Tư pháp dành cho người chưa thành niên:Hướng đến giải pháp nhân văn, phù hợp

Hà Phong 26/08/2024 - 06:38

Dự thảo Luật Tư pháp dành cho người chưa thành niên đang được Tòa án nhân dân Tối cao tích cực xây dựng với nhiều quy định tiến bộ, nhân văn. Việc ban hành một đạo luật chuyên biệt với người chưa thành niên được đánh giá là sáng kiến ý nghĩa, thể hiện Việt Nam đáp ứng, thực thi tích cực, nghiêm túc yêu cầu của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, các khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc.

du-thao.jpg
Quang cảnh hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên do Tòa án nhân dân Tối cao phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Cơ quan Phòng, chống ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế tổ chức.

Những hoàn cảnh đặc biệt

Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi, chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần, chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người đã thành niên. Hiện nay, tình trạng người chưa thành niên phạm tội tại nước ta là một trong những vấn đề luôn được xã hội quan tâm.

Trong khi đó, pháp luật hiện hành điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên được quy định tản mạn ở nhiều đạo luật. Phần lớn chỉ điều chỉnh các quy định vốn được áp dụng cho người trưởng thành để áp dụng với người chưa thành niên. Đây là cách tiếp cận không hiệu quả, gây nhiều khó khăn khi áp dụng. Kết quả khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong tháng 3-2024 tại 3 trường giáo dưỡng cho thấy, số người chưa thành niên vi phạm pháp luật đang học tại trường có hoàn cảnh gia đình đặc biệt (bố mẹ ly hôn, ly thân, nghiện ma túy, cờ bạc; bố mẹ phạm tội hoặc mồ côi cha mẹ...) chiếm tỷ lệ lớn; đây là vấn đề cần lưu tâm và có giải pháp để bảo đảm quyền lợi cho đối tượng đặc biệt này.

Trong bối cảnh nêu trên, thay vì áp dụng hình phạt trong hệ thống pháp luật hình sự, Dự thảo Luật Tư pháp dành cho người chưa thành niên hướng tới biện pháp nhân văn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm minh và các nguyên tắc pháp luật. Ban soạn thảo chú trọng biện pháp xử lý chuyển hướng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Cụ thể, xử lý chuyển hướng là quá trình thay thế nhằm xử lý những người chưa thành niên vi phạm pháp luật, thay vì xử phạt trong hệ thống tư pháp chính thống hoặc đưa vụ việc ra tòa. Những đối tượng được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng có thể quy định theo vi phạm (ví dụ các tội nhẹ hoặc ít nghiêm trọng) hoặc theo án phạt có thể áp dụng (ví dụ các tội có khả năng bị phạt dưới 10 năm tù); chỉ áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cho người chưa thành niên thừa nhận trách nhiệm cho hành động của mình. Cùng với đó, thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên...

Giúp sớm tái hòa nhập cộng đồng

Luật gia Lê Quang Vững ủng hộ việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên nhằm hạn chế tác động tiêu cực của thủ tục tố tụng hình sự, tạo cơ hội giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật sớm tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích trong xã hội. Đáng lưu ý, trong 12 biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội trong dự thảo luật có phương án “giáo dục tại trường giáo dưỡng”, theo ông Lê Quang Vững là nhân văn, sáng tạo. Lý giải về vấn đề này, ông Lê Quang Vững cho rằng, quy định như dự thảo luật phù hợp với chủ trương mở rộng các trường hợp được áp dụng xử lý chuyển hướng nhưng vẫn bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, sự an toàn của cộng đồng và của nạn nhân do trường giáo dưỡng là tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ, do Bộ Công an trực tiếp quản lý. Nếu triển khai, sẽ sớm kết thúc việc truy cứu trách nhiệm hình sự với người chưa thành niên để nhanh chóng được áp dụng xử lý chuyển hướng ngay từ giai đoạn điều tra, thay vì phải kết thúc giai đoạn xét xử sơ thẩm mới có thể được xem xét áp dụng như hiện nay.

Về tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết vẫn có ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định phải tách vụ án với người chưa thành niên để giải quyết riêng. Phương án này sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các chính sách mới nhân văn của dự thảo luật... Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng có thể tách riêng vụ án với người chưa thành niên để giải quyết, tạo sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện, giao cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, quyết định. Liên quan đến vấn đề này, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh "không tách không được" bởi nếu để chung vào một vụ án (gồm cả người chưa thành niên và người trưởng thành), khó bảo đảm chính sách ưu đãi dành cho người chưa thành niên.

Ở góc nhìn khác, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên chỉ quy định trong vấn đề tái hòa nhập cộng đồng là chưa đủ; mà còn có trách nhiệm chính trị như giám sát việc tổ chức thực hiện, phản biện xã hội đối với dự án luật này và các luật có liên quan, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên khi bị xâm hại...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Tư pháp dành cho người chưa thành niên: Hướng đến giải pháp nhân văn, phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.