(HNMO) - Báo cáo của QH nêu, khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca ung thư phát hiện mới có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp sáng 5-6. |
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề quan trọng, được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc ban hành chính sách pháp luật và triển khai thực hiện còn có những vấn đề nổi lên.
Vì vậy, QH đã lựa chọn nội dung giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016 để tiến hành giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ ba.
"Đây là nội dung giám sát rất lớn, rất quan trọng của QH. Thực hiện Nghị quyết số 19/2016/QH14 về thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016, đoàn giám sát đã tổ chức giám sát tại các địa phương và làm việc, xem xét các báo cáo của Chính phủ, bộ, ngành có liên quan. Đoàn giám sát đã hoàn thành chương trình và có báo cáo trình ra QH xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ ba" - Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nói.
ATTP đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống
Tiếp đó, trong Báo cáo của UBTV QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, trong 5 năm vừa qua, QH, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng ban hành được một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật. Chất lượng các văn bản về cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý, hình thành một hệ thống quy định pháp luật tương đối toàn diện, đầy đủ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý ATTP.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về ATTP trong thời gian qua cũng bộc không ít tồn tại và hạn chế; trong đó đáng lưu ý là nhiều văn bản ban hành chậm và còn thiếu, chưa thực sự phù hợp, chưa được hệ thống hóa, còn chồng chéo, quy định phân công trách nhiệm cho các cơ quan đơn vị chưa thực sự khoa học và rõ ràng.
Đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng nêu nhiều bước chuyển biến tích cực như cơ sở đủ điều sản xuất kinh doanh thực phẩm tăng lên, hình thành nhiều vùng sản xuất thực phẩm an toàn và cơ sở kinh doanh theo chuỗi giá trị đã đóng góp tích cực vào việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam. Nhiều loại nông sản như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu... của Việt Nam đã đứng vào tốp đầu trong các nước xuất khẩu trên thế giới.
ATTP đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người Việt Nam (Kết quả điều tra dân số lần thứ nhất tháng 3-1960, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 48 tuổi, đến năm 2010 là trên 72 tuổi, năm 2015 đã tăng lên đến 74 tuổi).
Công tác chỉ đạo, phối hợp liên ngành và quy trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan quản lý ATTP đã được xác định rõ hơn. Hoạt động quản lý ATTP từ trung ương đến địa phương được tăng cường cả về tổ chức bộ máy và nguồn lực thực hiện, thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh. Việc nâng cấp, đầu tư trang thiết bị, điều kiện sản xuất, kinh doanh, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của doanh nghiệp được quan tâm nhiều hơn. Nhiều vùng sản xuất rau sạch, chăn nuôi an toàn được quy hoạch và đưa vào hoạt động.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng. |
Báo động các vi phạm quy định về ATTP
Kết quả giám sát từ năm 2011 đến tháng 10-2016 cho thấy, ngộ độc thực phẩm (NĐTP) vẫn đang diễn ra khá phức tạp là một thách thức lớn trong công tác ATTP. Toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ NĐTP với 30.395 người mắc, 25617 người nhập viện và 164 người chết.
Báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2011 – 2016, đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm làm mắc 4.012.038 ca bệnh với 123 người chết, trung bình 668.673 ca bệnh/năm và 21 người chết/năm, trong đó chủ yếu là tiêu chảy cấp tính. Ước lượng tỷ lệ mới mắc tiêu chảy cấp do thực phẩm trong 1 năm là 25,87% dân số.
Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được .
Qua kiểm nghiệm rau, quả tươi sống, tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47%; kiểm tra đối với 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã phát hiện 9.056 hộ vi phạm (chiếm 16,54%); kiểm tra 2.064 đợt với 63.230 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc BVTV, phát hiện và xử lý trên 7.434 cơ sở vi phạm (chiếm 11,7%).
Về kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật, đến năm 2016, số cơ sở nhỏ lẻ không giảm mà còn tăng thêm 285 cơ sở. Tình trạng chung là các cơ sở này không khai báo, không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ; điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm, giết mổ, làm sạch phủ tạng trực tiếp trên sàn; dụng cụ, trang thiết bị thô sơ, sàn nền không được vệ sinh sạch sẽ gây ô nhiễm vi sinh vật ở mức cao...
Theo báo cáo của “Diễn đàn chính sách: An toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam hiện nay, thực trạng và giải pháp” thì 9 tháng đầu năm 2016 các lực lượng chức năng đã thu giữ và xử lý hàng trăm tấn chất phụ gia, thực phẩm từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc đã nhập lậu vào Việt Nam. Ngoài ra, một lượng lớn thực phẩm nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, buôn lậu…
"Tình trạng vi phạm về quy định ATTP khá phổ biến trong nhiều loại hình kinh doanh thực phẩm. ATTP có lúc, có nơi đã đến mức báo động, ở giới hạn đỏ" - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Đặc biệt, vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu, bia và nước giải khát còn phổ biến. Giai đoạn 2007-2017, cả nước đã xảy ra 58 vụ ngộ độc rượu với 382 người mắc và 90 người tử vong, trong đó tử vong do methanol chiếm nhiều nhất với tỉ lệ 49%, do rượu ngâm cây rừng là 19,4%. Gần đây, nhiều vụ ngộ độc rượu quy mô lớn xảy ra
Báo cáo cũng nêu rõ, để xảy ra tình trạng mất ATTP như trên, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, người tiêu dùng thực phẩm trong đó trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức, hộ giá đình cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.