(HNM) - Một bức tường tồn tại hàng chục năm trong khuôn viên ngôi biệt thự tại số 67 phố Nguyễn Thái Học (phường Điện Biên, quận Ba Đình) bị đập phá nhiều lần, nhưng không được cấp có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý dứt điểm...
Bức tường ngăn kiên cố sau nhiều lần bị đập phá, nay chỉ còn là những mảng tường thấp nham nhở... |
Trong đơn kiến nghị gửi Báo Hànộimới, bà Nguyễn Thị Nhạn, trú tại số nhà 67 phố Nguyễn Thái Học cho biết: Ngôi biệt thự 67 phố Nguyễn Thái Học có tổng diện tích 537,4m2, vốn do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quản lý và phân cho cán bộ đến ở. Bao quanh tầng 1 ngôi biệt thự và khoảng đất trồng cây xanh xung quanh là một bức tường dài 5,8m, cao 2,5m, ngăn cách với phố Nguyễn Thái Học, ngõ Yên Thế, lối đi chung và sân sau của số nhà. Năm 1962, toàn bộ diện tích tại tầng 1 ngôi biệt thự được phân cho nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Dương Bạch Liên cùng gia đình. Năm 1981, gia đình ông Liên chuyển đi nơi khác, Bộ GTVT phân cho ông Nguyễn Nam Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT và vợ là bà Nguyễn Thị Nhạn tiếp quản, sử dụng. Năm 1987, Bộ GTVT bàn giao hiện trạng sử dụng của 5 hộ trong số nhà 67 phố Nguyễn Thái Học cho Xí nghiệp Kinh doanh nhà Ba Đình quản lý. Tháng 3-2011, gia đình bà Nhạn được UBND quận Ba Đình cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ trên.
Kể từ khi tiếp quản tầng 1 biệt thự 67 phố Nguyễn Thái Học cho đến nay, gia đình bà Nhạn vẫn sử dụng ổn định các diện tích được giao, không có bất cứ một sự thay đổi nào. Tuy nhiên, từ tháng 9-2011, ông Hàn Đức Việt (người được bà Lưu Thị Bích Vân sống cùng số nhà nhượng lại diện tích tại tầng 2 của ngôi biệt thự) đã nhiều lần thuê người đập phá công trình phụ, lấn chiếm diện tích sử dụng chung, thay đổi công trình thoát nước, cấp điện... Đặc biệt, từ tháng 12-2011 đến tháng 1-2012, ông Việt liên tục thuê người phá bức tường phân cách lối đi chung của các hộ gia đình với phần diện tích của gia đình bà Nhạn...
Tiếp xúc với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nhạn bức xúc: Hành vi phá hoại của ông Việt kéo dài liên tục trong nhiều tháng, vậy mà đến nay, sau rất nhiều lần gửi đơn, chúng tôi chưa hề nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía UBND phường Điện Biên. Chưa kể, hễ đêm hôm trước ông Việt thuê người phá bức tường thì ngay hôm sau UBND phường gửi văn bản yêu cầu các hộ dân phải dọn vệ sinh, như vậy khác nào tạo điều kiện cho ông Việt xóa dấu vết...
Để làm rõ những nội dung trong đơn kiến nghị của gia đình bà Nhạn, PV Hànộimới đã làm việc với ông Nguyễn Trọng Khanh, Phó Chủ tịch UBND phường Điện Biên. Ông Khanh cho biết: Theo các văn bản và trên thực tế, tại tầng 1 ngôi biệt thự 67 phố Nguyễn Thái Học có một hàng rào bao quanh và hai bức tường ngăn khoảng đất lưu không chỉ gia đình bà Nhạn sử dụng nhiều năm nay. Tuy nhiên, trong "sổ đỏ" cấp cho hộ bà Vân (sống tại tầng 2) không thể hiện hai bức tường này, đồng thời quy định khuôn viên phía trước và bên cạnh nhà bà Nhạn là "sân chung" (?). Cũng vì lý do này, sau khi mua lại nhà của bà Vân, ông Việt đã thuê người đập phá dần bức tường nói trên. Do việc đập phá tường chủ yếu diễn ra vào ban đêm nên chính quyền phường gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý. Bức tường lại nằm án ngữ ngay khuôn viên khu biệt thự nên sau mỗi lần bị đập phá, gạch vữa bê tông lại bày bừa ra khắp lối đi chung nên UBND phường phải yêu cầu các hộ dân thu dọn để bảo đảm cảnh quan môi trường trong số nhà... Cũng theo ông Khanh, UBND phường đã hai lần tổ chức họp hòa giải với các hộ gia đình ở tổ dân phố và đều yêu cầu các gia đình phải giữ nguyên hiện trạng bức tường. "Thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục hòa giải, nếu không thành sẽ báo cáo UBND quận và các cơ quan chức năng để xin ý kiến chỉ đạo. Trường hợp vẫn không giải quyết được sẽ hướng dẫn các hộ dân gửi đơn lên Tòa án..." - Ông Khanh khẳng định.
Không đồng ý với quan điểm của UBND phường, bà Nhạn cho rằng: Những sai sót (nếu có) trong "sổ đỏ", gia đình tôi sẽ có đơn gửi cơ quan có thẩm quyền đề nghị hiệu chỉnh lại theo đúng hiện trạng. Riêng hành vi phá hoại của anh Việt, đề nghị UBND phường phải có biện pháp xử lý dứt điểm. Nếu cứ kéo dài thời gian xử lý như vừa qua, chắc chắn việc phá hoại tài sản sẽ còn tái diễn...
Theo tìm hiểu của PV, sự tồn tại của bức tường bao quanh ngôi biệt thự đã được chính cơ quan chủ quản đầu tiên là Bộ GTVT khẳng định tại công văn số 2457/VP ngày 30-7-2001 khi xác nhận: "Toàn bộ diện tích nhà, sân và khoảng đất trồng cây xanh có tường bao quanh ngôi biệt thự hiện do bà Nguyễn Thị Nhạn, vợ đồng chí Nguyễn Nam Hải và con cháu đang ở, là nguyên trạng như khi được phân năm 1981". Luật Xây dựng ban hành năm 2003, tại mục a và b, khoản 2, Điều 86 về Phá dỡ công trình xây dựng quy định: "Việc phá dỡ công trình chỉ được thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải theo giải pháp phá dỡ được duyệt, bảo đảm an toàn về vệ sinh môi trường". Như vậy, dù bức tường rào dài 5,8m, cao 2,5m tại biệt thự 67 Nguyễn Thái Học không được thể hiện trong "sổ đỏ" của ông Việt song khi chưa có quyết định của cơ quan nhà nước, việc ông Việt tự ý thuê người phá dỡ là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, khi phát hiện ông Việt thuê người đập phá bức tường, UBND phường Điện Biên phải tiến hành lập biên bản, đồng thời buộc ông Việt khôi phục bức tường theo đúng nguyên trạng ban đầu chứ không thể "hòa giải" như cách thức đã thực hiện. Với việc xử lý hành vi vi phạm như vậy, liệu UBND phường Điện Biên đã xử lý đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm theo quy định của pháp luật?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.