Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì mục tiêu “chất lượng ngoại, giá nội”

Quỳnh Phạm| 17/05/2016 08:34

(HNM) - Sau 10 năm thực hiện, Chương trình tiên tiến (CTTT) trong các trường ĐH đã cho thấy sự vượt trội về chất lượng đào tạo so với chương trình đại trà.


Khẳng định ưu thế

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, CTTT do các trường tự thiết kế, xây dựng dựa trên chương trình của các trường đại học thuộc top 200 thế giới, hoặc thuộc nhóm 20% những chương trình đào tạo tốt nhất trong bảng xếp hạng của các hiệp hội, tổ chức kiểm định giáo dục cấp quốc gia hoặc quốc tế. Những CTTT đầu tiên theo đề án này bắt đầu được thực hiện từ năm 2008.

Chương trình tiên tiến trong các trường đại học đã đạt được nhiều kết quả sau 10 năm thực hiện.


Đánh giá kết quả đào tạo của các CTTT tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn cho biết: Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của hai CTTT tại Học viện là hơn 20% (ngành khoa học cây trồng và quản trị kinh doanh nông nghiệp). Đối với những khóa sinh viên đầu tiên, công tác đào tạo đã cho thấy sự nâng cao về chất lượng, kết quả học tập cao hơn so với chương trình đại trà. Nhiều sinh viên vừa ra trường, thậm chí là ngay từ năm cuối đã làm việc bán thời gian tại các cơ quan, doanh nghiệp. Học viện đã tiến hành phỏng vấn các sinh viên tốt nghiệp, kết quả cho thấy: 32% xin được việc làm chỉ 1 tháng sau khi tốt nghiệp, 28% từ 1 đến 3 tháng; số còn lại có việc làm ổn định sau 3-6 tháng và khá nhiều người đã tiếp tục chương trình đào tạo thạc sĩ tại nước ngoài. Sinh viên ra trường không chỉ có chuyên môn tốt, mà còn có kỹ năng mềm nhờ quá trình rèn luyện trong trường và các vị trí làm việc bán thời gian, đặc biệt là rất thông thạo tiếng Anh.

Về phía giảng viên, nhiều người cho rằng, ưu điểm đầu tiên của CTTT là đã hỗ trợ, tạo điều kiện để các giảng viên nâng cao trình độ. Theo PGS.TS Vũ Đức Toàn, Trường ĐH Thủy lợi, trở thành giảng viên dạy giỏi trong chương trình truyền thống đã là việc khó, dạy giỏi chuyên môn bằng tiếng Anh còn khó hơn. Việc giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh hoặc viết báo trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế đều là thách thức lớn trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, vốn dĩ rất trừu tượng. Ưu điểm tiếp theo của CTTT là đã tạo được nguồn tài nguyên học liệu phong phú. Các hệ thống giáo trình, thí nghiệm và phần mềm tin học, các tài liệu chuyên khảo thu thập được trong thời gian làm việc với các đối tác nước ngoài giúp làm giàu vốn kiến thức của giảng viên. Ngoài ra, cách thức thiết kế, tổ chức, quản lý môn học cũng góp phần đáng kể vào việc truyền tải kiến thức chuyên ngành một cách hiệu quả nhất. Kết quả là quá trình đào tạo có chất lượng tốt, sinh viên được trải nghiệm chương trình đào tạo tiên tiến, có tính hội nhập cao.

Muốn giữ mục tiêu phải lo kinh phí

Tuy nhiên, sự vận hành CTTT, nhất là tại các khối ngành nông nghiệp, cũng gặp nhiều khó khăn. Thách thức lớn nhất là trình độ tiếng Anh của giảng viên trong nước chưa tốt, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Phần lớn sinh viên đến từ vùng nông thôn nên trình độ tiếng Anh khởi điểm thấp và không đồng đều. Học phí cao là một rào cản lớn cho sinh viên, khiến việc tuyển sinh cho các CTTT cũng như duy trì sĩ số ổn định qua các năm không đơn giản. Học phí của sinh viên theo học CTTT hiện đang áp dụng ở mức gấp 1,5 đến 2 lần so với mức học phí bình thường, tuy nhiên, nguồn thu từ học phí vẫn không đáp ứng được chi phí giảng dạy và đào tạo. Thù lao cho việc giảng dạy của các giảng viên chỉ gấp đôi so với bình thường trong khi việc chuẩn bị bài giảng bằng tiếng Anh cần sự đầu tư rất lớn. Ngoài mức thù lao cao, việc mời giáo viên nước ngoài sang giảng dạy còn gặp khó khăn bởi họ thường không bố trí được thời gian cho toàn bộ học kỳ, mà chỉ sang giảng dạy theo đợt 2-3 tuần.

Có nhiều cách để vượt qua khó khăn. TS Trịnh Quang Khải, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế Trường ĐH Giao thông vận tải chia sẻ kinh nghiệm: Nhà trường xác định việc đào tạo ngoại ngữ trong những năm đầu đại học có ý nghĩa quyết định. Sau khi thử tuyển thêm đối tượng học sinh THPT khối A1 nhưng chất lượng đầu vào tiếng Anh không khá hơn nhiều so với trước, môn tiếng Anh của CTTT được chia thành lớp nhỏ, có giảng viên phụ trách riêng. Nhà trường mời các giảng viên nước ngoài đến dạy nghe - nói, lại mời thêm sinh viên quốc tế tham gia chương trình nhằm tạo động lực học ngoại ngữ cho sinh viên CTTT. Liên quan đến chuẩn đầu ra, nhà trường yêu cầu sinh viên tốt nghiệp CTTT phải có chứng chỉ của các trung tâm khảo thí có uy tín như Hội đồng Anh, IDP hoặc tối thiểu là của Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Để khắc phục bất cập về lực lượng giảng viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có kế hoạch mời các giảng viên ở Châu Á, Australia với chi phí thấp phù hợp; việc giảng dạy có thể kéo dài hoặc áp dụng phương pháp cuốn chiếu. Trường ĐH Thủy lợi thì đề xuất phương án mở rộng mô hình CTTT cho các ngành đào tạo khác, nhất là các ngành xã hội đang có nhu cầu cao để tăng nguồn học phí. Bên cạnh đó, để giảm chi phí cho giảng viên, các trường cùng khối ngành cần xây dựng cơ chế phối hợp để liên kết sử dụng các giảng viên cả trong và ngoài nước.

Nhìn chung, trong thời gian tới, các trường đang thực hiện CTTT đều kiến nghị Nhà nước tiếp tục đầu tư một phần để hỗ trợ các trường tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của mô hình đào tạo này. Đặc biệt, với các trường khối kỹ thuật, sự hỗ trợ của Nhà nước là hết sức cần thiết để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo tiên tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì mục tiêu “chất lượng ngoại, giá nội”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.