(HNM) - Đoàn kết và thống nhất không chỉ là điều kiện tiên quyết để Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xây dựng thành công một Cộng đồng phát triển vững mạnh, mà còn góp phần khẳng định vai trò trung tâm cũng như vị thế của Hiệp hội trong khu vực và trên trường quốc tế.
Để gắn kết các thành viên trong mái nhà chung ASEAN khi Cộng đồng ra đời vào cuối năm 2015, mỗi thành viên cần đề cao hơn nữa văn hóa thực thi, tuân thủ các nguyên tắc chung trên cơ sở tăng cường kết nối cũng như xây dựng lòng tin.
10 nước thành viên ASEAN quyết tâm hoàn thành mục tiêu ra đời Cộng đồng vào cuối năm 2015. |
Khẳng định trên của Tổng thống U Thein Sein trong phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 tại thủ đô Nay Pyi Taw được xem là trọng tâm ưu tiên của nước chủ nhà Myanmar trong năm Chủ tịch ASEAN 2014. Diễn ra vào thời điểm ASEAN đang chạy đua nước rút để hoàn tất tiến trình hình thành Cộng đồng vào cuối năm 2015, làm thế nào để phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực đang định hình, những định hướng tiếp theo của ASEAN sau năm 2015 trên cả ba trụ cột: Chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội là nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này cũng như các Hội nghị cấp cao liên quan với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Liên hợp quốc và Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 9.
Đến nay các nước thành viên đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc để sẵn sàng cho việc ra đời Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, song khoảng 20% lượng công việc còn lại đang đặt ra cho Hiệp hội không ít thách thức. Trong đó, nổi lên là khoảng cách phát triển không đồng đều giữa các quốc gia thành viên cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống, an toàn hàng hải, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, dịch bệnh, thiên tai... Thực tế này càng đòi hỏi các thành viên ASEAN duy trì đoàn kết, thống nhất, chủ động và tích cực hơn trong ứng phó và xử lý, nhất là với các thách thức liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực cũng như toàn thế giới. Trên cơ sở đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thể hiện quyết tâm hoàn thành mục tiêu ra đời Cộng đồng vào cuối năm 2015 qua Tuyên bố chung Nay Pyi Taw về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 nhằm định hướng phát triển Cộng đồng ASEAN trong giai đoạn 2016-2025.
Tiếp nối những thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra tháng 5 vừa qua, vấn đề Biển Đông một lần nữa trở thành mối quan tâm chung tại các Hội nghị Cấp cao của ASEAN lần này. Là biển duy nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương - trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, Biển Đông luôn là huyết mạch quan trọng đối với toàn khu vực. Có hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua Biển Đông. Vì thế, Biển Đông có ý nghĩa thiết yếu không chỉ với các quốc gia có chủ quyền mà còn với cả thế giới. Tuy nhiên, việc Trung Quốc thời gian qua không ngừng có các hành động làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông - đáng chú ý là sự kiện hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou (Hải Dương - 981) trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam - đã ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực. Hành động này đi ngược với quy định của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2008 và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Nhận thức rõ tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng như các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí rằng, cần tiếp tục yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực hiện đầy đủ mọi quy định của DOC. Trước hết là Điều 5 của Tuyên bố khi thực hiện kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Không những thế, ASEAN cần triển khai mạnh mẽ những nội dung đã thống nhất với Trung Quốc nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc hơn.
Là các hội nghị cuối cùng và quan trọng nhất trong năm Chủ tịch ASEAN 2014, nước chủ nhà Myanmar đã có nhiều đóng góp để Cộng đồng ASEAN hình thành đúng thời hạn. Thời gian không còn nhiều để hơn 500 triệu người dân tại một trong những khu vực năng động nhất thế giới xác lập quyết tâm về một mái nhà chung. Đây là dấu mốc trọng đại trong lịch sử phát triển của ASEAN. Bằng sức mạnh đoàn kết cùng nỗ lực và quyết tâm của các nước thành viên, Cộng đồng ASEAN sẽ tiến tới những mục tiêu liên kết cao hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.