Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì dân tộc thông thái! Con người thông thái!

Vũ Oanh| 30/04/2010 06:24

(HNM) - Ngày 30-4-1975: Mốc son lịch sử sáng ngời! Đất nước độc lập, thống nhất chuyển mình, tiếp tục phát huy dân chủ và sức mạnh

Giờ học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Phương An


Cách mạng khoa học công nghệ đang tiến rất nhanh. Thế giới chuyển sang lấy tri thức làm nguồn lực phát triển chủ yếu. Cơ may cạnh tranh và phát triển bền vững của quốc gia cơ bản dựa vào sự giàu có về trí tuệ của toàn dân tộc. "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", một dân tộc nghèo. Không cam tâm chìm đắm trong dốt nát! Phải trở thành "dân tộc thông thái"! Phải quyết chí lấy tự học, tự tìm và tự tạo ra tri thức, làm giàu trí não và nhân cách của ta mà thắng nghèo nàn lạc hậu!

"Dân tộc thông thái" trong tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thống nhất biện chứng giữa "dân tộc" và "tri thức khoa học", giữa "dân tộc" và "chủ nghĩa xã hội", vì chính chủ nghĩa xã hội là hiện thân của khoa học, là sự thống nhất giữa cách mạng khoa học và cách mạng xã hội.

Vì thế, để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phải thực hiện tri thức hóa Đảng, tri thức hóa dân tộc, tri thức hóa giai cấp công nhân và nhân dân lao động, tri thức hóa kinh tế và xã hội, xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, dân ta thành những con người thông thái, độc lập, tự do, hạnh phúc, "độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo" (Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thư gửi Đại hội Khuyến học Việt Nam. 2005-2010).

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường 35 năm qua, điều thật đáng cho ta suy ngẫm là với những điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa tương tự với ta, nhưng các nước quanh ta đã có những bước phát triển nhanh, mạnh hơn ta: Trong cùng một thời gian, ta vươn tới phổ cập tiểu học thì Hàn Quốc nhảy vọt đến đại học phổ cập, Thái Lan, Singapore, Philippines đã vươn tới đại học đại chúng. Đội ngũ giáo sư, tiến sỹ của ta hơn người về số lượng nhưng lại kém về hiệu quả, chất lượng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Hơn bao giờ hết, sự giàu mạnh của đất nước phụ thuộc vào hàm lượng chất xám trong các nhân tố phát triển kinh tế - xã hội. Mô hình của chủ nghĩa xã hội chưa từng có trong thực tiễn đang đòi hỏi phải có nhiều tài năng lý luận và thực hành sáng tạo trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, ta vốn quen sao chép quá nhiều, tầm chương trích cú quá nặng, trong một thời gian quá dài. Có tri thức mà không dám hoặc không thể sử dụng linh hoạt, sáng tạo, chỉ có trích dẫn nguyên xi, bắt chước máy móc, rập khuôn, nói theo, làm theo, thì đó là tri thức chết, tư duy xơ cứng, khuôn sáo, giáo điều, bóp chẹt mọi tài năng sáng tạo - nguyên nhân cơ bản làm cho ta tụt hậu và có nguy cơ tiếp tục tụt hậu.

Điều thật đáng suy ngẫm hơn nữa là tư duy xơ cứng lại bắt nguồn từ hệ thống nhà trường - một nhà trường khoa cử, khép kín với các phương pháp dạy học truyền đạt - tiếp thu một chiều, thầy giảng - trò ghi nhớ, nói theo, làm theo cùng với hệ thống đánh giá thi cử nặng nề, lạc hậu, đào tạo ra những con người nặng về thừa hành, phục tùng, rập khuôn, ngược hẳn với mục tiêu "con người thông thái, độc lập, tự do, hạnh phúc", "độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo".

Con người thông thái biết và dám độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, sống hạnh phúc, văn minh; biết cách tự chăm sóc và rèn luyện nâng cao sức khỏe; biết cách tự học hành sáng tạo suốt đời; dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, dám nhận trách nhiệm; biết và dám tự mình đi tìm lấy chân lý, sống và làm việc theo chân lý.

Ngay từ bậc tiểu học, cần hướng dẫn và khuyến khích trẻ em độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự mình tìm lấy kiến thức, tự mình khám phá ra chân lý: Sách giáo khoa không áp đặt kiến thức sẵn có cho học sinh học thuộc, tiếp thu một chiều mà cung cấp một hệ thống tình huống - vấn đề cho trẻ suy nghĩ, tự mình tìm ra cách giải, cách xử lý, không bằng lòng với một cách giải duy nhất mà suy đi nghĩ lại, tìm ra càng nhiều cách giải càng tốt, tất cả các cách có thể có, tự mình tìm lấy kiến thức, chân lý. Thầy hướng dẫn cho trò biết cách tự xử lý các tình huống - vấn đề, biết cách tự học, độc lập suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo, biết cách tự mình tìm lấy kiến thức.

Quá trình học đường trang bị cho người học kỹ năng tự học - xử lý tình huống là chuẩn bị thiết thực nhất cho họ bước vào đời có thể tiếp tục tự học, tự xử lý vô số tình huống - vấn đề của cuộc đời. Sau nhà trường, kiến thức có thể bị lãng quên, song cách tự học - xử lý tình huống vẫn gắn kết mãi mãi với con người.

Cuộc đời là một dòng tình huống - vấn đề vô tận, hạnh phúc đích thực chỉ mỉm cười với những ai biết và dám độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự mình tìm lấy cách xử lý đúng đắn muôn vàn tình huống - vấn đề, khó khăn - thách thức, thời cơ - nguy cơ nảy sinh thường xuyên từ các mối quan hệ với thế giới quanh ta trong dòng đời.

"Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu, hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách. Có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi "Vì sao?", đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không? Tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều" (Hồ Chí Minh về vấn đề giáo dục, NXB Giáo dục. 1990. tr.164).

"Chế độ ta là chế độ dân chủ. Tư tưởng phải được tự do, tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó, quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tức là phục tùng chân lý" (Hồ Chí Minh về vấn đề giáo dục, NXB Giáo dục. 1990. tr.151).

Con người thông thái sống và làm việc theo chân lý - tức là theo "lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân", "ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân".

Con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển (Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Báo Nhân Dân. 29-3-2010).

Con người thông thái. Dân tộc thông thái. Nhất định có bước chuyển lịch sử đưa nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì dân tộc thông thái! Con người thông thái!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.