(HNM) - Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội như tên gọi được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, chăm lo cho người dân ở ba lĩnh vực chính là lao động, công tác người có công và chính sách xã hội.
Đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến về tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ 2018 của ngành diễn ra hôm qua (ngày 17-1): “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là hiện thân lòng nhân văn của một Quốc hội, một Chính phủ phục vụ”.
Nhìn lại những kết quả của ba lĩnh vực kể trên trong năm qua càng thấy rõ điều đó! Không phải ngẫu nhiên hai sự kiện đầu tiên trong số 10 sự kiện tiêu biểu của ngành năm 2017 là việc tạo dấu ấn “Năm đền ơn đáp nghĩa” và giải quyết được hàng ngàn hồ sơ người có công tồn đọng… Bên cạnh đó, cả 3/3 chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao gồm: Tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đều hoàn thành vượt mức kế hoạch…
Sẽ không thể có những kết quả này nếu như trong mỗi nhiệm vụ, mỗi chỉ tiêu không có động lực chính là vì con người, bảo đảm an sinh xã hội!
Tuy nhiên, cũng vì con người, chúng ta nhận ra càng nỗ lực phục vụ càng còn có nhiều điều chưa thể thỏa mãn, hài lòng. Rất nhiều thách thức đang đặt ra trước mắt như nguồn lực lao động của ta chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, năng suất lao động thấp, thu nhập bình quân của người lao động cũng thấp, tỷ lệ thất nghiệp còn cao. Người lao động còn thờ ơ với bảo hiểm xã hội, trẻ em bị bạo hành trở thành nỗi ám ảnh đối với các gia đình…
Phải làm thế nào để những năm sau nhiều hạn chế này không còn phải nhắc lại; để người có công, người lao động, người dễ bị tổn thương ngày một có cuộc sống tốt đẹp hơn? Nhất là khi những đổi thay hết sức nhanh chóng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra?
Rõ ràng, mặc dù vấn đề nêu trên cũng là việc của cả hệ thống chính trị nhưng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hơn ai hết sẽ phải là đầu mối chủ động tham mưu, phối hợp thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ này. Cụ thể như nhiệm vụ trước mắt mà Thủ tướng giao là hoàn thành đề án cải cách tiền lương, đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội…; chủ động trong phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực trước thời cơ, thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0…
Đặc biệt, lao động, người có công và xã hội như trên đã nói là những lĩnh vực rộng, nhạy cảm đòi hỏi mỗi cán bộ của ngành phải lăn lộn, vất vả với cơ sở để nắm bắt rõ đặc điểm từng đối tượng được chăm lo, từ đó có chính sách sát thực tế. Ví như người công nhân cần các thiết chế tối thiểu về văn hóa, giáo dục ra sao? Việc đào tạo nghề phải chuyển mạnh từ cấp kinh phí sang đặt hàng thì mới tạo ra cơ hội việc làm cho người học. Học để được làm việc, chứ không phải học chỉ để học cho xong, chính là một khía cạnh của chính sách nhân văn…
Cùng với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, chắc chắn các bộ, ngành, các địa phương… và bản thân người dân cũng có vai trò không nhỏ trong việc tham gia giải quyết những vấn đề về xã hội, chăm lo người có công...
Cuối cùng, dù ở vị trí nào, trước những vấn đề trên, khi người thực hiện thực sự có thấu cảm, có cái nhìn nhân văn, tiến bộ, thực sự vì con người thì mọi chính sách và việc làm sẽ chạm tới hiệu quả lớn lao hơn ta nghĩ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.