(HNM) - Nhiều năm qua, Venezuela nổi lên không chỉ tại Mỹ Latinh vì có trữ lượng dầu mỏ lớn và kinh tế thịnh vượng. Nhưng, hiện tại quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt với những bất ổn khó lường bắt nguồn từ khó khăn kinh tế.
Tình trạng cướp phá, hôi của tại một siêu thị ở Venezuela. |
Phe đối lập Venezuela đã không bỏ lỡ cơ hội, ráo riết dọn đường cho cuộc phế truất Tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro. Ngày 2-5, họ đã gửi Hội đồng Bầu cử quốc gia Venezuela (CNE) danh sách hơn 2,5 triệu chữ ký đòi phế truất Tổng thống.
Trong một quãng thời gian không dài, Venezuela đã chứng kiến không ít vụ biểu tình biến thành bạo động tại nhiều thành phố. Các cuộc biểu tình nổ ra do người dân phẫn nộ vì thiếu hụt điện kéo dài. Năng lượng đang trở thành vấn đề lớn tại quốc gia Nam Mỹ khi hiện tượng El Nino gây hạn hán nghiêm trọng. Lượng nước trong các hồ chứa, nhất là tại đập Guri xuống thấp kỷ lục đã đẩy quốc gia (70% lượng điện phụ thuộc vào thủy điện) này đối mặt với cuộc khủng hoảng điện năng nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại.
Chính phủ Venezuela buộc phải "cắt điện" để tiết kiệm năng lượng và ngày 2-5 vừa qua đã phải đổi múi giờ, sớm lên 30 phút thành GMT-4 nhằm đối phó với tình trạng thiếu điện. Trước đó, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan nhà nước chỉ làm việc 2 ngày/tuần để giảm tối đa lượng điện tiêu thụ; đồng thời cắt điện luân phiên trong 40 ngày tại nhiều khu dân cư. Tình hình càng trở nên căng thẳng khi bóng tối luôn đồng lõa với nạn cướp bóc, hôi của...
Lạm phát leo lên 300%, nguy cơ vỡ nợ do ngân sách kiệt quệ vì giá dầu giảm, các nhu yếu phẩm ngày càng thiếu nghiêm trọng... Nạn tham nhũng và tội ác tràn lan càng thổi bùng cơn giận dữ trong dân chúng. Hệ quả tất yếu là nền hành chính công tại nhiều nơi tê liệt, không giải quyết nổi các nhu cầu xã hội, nhất là y tế và thuốc men... buộc Chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp kinh tế.
Sau chu kỳ thịnh vượng hơn một thế kỷ qua, dự trữ ngoại tệ của Venezuela đang từ 29 tỷ USD năm 2012, còn 15 tỷ USD năm 2015. Nợ nước ngoài lên tới 250 tỷ USD. Tổng sản phẩm nội địa giảm mạnh trong hai năm liên tiếp (-3,9% năm 2014 và -5,7% năm 2015). 95% thu nhập quốc gia và 45% ngân sách nhà nước lệ thuộc vào dầu hỏa đã giảm mất gần 70% trong 2 năm qua làm điêu đứng nền tài chính. Bội chi ngân sách của Venezuela tương đương từ 18 đến 20% GDP.
Những chính sách về an sinh xã hội được đầu tư kỹ lưỡng của Venezuela cũng bắt đầu suy sụp. Hồi tháng 2, Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về lương thực ngay sau khi ban bố tình trạng "khủng hoảng nhân đạo y tế". Đối với một quốc gia luôn ưu tiên cho các chương trình xã hội để duy trì ổn định chính trị thì đây là một tai họa.
Không chỉ đối mặt với khủng hoảng kinh tế - xã hội, Venezuela còn lâm vào cảnh bế tắc chính trị khi phe đối lập kiểm soát thế đa số trong Quốc hội. Để ngăn chặn một cuộc đảo chính "mềm" có thể xảy ra, Tổng thống N.Maduro buộc phải ban bố sắc lệnh ngăn Quốc hội - bãi nhiệm các Phó Tổng thống và Bộ trưởng. Theo Tổng thống đương nhiệm, sắc lệnh vừa được ban bố là cần thiết để ngăn chặn cuộc khủng hoảng đang làm chao đảo đất nước.
Giới phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay của Venezuela có nguồn cội sâu xa hơn nhiều so với khủng hoảng dầu mỏ mà thế giới đang đối mặt. Trong đó, nguyên nhân sâu xa nhất xuất phát từ tình trạng quản lý kém hiệu quả, nạn tham nhũng và sử dụng tài nguyên không hợp lý. Venezuela đã quá tự tin vào giá trị của "vàng đen" trong nhiều thập kỷ và khi "ngòi nổ" giá dầu được kích hoạt, "quả bom" kinh tế bắt đầu phát nổ thì không quá bất ngờ khi Venezuela bước vào cuộc khủng hoảng không mong đợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.