Chính trị

Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Nhóm phóng viên 10/10/2024 06:22

Sáng nay (10-10), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, dấu mốc đáng nhớ trên hành trình xây dựng và phát triển Thủ đô anh hùng của đất nước Việt Nam anh hùng.

  • 41' trước

    Kết thúc chương trình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã thay mặt Ban tổ chức Lễ kỷ niệm trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu tham dự buổi lễ.

    Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đã thành công tốt đẹp.

  • 43' trướcNguyện mang khát vọng thanh xuân hòa cùng khát vọng của Thủ đô và đất nước

    Đại diện thế hệ trẻ phát biểu tại lễ kỷ niệm, em Nguyễn Chi Phương - sinh viên xuất sắc Trường Đại học Luật Hà Nội, bày tỏ xúc động và tự hào khi được đại diện cho tuổi trẻ Thủ đô phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

    hn10.jpg
    Sinh viên Nguyễn Chi Phương phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Thái

    Em Nguyễn Chi Phương cho biết, trong những tháng ngày học tập ở nhà trường, qua các bài học lịch sử, những tư liệu trên sách báo, em được biết, ngày 10-10-1954 đã trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng của Thủ đô Hà Nội và của dân tộc Việt Nam. Sự kiện trọng đại ấy đã góp phần khắc họa thêm một Hà Nội gan góc, vững vàng, khẳng định bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, khẳng định với thế giới một dân tộc anh hùng, bất khuất với những chiến công oanh liệt trong chống giặc ngoại xâm.

    Ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô vẫn khắc sâu trong lòng nhiều thế hệ người dân Hà Nội về một thời chiến đấu oanh liệt với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”; về hình ảnh đoàn quân chiến thắng trở về trong rừng cờ hoa, trong sự đón mừng hân hoan của đồng bào Thủ đô; về hình ảnh Lễ Chào cờ lịch sử, lá cờ chiến thắng của Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột cờ… Những ký ức hào hùng của cha ông đã khiến em vô cùng xúc động, tự hào.

    Nguyễn Chi Phương cũng bày tỏ sự trân trọng, biết ơn sự đóng góp, hy sinh của thế hệ cha ông để thế hệ trẻ hôm nay được hưởng thành quả tươi đẹp. Thế hệ trẻ các em được sinh ra lúc đất nước không còn chiến tranh, không được chứng kiến những giây phút lịch sử hào hùng khi đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô 70 năm về trước. Nhưng thế hệ trẻ hôm nay luôn khắc ghi, để có được ngày vui chiến thắng ấy, biết bao người con ưu tú của Thủ đô và cả nước, trong đó có những đoàn viên, thanh niên đã một lòng theo Đảng, sẵn sàng đi bất cứ đâu, có mặt ở những nơi gian khó khi Tổ quốc cần, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh; xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

    “Chúng cháu được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được quan tâm, dạy dỗ để biết yêu quê hương, tự hào về dân tộc, biết trân trọng quá khứ; lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc, của Thủ đô đã cho chúng cháu niềm tự hào, sự tự tin khi được sinh ra, được lớn lên, được học tập và được làm việc trên mảnh đất Thủ đô anh hùng nghìn năm văn hiến. Trong giây phút trang nghiêm và xúc động này, cháu xin thay mặt thế hệ trẻ Thủ đô xin được bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, những hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước vì nền hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam”, Nguyễn Chi Phương xúc động bày tỏ.

    Khẳng định lễ kỷ niệm ngày hôm nay và các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đã để lại ấn tượng sâu sắc trong trái tim thế hệ trẻ Thủ đô; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, cổ vũ, động viên thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững niềm tin, tinh thần độc lập, ý chí tự cường, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô thân yêu và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, em Nguyễn Chi Phương khẳng định, phát huy truyền thống Thủ đô anh hùng, thế hệ trẻ nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, kiên định con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần; trở thành những công dân “vừa hồng, vừa chuyên”.

    “Phát huy truyền thống Thủ đô anh hùng, tiếp bước thế hệ thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”, tuổi trẻ chúng cháu nguyện không ngừng tu dưỡng, rèn đức, luyện tài; luôn xung kích, dấn thân, đi đầu trong nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo; nỗ lực trong khởi nghiệp, lập nghiệp; tình nguyện vì cộng đồng; đem sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Chúng cháu nguyện mang khát vọng thanh xuân của tuổi trẻ hòa cùng với khát vọng chung của Thủ đô và đất nước, góp phần xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, em Nguyễn Chi Phương bày tỏ.

  • 49' trướcThời khắc lịch sử hào hùng luôn luôn hiện hữu, âm vang

    Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đại diện nhân chứng lịch sử, đồng chí Nguyễn Thụ, cựu chiến binh quận Hai Bà Trưng, nguyên cán bộ Trung đoàn 102 - Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong xúc động bởi bao kỷ niệm trào dâng.

    Khi đó, ông vừa tròn 22 tuổi, tràn đầy khát vọng và nhiệt huyết của tuổi trẻ, là Trung đội trưởng bộ binh thuộc Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 quân tiên phong.

    hn09.jpg
    Ông Nguyễn Thụ chia sẻ những ký ức về thời khắc lịch sử hào hùng năm xưa tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Thái

    Hiện tại, ông đã bước sang tuổi 92, nhưng ký ức về thời khắc lịch sử hào hùng năm xưa vẫn luôn luôn hiện hữu, âm vang trong tâm trí, nhất là về sự dũng cảm, kiên cường của các chiến sĩ đã chiến đấu oanh liệt, không tiếc máu xương trong suốt 60 ngày đêm để bảo vệ thành phố Hà Nội, bảo vệ an toàn cho cuộc rút lui đầy mưu trí của quân ta qua sông Hồng để về Chiến khu Việt Bắc, thực hiện trường kỳ kháng chiến.

    Trải qua 9 năm gian khổ, thiếu thốn, hy sinh, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chiến tại Việt Nam.

    “Những người lính chúng tôi được giao nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô thân yêu. Ai cũng phấn khởi và bồi hồi xúc động. Trên đường trở về, Đại đoàn 308 tổ chức lễ mừng công tại khu vực Trại Cờ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Nhân dân từ các vùng tự do, vùng địch tạm chiếm của Bắc Ninh, Hà Nội, Phúc Yên nô nức đổ ra chào đón đoàn quân chiến thắng.

    Khi đó, mỗi chiến sĩ chúng tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một chiếc "Huy hiệu Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó thực sự là niềm vinh dự và vô cùng tự hào. Chúng tôi ai cũng nâng niu, trân trọng gắn chiếc huy hiệu ấy lên ngực trái, gần trái tim của mình, coi đây là kỷ vật vô giá, gìn giữ suốt đời và truyền lại cho con cháu mai sau”, đồng chí Nguyễn Thụ bồi hồi nhớ lại.

    Tiếp mạch lịch sử, ông kể: “Hành quân về Hà Nội, chúng tôi dừng chân tại Đền Hùng, vinh dự được gặp và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Người khẳng định nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là vô cùng quan trọng, vinh dự và có ý nghĩa chính trị to lớn. Người căn dặn chúng tôi phải luôn cảnh giác, giữ vững bản lĩnh, tinh thần cách mạng và hiểu rõ trách nhiệm của mình trong giai đoạn mới.

    Sáng 10-10-1954, Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ chỉ huy, chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào tiếp quản Thủ đô. Hà Nội như được hồi sinh. Hàng chục vạn người dân từ già tới trẻ tưng bừng đổ ra đường, mặc những trang phục đẹp nhất, mang cờ, hoa, hân hoan tự hào hát vang đón chào đoàn quân chiến thắng. Thời khắc lịch sử huy hoàng năm ấy mãi mãi không thể phai mờ trong trái tim của mỗi người con Hà Nội”.

    Sau 70 năm nhìn lại, những người lính năm xưa như ông Nguyễn Thụ vô cùng tự hào và phấn khởi trước sự đổi thay mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước. Nhân dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc, đời sống ngày một ấm no.

    “Có được niềm vui ngày hôm nay, chúng ta vô cùng biết ơn Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, biết ơn Chủ tịch Hồ Chi Minh vĩ đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Tổng tư lệnh tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam và hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh xương máu vì độc lập của Tổ quốc, làm nên một Hà Nội anh hùng, một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

    Chúng tôi luôn tâm niệm, mình là chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, chiến sĩ Điện Biên năm xưa, là cựu chiến binh sẽ luôn phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ", gương mẫu trong lối sống, chấp hành và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực tham gia các phong trào của địa phương phát động, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, tiến bộ hơn”, đồng chí Nguyễn Thụ chia sẻ.

    Đồng chí Nguyễn Thụ nhắn nhủ tới thanh niên: “Để có cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay, các thế hệ đi trước đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn và hy sinh cả xương máu để giành được độc lập, tự do. Các cháu hãy mãi ghi nhớ lời căn dặn của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu", để từ đó biết trân trọng, nâng niu và ra sức học tập, lao động, cống hiến, quyết tâm giữ vững nền độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

  • 59' trướcXây dựng “Thủ đô ta” trở thành “Thủ đô xã hội chủ nghĩa” hình mẫu trên thế giới

    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, với thế và lực sau 40 năm đổi mới, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đây cũng là thời điểm để định hướng tương lai của chúng ta. Yêu cầu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới đặt ra nhiệm vụ ngày càng cao đối với Hà Nội; “Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phải làm thế nào để xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

    lekyniem.jpg
    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Thái

    Đồng chí Tô Lâm nêu rõ, Đảng, Nhà nước mong muốn Thủ đô Hà Nội tiếp tục nỗ lực hơn nữa để trở thành tấm gương mẫu mực, tiêu biểu, là niềm tự hào của đồng bào và chiến sĩ cả nước như niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc chắn rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn toàn độc lập; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”.

    Gương mẫu, đi đầu thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, trước mắt là tăng tốc, bứt phá thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII; chuẩn bị tốt mọi mặt để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; dốc sức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

    “Tập trung cao độ mọi giải pháp, khơi thông mạnh mẽ nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế; đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, có bản sắc, an ninh, an toàn, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ đạo.

    Đồng chí Tô Lâm yêu cầu phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, sớm trở thành thành phố kết nối toàn cầu, hội nhập sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới; người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển đặc sắc, hài hòa, thật sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, văn minh của nhân loại; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

    Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô thật sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; chính quyền hành động, nền hành chính dân chủ, hiện đại với tinh thần chủ động, sáng tạo. Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đặt lợi ích chung, lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá của con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

    Tăng cường mở rộng hợp tác với thủ đô các nước, đẩy mạnh quảng bá về văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng hình ảnh tốt đẹp về văn hóa, con người Hà Nội với đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài, tiếp tục nâng cao vị thế Thủ đô, đất nước trên trường quốc tế.

    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường 70 năm qua, chúng ta càng thêm tự hào, trân trọng những chiến công, thành tích đã đạt được; càng thấm thía sâu sắc giá trị quý báu không gì sánh được của độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, giá trị của hòa bình và phát triển. Chúng ta tự hào vì có Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng - nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam. Càng thêm vững tin với sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước; vững tin vào sức mạnh từ cội nguồn lịch sử của dân tộc Việt Nam để đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là ý chí và khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của Đảng bộ, nhân dân Thủ đô và đồng bào cả nước; là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với cha ông và muôn đời sau.

    Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, huy động mạnh mẽ sức dân, gắn kết chặt chẽ ý Đảng với lòng dân, nhất định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội sẽ thực hiện thắng lợi căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sớm xây dựng “Thủ đô ta” trở thành “Thủ đô xã hội chủ nghĩa” hình mẫu trên thế giới, góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

  • 1h trướcKết tinh lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự cần cù, tài hoa và sáng tạo

    Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, sau khi được giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần tự lực cánh sinh, lao động cần cù, sáng tạo, Thủ đô Hà Nội tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển. Trong kháng chiến chống Mỹ, là địa bàn trọng điểm thường xuyên bị đế quốc Mỹ tập trung đánh phá ác liệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội thể hiện rõ vai trò đầu tàu gương mẫu, vừa anh dũng chiến đấu, vừa tích cực cùng nhân dân miền Bắc thi đua lao động sản xuất, xây dựng hậu phương lớn, dốc sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Là nơi khởi xướng nhiều phong trào cách mạng “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Ngày thứ Bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt; vì Huế - Sài Gòn kết nghĩa”…, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, lan rộng trên cả nước; phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn, thôi thúc hàng chục vạn thanh niên Thủ đô hăng hái lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với quyết tâm “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

    hn08a.jpg
    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Thái

    Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam tiếp tục được thể hiện sáng rõ với 12 ngày đêm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cùng dân quân, tự vệ và nhân dân Hà Nội và một số địa phương miền Bắc đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân, sử dụng “pháo đài bay B.52” với ý đồ hủy diệt, “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá” của đế quốc Mỹ; làm nên kỳ tích “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vang dội, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; tạo tiền đề quan trọng để quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đây, Hà Nội được đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế ngợi ca, vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

    Đất nước hòa bình, thống nhất, Thủ đô Hà Nội cùng cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới, đi lên chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội cùng với cả nước nỗ lực, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

    Từ một thành phố có quy mô, diện tích, dân số tương đối nhỏ, kết cấu hạ tầng và kinh tế lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề sau giải phóng, Hà Nội ngày nay đã trở thành trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và hội nhập quốc tế; một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới với diện mạo ngày càng văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo, thấm đẫm giá trị văn hóa lịch sử trường tồn của đất Đông Đô - Thăng Long ngàn năm văn hiến. Quy mô kinh tế liên tục tăng, năm 2023 đạt khoảng 54 tỷ USD; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) duy trì ở mức tăng cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Chỉ tính riêng năm 2023, thu ngân sách đạt trên 400 ngàn tỷ đồng, đóng góp 23,4% tổng thu ngân sách Trung ương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và bền vững; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; diện mạo, khoảng cách, trình độ phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn từng bước thu hẹp; quy hoạch đồng bộ, hạ tầng chiến lược có bước phát triển mạnh mẽ. Đời sống người dân không ngừng được nâng cao; năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 6.348 USD, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,03%, trong đó, 19/30 quận, huyện không còn hộ nghèo. Hà Nội luôn là địa phương có chỉ số phát triển con người, quy mô và chất lượng giáo dục - đào tạo đứng đầu cả nước.

    Thủ đô Hà Nội an ninh, an toàn, tràn sức sống có sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong, ngoài nước và các nhà đầu tư quốc tế. Tăng cường liên kết với các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm trong nước; cùng với quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước, quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; Hà Nội tham gia với trách nhiệm cao và đảm nhiệm những cương vị quan trọng tại nhiều diễn đàn quốc tế lớn, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô, của đất nước trên trường quốc tế.

    dai-bieu.jpg
    Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.

    Với những thành tích đặc biệt xuất sắc và đóng góp to lớn trong 70 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 3 Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và các danh hiệu: “Thủ đô Anh hùng”, “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Hà Nội tự hào là thành phố duy nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương được Tổ chức văn hóa giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”; Thủ đô đầu tiên của khu vực Đông Nam Á được UNESCO ghi danh tham gia “Mạng lưới Thành phố sáng tạo” toàn cầu năm 2019.

    “Những thành quả to lớn Hà Nội đạt được đều gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, kết tinh lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự cần cù, tài hoa và sáng tạo, anh dũng và kiên cường trong chiến đấu, lao động, học tập của các thế hệ cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ Thủ đô; sự hợp tác, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương trong cả nước với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” và sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.

  • 1h trướcMinh chứng về sức mạnh dân tộc, tinh thần đoàn kết, khát vọng hòa bình

    Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, trái tim của cả nước, chúng ta long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

    hn08.jpg
    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Thái

    Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi lời chào mừng nồng nhiệt và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới đồng chí, đồng bào và các đại biểu; bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới; của các bậc tiền bối, của hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh; những đóng góp to lớn của Nhân dân, những người đã quên mình trong lao động, sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và Thủ đô thân yêu của chúng ta; mãi mãi ghi nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế, nhân dân thế giới đã dành cho Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.

    Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ, của Trung ương Đảng và Chính phủ, Thủ đô Hà Nội luôn luôn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, gắn liền với những mốc son chói lọi đầy vinh dự, tự hào. Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hà Nội; ngày 19-8-1945, Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi trọn vẹn ở Hà Nội, nhanh chóng lan tỏa đi khắp nơi, cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ nhân dân cả nước nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; mở ra thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Điều 3, Hiến pháp năm 1946 - bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xác định “Thủ đô đặt ở Hà Nội”.

    Trước dã tâm của thực dân Pháp cướp nước ta lần nữa, ngày 19-12-1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “… chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân Hà Nội với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước. Bằng cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc thần thánh, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch để các cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến an toàn rút khỏi Hà Nội. Chín năm kháng chiến trong lòng địch, quân và dân Hà Nội vừa trực tiếp đánh địch, vừa chi viện, chia lửa cho các chiến trường, đặc biệt là chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần cùng toàn dân tộc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử thay đổi cục diện chiến tranh, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn thương lượng và ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.

    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: Chúng ta mãi mãi không bao giờ quên thời khắc lịch sử sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hơn bốn mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức, hân hoan trong rừng cờ hoa, hừng hực khí thế “Trùng trùng quân đi như sóng/lớp lớp đoàn quân kéo về…/ Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/ Cả cuộc đời tươi vui từ đây”, đón mừng đoàn quân chiến thắng, đoàn quân cách mạng, đoàn quân của Bác Hồ trở về. Chiều cùng ngày, hàng vạn người dân cùng với các lực lượng vũ trang đã vui mừng, xúc động, tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ và nghe Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết...”. Người căn dặn: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh…”.

    dai-bieu-vo-tay.jpg

    “Thời khắc lịch sử đó là minh chứng về sức dân tộc, tinh thần đoàn kết, khát vọng hòa bình của nhân dân ta; là mốc son mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước; đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, chấm dứt 9 năm kháng chiến trường kỳ. Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - sạch bóng quân thù; nhân dân ta làm chủ vận mệnh của mình và đất nước, phấn khởi bắt tay xây dựng xã hội mới, xã hội Xã hội chủ nghĩa; mở ra thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng của Thăng Long - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh”, đồng chí Tô Lâm nêu rõ.

  • 1h trướcTổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

    Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (số 1 Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội),

    hn07a.jpg
    Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi lễ chào cờ. Ảnh: Thành Thái
    hn07.jpg
    Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi lễ chào cờ. Ảnh: Thành Thái
    z5914787659904_ac82e4287c339b75d79d2f124fc5ac5a.jpg
    z5914787576636_08131e80ce1f965a1d2e2a41710db841.jpg
    z5914787725136_6413901006a49c6e4920992978ba0792.jpg
    Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ. Ảnh: Thành Thái

    Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, đánh dấu mốc đáng nhớ trên hành trình xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội anh hùng của đất nước Việt Nam anh hùng.

    Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới dự và đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm.

    z5914624495724_4b710d38fb33242a1fda802589bfe5db.jpg
    Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Thái

    Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

    Tới dự còn có các đồng chí Thường trực Ban Bí thư; nguyên Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước tại Việt Nam...

    z5914624488542_29ea70f066984500a2bcda21169850bb.jpg
    Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Thái

    Đại biểu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các thời kỳ; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; lãnh đạo các sở, các quận, huyện, thị xã; đại biểu cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; đại diện Ban liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong; đại biểu văn nghệ sỹ, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô...

  • 1h trướcChương trình nghệ thuật đặc biệt “Thủ đô 70 năm - Bản Hùng ca”

    Lễ kỷ niệm mở đầu bằng chương trình nghệ thuật chào mừng đặc biệt.

    vannghe1.jpg
    Chương trình nghệ thuật đặc biệt.

    Với chủ đề “Thủ đô 70 năm - Bản Hùng ca", chương trình nghệ thuật chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô gồm 3 chương.

    Chương I có chủ đề “Ký ức tự hào”, gồm 5 phân cảnh: “Hà Nội - Những ngày mùa đông 1946”; “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”; “Lá cờ Đảng”; “Người Hà Nội” và “Giải phóng Điện Biên - Tiến về Hà Nội”, tái hiện sống động không khí hào hùng của Thủ đô sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

    Thời điểm Hà Nội trước tháng 12-1946, những vụ khiêu khích của giặc Pháp với các tốp tự vệ thành Hoàng Diệu ngày càng công nhiên. Trong khi đó, những vụ gây rối của phần tử phản động trong và ngoài nước khiến tình hình mỗi lúc một cam go. Tình thế cấp bách buộc Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta không còn lựa chọn nào khác hơn là đứng lên cầm vũ khí chiến đấu, phát động cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ độc lập dân tộc.

    Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chàng trai, cô gái Thủ đô hào hoa, thanh lịch đã bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Nhiều thanh niên, thiếu niên đã anh dũng ngã xuống, giữ trọn vẹn lời thề của người Hà Nội: "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

    Với chủ đề “Khúc tráng ca”, Chương II tái hiện sinh động khí phách, sự kiên cường của quân và dân Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm tháng 12-1972. Tinh thần và khí phách của quân và dân Thủ đô một lần nữa làm lay động trái tim toàn nhân loại. Dưới làn mưa bom, dù mất mát, đau thương nhưng người Hà Nội vẫn điềm tĩnh, dũng cảm, quật cường. Quân dân Thủ đô “hiệp đồng tác chiến” cùng các quân, binh chủng dệt nên lưới đạn phòng không sáng trời, “rồng lửa Thăng Long” vút lên quật đổ pháo đài bay B52.

    z5914449218977_8813c62cd2cb09d36369b595f042b8d3.jpg
    z5914449571925_2d85bfac95f0d91660855888987cbf16.jpg
    z5914449581277_0b6b2593d75a987bff5848dde787025e.jpg
    Tiết mục nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Thái
    z5914449266597_f0f5445fb1677314c0d9b3344e51f437.jpg
    z5914449628635_246e70ddeb7205626bf3f605686c5419.jpg
    Không khí rộn ràng tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Thái
    z5914449844979_a157329a6acb33ceac084af6d70f216d.jpg
    Không khí rộn ràng tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Thái

    Với 3 phân cảnh: “Hà Nội ngày, tháng, năm”; “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và “Bài ca Hà Nội”, Chương II tái hiện sinh động cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân Thủ đô Hà Nội. Qua đó, tái hiện hình ảnh người Hà Nội anh hùng và lãng mạn đã trở thành biểu tượng, lương tri và phẩm giá con người. Hình ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà bên xác máy bay B52 Mỹ là một trong những biểu tượng về Hà Nội trữ tình và chiến thắng của “một thời đạn bom, một thời hòa bình”.

    Chương III có chủ đề “Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển”, tái hiện những giai đoạn phát triển đầy tự hào của Thủ đô xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước đầy kiêu hãnh.

    z5914630608426_3b6e401ead7326889145cd67bcc5e3b9.jpg
    z5914630776560_5d6a8528f3e64d9038658b6c7264099b.jpg
    Tiết mục nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Thái

    Với 3 phân cảnh: “Hà Nội, Niềm tin và Hy vọng”; “Hà Nội - Việt Nam - Khát vọng hòa bình” và “Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi”, Chương III thể hiện mong ước của mỗi người dân Việt Nam đều mang trong tim khát vọng hòa bình, mong ước cuộc sống bình yên, hạnh phúc sẽ trường tồn trên dải đất chữ S thiêng liêng. Cùng cả nước, người Hà Nội ra sức học tập, lao động sản xuất, chiến đấu… cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để cơ đồ đất nước ngày càng phồn vinh, có vị thế lớn trên trường quốc tế. Đồng thời, góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng " Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

  • 2h trước
    hn01.jpg
    Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Thái
    hn04.jpg
    Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài với các đại biểu đến dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Thái
    hn02.jpg
    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Thái
    hn05b.jpg
    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Thái
    hn06.jpg
    Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Thái
    hn06b.jpg
    Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Thái
  • 2h trướcGiáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

    Tới dự lễ kỷ niệm, Trung tá Nguyễn Hồ Phong, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm chia sẻ niềm vinh dự và xúc động được tham dự sự kiện lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Việc thành phố tổ chức sự kiện này rất ý nghĩa để các thế hệ hôm nay – những người đang sống trong hòa bình hiểu được giá trị, những hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước.

    nguyen-ho-phong(1).jpg
    Trung tá Nguyễn Hồ Phong (ngoài cùng bên phải) cùng các hội viên Hội Cựu chiến binh phường Phương Canh.

    "Tham dự sự kiện lịch sử này của Thủ đô, chúng tôi lại nhớ đến “60 ngày đêm khói lửa”, quân và dân Thủ đô viết nên khúc tráng ca hào hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Chúng tôi nhớ rất rõ những khẩu hiệu như “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” – một khẩu hiệu thể hiện rõ tâm huyết của mỗi người dân Thủ đô để có thêm sức mạnh đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

    Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động khó lường như hiện nay, việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ cần tiếp tục được lan tỏa, để chúng ta luôn được sống trong hòa bình, độc lập, tự do như Bác Hồ hằng mong muốn", Trung tá Nguyễn Hồ Phong nói.

    ong-xuong.jpg
    Ông Nguyễn Khắc Xương.

    Ông Nguyễn Khắc Xương cho biết, là một trong những đội viên Đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô, những ngày đầu về tiếp quản Thủ đô, do biết tiếng Pháp, ông được giao nhiệm vụ cùng bộ đội và sĩ quan Pháp đến một số đơn vị, doanh trại, công trình Pháp đóng để nhận bàn giao.

    Nhắn nhủ thế hệ trẻ, ông Xương nói rằng: “Các bạn trẻ cần cố gắng học tập, nỗ lực vươn lên rèn luyện, phấn đấu hết mình như 4 câu thơ Bác Hồ tặng thanh niên “Không có việc gì khó; Chỉ sợ lòng không bền; Đào núi và lấp biển; Quyết chí ắt làm nên””.

  • 2h trướcSự kiện liên quan
  • 2h trướcHà Nội - di sản văn hóa giao thoa với hiện đại và đổi mới

    Chia sẻ cảm nhận nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: "Hà Nội là một ví dụ đầy hấp dẫn về cách mà hơn một nghìn năm di sản văn hóa giao thoa với hiện đại và đổi mới. Trong 70 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã vươn mình phục hồi và giờ đây đang huy động được nguồn lực mạnh mẽ từ thế hệ trẻ tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo, phấn đấu xây dựng một thành phố đáng sống hơn cho mọi người dân.

    ba-pauline-tamesis.jpg
    Bà Pauline Tamesis.

    Nhân dịp này, tôi muốn nhấn mạnh rằng, Liên hợp quốc đã luôn duy trì mối quan hệ đối tác lâu dài và hiệu quả với Thủ đô (Hà Nội), và chúng tôi đã đồng hành cùng thành phố trong quá trình chuyển mình ngoạn mục.

    Với sự tin tưởng và nỗ lực không ngừng nghỉ, quan hệ hợp tác giữa chúng ta đã và sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thành phố".

  • 2h trướcKý ức tháng 10 lịch sử

  • 2h trướcSau 70 năm, Thủ đô phát triển hơn rất nhiều

    Đến dự Lễ kỷ niệm từ sớm, cựu chiến binh Nguyễn Minh Thắng (sinh năm 1936, Sư đoàn 308) cho biết, ông theo cách mạng khi mới 15 tuổi, đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và cùng đoàn quân về tiếp quản Thủ đô từ Ô Cầu Dền.

    ongthang.jpg
    Cựu chiến binh Nguyễn Minh Thắng.

    "Tôi rất xúc động và phấn khởi, bởi lẽ 70 năm mới có ngày trọng đại như thế này. Sau 70 năm, đất nước có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân no ấm, sung túc hơn. Thủ đô phát triển hơn rất nhiều. Ngày đó, chỉ đạp xe 2 tiếng là hết Hà Nội, nhưng bây giờ Hà Nội đã được mở rộng và tươi đẹp".

    Ông Nguyễn Khắc Xương (sinh năm 1933) chia sẻ: “Lúc tôi vào tiếp quản, người dân Hà Nội rất quý chúng tôi, nhưng cuộc sống lúc bấy giờ vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng đúng như Bác Hồ nói, thắng giặc rồi chúng ta sẽ xây dựng đất nước đàng hoàng to đẹp gấp 10, giờ Hà Nội được xây rộng lớn lắm, đẹp lắm. Khu vực nhà tôi ở Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm bây giờ từ vùng ngoại thành đã trở nên khang trang, hiện đại, với rất nhiều nhà cao tầng”.

    Thượng tá Nguyễn Thị Bích Lộc, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) cho biết: "Từ nhiều ngày nay, tôi và nhân dân Thủ đô được sống trong không khí rất đặc biệt của Thủ đô kỷ niệm 70 năm giải phóng. Là một quân nhân, sống ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình – địa bàn trung tâm của Thủ đô, được chứng kiến một Thủ đô qua nhiều năm tháng, từ những ngày gian khó, nay ngày càng phát triển, trở thành “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, mang tầm vóc mới, khiến tôi rưng rưng tự hào.

    9e2d4444455ffc01a54e(1).jpg
    Thượng tá Nguyễn Thị Bích Lộc.

    Đoàn Cựu chiến binh quận Ba Đình tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô có 45 người, trong đó, cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc có 3 người. Quy mô tổ chức hội nghị cấp quốc gia rất hoành tráng, tất cả các khâu đều làm rất chu đáo, tròn trách nhiệm, nên các đại biểu ai nấy đều hân hoan".

    Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng ban đại diện Người cao tuổi huyện Chương Mỹ chia sẻ: "Chúng tôi - lớp người cao tuổi thấy được sự phát triển của Thủ đô qua 70 năm rất tốt, cho thấy sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội.

    Hội Người cao tuổi huyện Chương Mỹ có 46.800 hội viên, ở 544 tổ hội và 32 chi hội. Những năm qua, các hội viên người cao tuổi đã có những đóng góp tích cực vào xây dựng huyện Chương Mỹ nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung, nổi bật là việc người cao tuổi tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Hiện chúng tôi có 132 hội viên là bí thư chi bộ, hơn 80 hội viên là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; rất nhiều hội viên là tổ trưởng, tổ phó dân phố, trưởng thôn…

    Có thể nói, người cao tuổi phát huy rất tốt vai trò của mình trong việc xây dựng huyện Chương Mỹ, xây dựng Thủ đô. Ngay trong năm 2024, chúng tôi đã phát động phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, qua đó, nhiều hội viên tích cực tham gia Hội thao người cao tuổi của huyện Chương Mỹ và Ngày hội văn hóa thể thao người cao tuổi của thành phố".

  • 2h trướcTự hào là người con của Thủ đô

    Chia sẻ trước khi lễ kỷ niệm chính thức diễn ra, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: Hôm nay, đoàn đại biểu quận Hai Bà Trưng gồm 100 người tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ngay trong sáng nay, trước khi đến tham dự sự kiện này, quận Hai Bà Trưng đã dâng hoa tại Chiến lũy Ô Cầu Dền nhân sự kiện trọng đại của Thủ đô.

    t1.jpg
    Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền.

    Thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, quận Hai Bà Trưng đã tập trung chỉ đạo các đơn vị tổ chức các phong trào thi đua, gắn biển các công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của quận trong năm 2024.

    Trong dịp này, quận tổ chức đợt tuyên truyền, cổ động trực quan, trang trí làm đẹp trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền, trường học, các đơn vị và các trục đường chính trên địa bàn quận với số lượng hàng nghìn cờ Đảng, cờ Tổ quốc, hồng kỳ; hơn 800 banner, hàng trăm phướn lớn, pano tại các khu dân cư, cầu vượt, khu vực trung tâm để tuyên truyền cổ động trực quan, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày hội trong mọi tầng lớp nhân dân.

    Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Đặc biệt, quận tổ chức lễ gắn biển các công trình: Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, dự án chỉnh trang đồng bộ xung quanh hồ Thiền Quang và công trình Dự án Vườn hoa Thi Sách (cấp quận)... Đồng thời, tổ chức thăm và tặng quà gia đình người có công.

    “Chúng tôi rất tự hào là người con của Thủ đô được tham dự sự kiện đặc biệt này. Chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp phần mình để Thủ đô ngày càng phát triển văn minh, hiện đại và hội nhập quốc tế”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ.

    Còn Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, năm nay bà tròn 65 năm tuổi, may mắn được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, cống hiến cho Thủ đô đến tận giờ phút này trên nhiều cương vị khác nhau, bà rất tự hào về Hà Nội và mong muốn Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, văn hiến.

    nguyen-thi-minh-ngoc(1).jpg
    Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh.

    "Là Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố, tôi đặc biệt quan tâm đến chất lượng giáo dục của Thủ đô. Hiện nay, hệ thống trường lớp của thành phố đã cơ bản đầy đủ, theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa. Trong đó, thành phố chú trọng cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn với thành tích đứng đầu trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

    Tuy nhiên tôi cho rằng, chúng ta không nên bằng lòng với kết quả đó. Trong xu thế hội nhập hiện nay, để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi sự đóng góp rất lớn của ngành Giáo dục. Vì thế, thành phố cần thêm sự đầu tư thỏa đáng cả về vật chất lẫn con người. Trong đó, cần chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, cập nhật được xu thế của quốc tế, qua đó để giáo dục học sinh một cách toàn diện hơn", bà chia sẻ.

    Đại đức Thích Chánh Thuần (Chùa Cao Xá, Thường Tín) bày tỏ:
    "Tôi thấy rất tự hào trước thành quả của dân tộc 70 năm qua. Tự hào về Thủ đô, thế hệ ngày hôm nay cần có trách nhiệm phấn đấu, tu dưỡng để xây dựng Thủ đô, xây dựng đất nước Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới, không phụ sự hy sinh to lớn của bao thế hệ cha anh đã đổ xuống giành độc lập, tự do cho dân tộc, cũng như giải phóng Thủ đô.

    6a5391984482fddca493(1).jpg
    Đại đức Thích Chánh Thuần.

    Với góc độ là nhà tu hành, tôi thấy rằng cần nêu cao tinh thần đạo pháp của dân tộc, đạo pháp gắn liền dân tộc; phát huy giá trị Phật giáo kết hợp với giá trị dân tộc, đặc biệt là với giá trị của Thủ đô ngàn năm văn hiến, cùng góp sức xây dựng Thủ đô thực sự văn minh, giàu đẹp, phát triển”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.