Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về với miền di sản văn hóa Mê Linh

Nguyễn Mai| 20/08/2022 06:31

(HNM) - Huyện Mê Linh - vùng đất cổ “địa linh, nhân kiệt” là quê hương của Hai Bà Trưng (hai nữ Anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị) cũng là nơi Hai Bà xưng Vương, lập đô sau khi đánh tan giặc ngoại xâm những năm đầu Công nguyên (40-43). Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhiều di sản vẫn hiện hữu trong dòng chảy văn hóa bất tận của miền đất lịch sử này và trở thành điểm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh của đông đảo khách thập phương...

Đền thờ Hai Bà Trưng (xã Mê Linh, huyện Mê Linh). Ảnh: Minh Khánh

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh

Nằm trên gò đất cao, rộng, thoáng giữa cánh đồng, nhìn ra đê sông Hồng, Đền thờ Hai Bà Trưng (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) không chỉ là nơi thờ tự với nhiều di vật quý, nơi ghi nhớ công đức của Hai Bà, mà còn là nơi lưu dấu linh thiêng về hai vị nữ Anh hùng thời thơ ấu, bình sinh và quá trình chuẩn bị khởi nghĩa hồi đầu Công nguyên.

Hai Bà đã có công đánh đuổi giặc Đông Hán ra khỏi bờ cõi nước ta, giành lại độc lập, chủ quyền cho đất nước, lập nên vương triều, lấy tên nước là Lĩnh Nam, đóng đô tại Mê Linh vào những năm 40-43. Tưởng nhớ công ơn của liệt nữ anh hùng, người dân nhiều địa phương nước ta đã lập đền thờ Hai Bà và các tướng lĩnh. Đền thờ Hai Bà tại quê hương thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh được xây dựng trên vùng đất đắc địa, ngay chính nơi Hai Bà sinh ra, lớn lên, tế cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô.

Theo sử cũ, ban đầu, ngôi đền được dựng bằng tre lá. Đến thời Đinh (968-980), đền được xây lại bằng gạch và lợp ngói. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, giai đoạn 1881-1889, đền được trùng tu lớn và đổi hướng lại như ban đầu cho đến ngày nay. Đến năm 2003, đền tiếp tục được trùng tu, tôn tạo, mở rộng thành “Khu di tích lịch sử Đền thờ Hai Bà Trưng Mê Linh”. Sau đợt đại trùng tu này, ngôi đền có quy mô thuộc hàng đầu trong số di tích của cả nước, xứng đáng với công lao vĩ đại của Hai Bà đối với dân tộc Việt Nam. Năm 2013, khu di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Theo lời giới thiệu của Trưởng ban Quản lý di tích Đền Hai Bà Trưng Nguyễn Ngọc Liêm, khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng hiện nay với không gian bảo tồn cùng diện tích chuyên biệt xấp xỉ 13ha, chia thành 2 khu: Nội vi và ngoại vi. Theo thuyết phong thủy, khu đất này có hình dáng giống con voi trắng đang uống nước, tức là “bạch tượng yển hồ”. Ngay trong sân đền, không biết từ bao giờ tồn tại hồ nước đầy ăm ắp, bờ hồ cong mềm mại, gọi là hồ Mắt Voi.

Đền thờ Hai Bà Trưng ở huyện Mê Linh mang nhiều ý nghĩa lịch sử và tâm linh sâu sắc. Chị Đặng Thị Út, hướng dẫn viên Đền Hai Bà Trưng chia sẻ, linh thiêng hơn cả là khu nội vi với diện tích hơn 4ha dành cho phần lễ. Nơi đây gồm 5 ngôi đền thờ cùng các di tích và công trình cảnh quan phụ trợ. Ngôi đền chính - tam tòa chính điện ở giữa thờ Hai Bà Trưng; bên tả là đền thờ ông Thi Sách - chồng bà Trưng Trắc và thân phụ mẫu ông Thi Sách cùng các nam tướng tham gia cuộc khởi nghĩa; bên hữu là đền thờ thân phụ mẫu, sư phụ mẫu của Hai Bà và đền thờ các nữ tướng tham gia cuộc khởi nghĩa.

Cùng với Đền thờ Hai Bà Trưng, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, mỗi tên đất, tên sông, tên làng của huyện đều gắn với những kỳ tích dựng nước, giữ nước của dân tộc. Hơn 160 di tích lớn nhỏ phong phú, đa dạng, có từ đầu Công nguyên đến thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn thờ các vị có công dựng nước, các bậc anh hùng chống ngoại xâm, danh nhân văn hóa..., tạo thành khối di sản văn hóa lớn cần được bảo tồn, phát huy.

Không chỉ thế, dưới lòng đất Mê Linh còn chứa đựng bao điều bí ẩn, bất ngờ về nền văn hóa, văn minh qua các di chỉ khảo cổ học, như: Thành cổ (Đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh), thành Dền (xã Tự Lập), thành Vượn (xã Tam Đồng) cùng hàng chục kiến trúc mỹ thuật, đình, chùa, đền, miếu, lăng, nghè… được Nhà nước xếp hạng di tích cần quản lý, bảo vệ.

Giữ mạch nguồn chảy mãi

Đền Hai Bà Trưng là chứng tích cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc ta từ gần 2.000 năm về trước. Trong thời đại Hồ Chí Minh, Đền thờ Hai Bà Trưng trở thành nơi chở che, đi về, hội họp của các đồng chí lãnh đạo tiền bối Đảng ta, như: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo... Qua tiến trình này để thấy, mạch nguồn yêu nước luôn chảy mãi qua hàng nghìn năm lịch sử tại di tích cổ kính này.

Khẳng định truyền thống hào hùng thôi thúc các thế hệ tiếp tục khơi nguồn sức mạnh nội sinh, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mê Linh lần thứ XI, huyện đang triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển du lịch, trong đó chú trọng du lịch văn hóa tâm linh…”. Một trong những nội dung nổi bật là quy hoạch tổng thể, tập trung đầu tư, chỉnh trang, tôn tạo các di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Ví dụ, quần thể đền Hồ Đề (thời Đề Nương công chúa tại địa phận làng Đông Cao, xã Tráng Việt), hành cung thiết triều ở xứ Đầu Voi…

“Mong muốn của chúng tôi là người dân cả nước biết đến và tự hào về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng - hai vị nữ vương dựng xây nền độc lập dân tộc từ những năm đầu tiên sau Công nguyên”, ông Lê Văn Khương nói.

Nói về tiềm năng phát triển du lịch, Trưởng ban Quản lý di tích đền Hai Bà Trưng Nguyễn Ngọc Liêm thông tin: “Trung bình mỗi năm, khu di tích đón từ 120 đến 160 nghìn lượt khách. Thời gian tới, chúng tôi liên kết với đơn vị lữ hành xây dựng các tuyến du lịch kết nối nhiều điểm đến trong huyện, như: Du lịch sinh thái gắn liền với Đồi 79 Mùa Xuân - nơi thờ Bác Hồ với khung cảnh đồi thông cùng dịch vụ dã ngoại kết hợp nghỉ dưỡng cuối tuần; du lịch nông nghiệp, trải nghiệm trên cơ sở phát huy giá trị làng nghề trồng hoa truyền thống tại các xã: Mê Linh, Đại Thịnh...; hình thành các nhà vườn trồng và nhân cấy giống hoa kết hợp tham quan, trải nghiệm cánh đồng trồng rau, củ, quả sạch tại xã Tráng Việt…”.

Nặng lòng với vùng di sản thiêng liêng của quê hương, Phó Chủ tịch UBND xã Mê Linh Nguyễn Viết Minh chia sẻ, với người dân Mê Linh, Hai Bà Trưng như điểm tựa tâm linh. Hằng năm, lễ hội Đền thờ Hai Bà được tổ chức từ ngày mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng (âm lịch). Để chuẩn bị cho lễ hội, chính quyền, các đoàn thể và người dân cùng tham gia. Với lợi thế gần trung tâm Thủ đô và có hơn 100 nhà vườn trồng hoa, Mê Linh không chỉ là vùng đất thiêng mà còn luôn rực rỡ sắc màu tươi mới thu hút đông đảo khách du lịch. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch chính là cách để Mê Linh gìn giữ những nét đẹp truyền thống một cách bền vững và thêm điều kiện phát triển kinh tế nông thôn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Về với miền di sản văn hóa Mê Linh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.