Du lịch

Lực đẩy cho du lịch Mê Linh

Bảo Khánh 27/08/2023 - 07:09

Huyện Mê Linh là cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, là vùng đất cổ có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử gắn liền với thời đại các vua Hùng dựng nước cùng tên tuổi hai vị nữ tướng - anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị.

Hệ thống di sản văn hóa cùng tiềm năng du lịch nông nghiệp, sinh thái, nghỉ dưỡng là tiền đề góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.

ml(1).jpg
Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng - một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của Mê Linh. Ảnh: Hồ Hạ

Kho báu ngàn đời

Về với Mê Linh, du khách ít nhiều cảm nhận được ý chí quật cường của Hai Bà Trưng - hai vị nữ tướng đã sinh ra và lớn lên, phất cờ khởi nghĩa và xưng vương, định đô ở vùng đất này vào những năm đầu Công nguyên.

Ngày nay, tại Mê Linh còn hiện diện hệ thống di tích dày đặc về Hai Bà Trưng như khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng, bao gồm các công trình di tích thờ Hai Bà cùng thân quyến và các tướng lĩnh; đền Ả Lự Minh Vương thờ các nữ tướng giỏi của Hai Bà; đền thờ nữ tướng, phó Nguyên soái Hồ Đề...

Trong tâm thức của người dân Mê Linh, các di tích lịch sử - văn hóa chính là một phần “linh hồn” của quê hương. Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 161 di tích, trong đó có 79 di tích đã được xếp hạng, gồm: 1 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp quốc gia và 53 di tích cấp thành phố, trong đó có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như đồi 79 Mùa xuân - nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đình Hạ Lôi, chùa Trung Hậu, đình Bạch Trữ... cùng các di tích cách mạng như Nhà máy In Tiến Bộ, bốt Mai Khê.

Về di sản văn hóa phi vật thể, Mê Linh được biết tới là quê hương của điệu chèo Xa Mạc, hội vật làng Chi Đông và đặc biệt là các làng nghề truyền thống như: Làng nghề đan lát thôn Nam Cường (xã Tam Đồng), Làng nghề làm giò đỗ thôn Phú Mỹ (xã Tự Lập), Làng nghề làm bánh đa nem thôn Trung Hà (xã Tiến Thịnh).

Mê Linh còn có cả một “kho báu ngầm” dưới lòng đất, đó là di chỉ khảo cổ học thành Dền (xã Tự Lập). Ngoài những hiện vật đồ đồng, đồ đá, đồ gốm..., các nhà khoa học còn tìm thấy hàng trăm cục sỉ đồng và khuôn đúc, cho thấy nơi đây xa xưa từng là một trung tâm luyện đúc đồng quan trọng. Đây chính là những kho báu di sản tạo nên nét đặc trưng của Mê Linh.

Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh

Không chỉ sở hữu thế mạnh về di sản, vùng đất Mê Linh còn được gắn với thương hiệu “vựa hoa phía Bắc”. Mê Linh có hàng trăm hecta đất trồng đủ loại hoa truyền thống và ngoại nhập, làm nên hình ảnh một vùng đất trù phú. Nhiều làng nghề nay đã khẳng định được vị thế và uy tín như Làng nghề trồng hoa hồng thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh), Làng nghề trồng hoa cúc thôn Đại Bái (xã Đại Thịnh), Làng nghề trồng hoa - cây cảnh Văn Quán (xã Văn Khê)...

Thăm nhà vườn của ông Phạm Đức Tài ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh), ông Đào Mạnh Tiến, du khách đến từ quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: “Chỉ những người có tay nghề cao, óc thẩm mỹ tốt mới có thể lai ghép các giống hoa để tạo nên những cây hồng bonsai nhiều màu sắc đặc biệt như vậy. Gia đình tôi có đam mê đặc biệt với hoa hồng nên thường về Mê Linh với mục đích kết hợp nghỉ ngơi cuối tuần với du lịch tâm linh và tham quan, mua sắm cây cảnh”.

Việc phát triển các loại hình du lịch thế mạnh như du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nông nghiệp trải nghiệm, tham quan làng nghề; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với du lịch MICE... là những sản phẩm được Mê Linh chú trọng phát triển.

Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng VH-TT huyện Mê Linh Trần Thị Lan, Mê Linh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí xứng đáng trong cơ cấu kinh tế của huyện với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường và là một trong những điểm đến hấp dẫn của Thủ đô cũng như cả nước.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Lan, để đạt mục tiêu trên, trước mắt, huyện tập trung khắc phục một số bất cập. Hiện nay, Mê Linh mới có trên 40 cơ sở lưu trú và 1 khách sạn với 114 buồng, trong đó chưa có cơ sở nào được thẩm định đạt tiêu chuẩn và hạng sao; quy mô của hệ thống cơ sở lưu trú bình quân chỉ từ 3 - 5 phòng/cơ sở nên chưa thể thu hút khách lưu trú nhiều ngày.

Phát huy tiềm năng, lợi thế từ kho báu di sản văn hóa cùng nguồn tài nguyên nhân văn và tự nhiên để xây dựng các sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn du khách, theo bà Lan, thời gian tới, Mê Linh sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh với trọng tâm là Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, chùa Trung Hậu, Đồi 79 Mùa xuân... Về sản phẩm du lịch nông nghiệp trải nghiệm, tham quan làng nghề, huyện sẽ xây dựng các vùng trồng hoa, cây cảnh có quy mô 20ha trở lên; đăng ký thương hiệu “Hoa Mê Linh” cho từng vùng chuyên canh.

Bên cạnh đó, huyện tập trung xây dựng chuỗi nhà vườn trồng, nhân cấy và trưng bày các giống hoa công nghệ cao nhằm thu hút du khách tham quan, mua sắm. Đặc biệt, huyện cũng sẽ phối hợp xây dựng các tour, tuyến kết nối điểm du lịch với các huyện Đông Anh, Sóc Sơn nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thu hút khách. Đây được cho là lực đẩy nhằm giải phóng tiềm năng du lịch của Mê Linh trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lực đẩy cho du lịch Mê Linh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.