Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vệ tinh NanoDragon chuẩn bị được phóng lên quỹ đạo

Thu Hằng| 30/09/2021 17:43

(HNMO) - Dự kiến, vào khoảng 7h48 đến 7h59 ngày 1-10-2021 theo giờ Việt Nam, vệ tinh NanoDragon “Made in Vietnam” sẽ được phóng lên không gian bằng tên lửa Epsilon 5 từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima, phía Nam Nhật Bản.

Vị trí vệ tinh NanoDragon của Việt Nam gắn trên tên lửa Epsilon số 5 của Nhật Bản.

Trước đó, Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã thông báo lịch phóng tên lửa Epsilon 5 mang theo 9 vệ tinh lên quỹ đạo, trong đó có vệ tinh NanoDragon của Việt Nam. Thời gian phóng dự kiến khoảng 9h48 - 9h59 giờ Nhật Bản (7h48 - 7h59 giờ Việt Nam) ngày 1-10. Thời gian phóng dự bị từ ngày 2-10 đến 30-11.

NanoDragon dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560km. Vệ tinh có hai thiết bị nhiệm vụ: Thứ nhất là AIS (Automatically Identification System) - hệ thống nhận và phát tín hiệu để truyền vị trí, tốc độ, hướng đi cùng với một số thông tin cố định khác như: Tên tàu, số nhận dạng (ID), kích thước và chi tiết chuyến đi… Hệ thống sẽ tự động trao đổi dữ liệu với các tàu ở gần cũng như các trạm cố định và vệ tinh.

Vệ tinh NanoDragon.

AIS vốn được dùng để giúp các tàu biển tránh va chạm cũng như giúp các cơ quan chức năng thuộc cảng biển kiểm soát lưu lượng ra vào cảng tốt hơn. Kết quả của nhiệm vụ này sẽ là một minh chứng rõ ràng về khả năng sử dụng chùm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano trong thu nhận tín hiệu AIS của tàu biển.

Thứ hai là thiết bị chụp ảnh quang học. Thiết bị này tương tự như một máy ảnh chuyên dụng, trong quá trình chụp ảnh, thiết bị có thể điều khiển được các thông số về khẩu độ, tốc độ, iso… và vị trí vệ tinh cần chụp theo lệnh điều khiển từ trạm điều khiển mặt đất. Kết quả sẽ được gửi về trạm mặt đất nhằm xác minh chất lượng của phân hệ điều khiển và xác định tư thế vệ tinh (ADCS) thông qua thực nghiệm. Nếu vệ tinh hoạt động thành công trên vũ trụ, sẽ mở ra một hướng đi mới cho ngành công nghệ chế tạo vệ tinh ở Việt Nam.

“Chúng tôi hướng việc phát triển công nghệ chùm vệ tinh siêu nhỏ phục vụ nhận dạng tự động tàu thủy trên biển, một hướng đi đang được thử nghiệm và triển khai thành công trên thế giới. Dữ liệu từ hoạt động của chùm vệ tinh có thể phục vụ công tác quản lý, giám sát hoạt động tàu biển” - Tiến sĩ Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết.

Trạm mặt đất của Việt Nam tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Khu công nghệ cao Hòa Lạc).

NanoDragon là vệ tinh thứ ba của Việt Nam được phóng lên vũ trụ. Trước đó, các kỹ sư thiết kế vệ tinh của Việt Nam tích lũy được kinh nghiệm đáng kể qua việc chế tạo hai vệ tinh khác là PicoDragon (2013) và MicroDragon (2019). Các vệ tinh nước ta đang sở hữu đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng thông qua các ứng dụng được triển khai trên nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, quy hoạch và quản lý đô thị, quản lý khu vực ven biển, ứng phó với sự cố…

Bạn đọc có thể theo dõi trực tiếp buổi phóng vệ tinh theo đường tại đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vệ tinh NanoDragon chuẩn bị được phóng lên quỹ đạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.