(HNM) - Thế giới của côn trùng gắn với những cánh đồng, vạt cỏ, đầm lầy… tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Hà Nội) đang thu hút nhiều thế hệ say sưa bước vào khám phá, đủ để ngạc nhiên rằng cuộc hòa nhịp giữa văn chương và hội họa vẫn đẹp đẽ, ngập tràn cảm hứng. Thì ra, có nhiều người đang tiếp tục sáng tác về thế giới mà nhà văn Tô Hoài mở ra hơn bảy mươi năm trước.
Họa sĩ Tạ Huy Long khiến mọi người ngưỡng mộ về sức sáng tạo từ kiệt tác văn học thiếu nhi “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Bắt đầu khoảng 10 năm trước, họa sĩ Tạ Huy Long nhận lời vẽ minh họa cho ấn phẩm này của Nhà Xuất bản Kim Đồng. Thế giới đồng nội cuốn hút đến mức lúc nào anh cũng nghĩ và muốn vẽ về nó. Biết bao nhiêu bức tranh, bản vẽ không chỉ về riêng chú dế mèn dũng mãnh mà cả không gian đầm lầy, cây cỏ, các loài côn trùng được tái hiện theo năm tháng.
Ban đầu, Tạ Huy Long vẽ theo kiểu phối 3D, sử dụng màu nước. Những bức vẽ khá sinh động, ăm ắp thông tin về vùng bến bãi, đầm lầy, sông nước ấy được đưa vào trong ấn phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” xuất bản năm 2007. Sau này, anh tham gia vào một trại sáng tác truyện tranh ở Đan Mạch và hình thành ý tưởng thực hiện một cuốn truyện về ước mơ bay cao, bay xa của con người. Năm 2012, anh cho ra mắt truyện tranh “Cửa sổ”. Thế giới dế mèn vẫn in dấu trong sáng tác này với hình ảnh con vật khổng lồ đưa một cậu bé thoát khỏi căn nhà nhỏ, bay đi khám phá thế giới xung quanh. Năm 2017, họa sĩ Tạ Huy Long trở lại vẽ minh họa thế giới dế mèn theo hơi hướng tranh in khắc.
Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận xét: “Đã có nhiều họa sĩ vẽ minh họa và sáng tác tranh từ “Dế mèn phiêu lưu ký” như Ngô Mạnh Lân, Trương Qua, Thành Chương, Đậu Thị Ngọc Vinh… nhưng Tạ Huy Long không bị áp lực. Có lẽ bởi anh không bắt hội họa “chạy” theo văn học mà chỉ lấy đó làm cảm hứng để phát triển ý tưởng của mình”.
Tiếp tục, đầu năm 2018, họa sĩ Tạ Huy Long cùng đồng nghiệp tại Nhà Xuất bản Kim Đồng là họa sĩ Vũ Xuân Hoàn tạo nên một thế giới côn trùng bằng nghệ thuật điêu khắc chất liệu da, cây tầm vông, kim loại, gương kết hợp với video art, sắp đặt, mô hình tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng: “Các nghệ sĩ đã khuếch đại cái vi giới trong truyện lên, như cách ta đặt côn trùng vào kính hiển vi, nhưng đây là cái kính nhân văn, soi xét nhân tính và quan hệ con người với tự nhiên qua cây cỏ, côn trùng”. Bởi thế, người xem bước vào không gian triển lãm tưởng như mình lạc trong thế giới của côn trùng, được chạm vào từng con chuồn chuồn, bọ ngựa, châu chấu voi, xiến tóc, dế trũi, ếch… và đặc biệt là chú dế mèn khổng lồ dài 15m, cao 4,5m thật sống động, gần gũi. Tác phẩm thiếu nhi ra đời từ hơn 70 năm trước càng được nhắc đến nhiều hơn.
Qua cuộc trưng bày này, cùng với câu chuyện về chặng đường sáng tác của họa sĩ Tạ Huy Long, là câu trả lời thỏa đáng: “Công nghệ liên tục thay đổi, nhận thức, trạng thái, cảm xúc của mỗi người cũng thay đổi theo thời gian, vì vậy, sáng tác của chúng ta không thể đứng yên mãi”.
Có thể bây giờ họa sĩ Tạ Huy Long chưa biết mình sẽ tiếp tục sáng tác về dế mèn theo cách thức như thế nào, nhưng bằng tình yêu mến tác phẩm và sự gắn bó với thế giới do nhà văn Tô Hoài tạo ra trên trang giấy, trong tương lai, chắc chắn, anh sẽ tiếp tục đem đến những bất ngờ. Không chỉ họa sĩ Tạ Huy Long mà nhiều họa sĩ khác, đặc biệt là thế hệ đi sau, nếu đã yêu mến, say sưa thì cứ mạnh dạn vẽ tiếp về thế giới của dế mèn, để tác phẩm được sống với nhiều hình thức, để chứng minh cuộc gặp gỡ của văn chương và hội họa không có giới hạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.