Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vé tàu Tết Ất Mùi 2015: "Cò vé" công khai hoạt động

Hà Tuấn - Tiến Thành| 16/12/2014 06:14

(HNM) - Trước những gì đang diễn ra, lãnh đạo Ga Sài Gòn phải thừa nhận, hiện tượng đầu cơ vé và

“Cò vé” lộng hành ở Ga Sài Gòn.


Đầu cơ vé khắp nơi

Thoạt nhìn thì có vẻ như quy trình bán vé điện tử nhằm tránh hiện tượng đầu cơ của ngành đường sắt được kiểm soát khá chặt chẽ. Cụ thể, khi truy cập vào mạng, hành khách sẽ phải làm thủ tục đăng ký và tự in ra phiếu đăng ký đặt chỗ, trong đó có hẹn thời gian đến Ga Sài Gòn trả tiền và nhận vé. Sau khi đặt chỗ thành công trên mạng, hành khách ghi lại những thông tin mà Ga đã xác nhận rồi đến Ngân hàng VietinBank để thanh toán, hoặc thanh toán qua thẻ ATM. Trong những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ về việc đầu cơ vé, Ga có thể yêu cầu người đi nhận vé phải xuất trình giấy tờ của người đặt chỗ. Nếu phát hiện, sẽ hủy toàn bộ số phiếu đặt chỗ của hành khách vi phạm trước đó, đồng thời khóa tài khoản đã đăng ký.

Thế nhưng, thực tế, theo ghi nhận của phóng viên chiều 15-12 tại đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) và Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), nhiều đại lý bán vé tàu vẫn đầu cơ được vé tàu Tết Ất Mùi 2015. Một đại lý trên đường Cộng Hòa cho biết, vé đi ngày cao điểm có hầu khắp các chặng, tuy nhiên chênh lệch giá dao động từ 200 nghìn đến 300 nghìn đồng/vé. Khi chúng tôi thắc mắc làm sao có vé và đúng tên lẫn số CMND thì đại lý này quả quyết, cứ đặt cọc từ 50 đến 100 nghìn đồng/vé, chắc chắn một ngày sau sẽ có vé hợp lệ. Tương tự, nhiều đại lý khác cũng "mạnh miệng" khẳng định 100% sẽ có vé tàu về tết.

Trao đổi với Báo Hànộimới, lãnh đạo Ga Sài Gòn cho hay, khác với mọi năm, ngành đường sắt đã minh bạch tất cả các vé trên hệ thống điện tử và thực tế phần mềm quản lý vé cũng do Tập đoàn FPT kiểm soát. Thế nhưng, bất cập ở chỗ, có hàng trăm đại lý bán vé tàu Tết (dạng tự do) vẫn vô tư vào mạng đặt vé. "Theo quy định, một tài khoản có thể đăng ký mua 4 vé nên các đại lý này canh liên tục trên mạng để đặt được càng nhiều vé càng tốt. Để đối phó với quy định vé phải trùng với tên tuổi và số CMND người đi tàu, các đại lý sẽ thu tiền đặt cọc và yêu cầu khách khai báo tên tuổi, CMND… Chính vì vậy các đại lý mới đầu cơ được", lãnh đạo Ga Sài Gòn lý giải. Đáng lo ngại hơn, nhiều đại lý mạo hiểm bằng cách khai tên và số CMND bừa trên tài khoản để bán cho hành khách có nhu cầu, dẫn tới tình trạng khách mặc dù có vé nhưng không trùng CMND, theo quy định sẽ không thể lên tàu…

“Cò vé” rao bán vé ngay cổng Ga Sài Gòn.


"Cò vé" vây nhà ga

Không chỉ có tình trạng đầu cơ vé, mà tại khu vực xung quanh cổng Ga Sài Gòn các đội "cò vé" vẫn hoạt động rầm rộ, thậm chí một số đối tượng ngang nhiên vào khu vực bên trong ga chèo kéo hành khách mua vé. Khi chúng tôi vừa xuất hiện tại cửa ga, lập tức có hàng chục "cò" vẫy gọi, thậm chí chặn đầu xe chèo kéo. Trên một đoạn đường ngắn hơn 50 mét, chúng tôi đếm được hơn 20 "cò" đang chầu chực.

Trong vai hành khách đi mua vé không thành công, chúng tôi vừa ra khỏi phòng vé thì ngay lập tức một người phụ nữ xưng tên là Hoa chạy tới mời chào: “Mua vé đi em? Em muốn vé nào cũng có, chỉ 10 phút thôi". Chúng tôi đề nghị mua đôi vé khứ hồi, ghế ngồi mềm, có điều hòa, chặng Sài Gòn - Thanh Hóa - Sài Gòn, loại tàu SE đi ngày 28 Tết. Mặt hớn hở, "cò" này đáp: "Đi ngày cao điểm, mỗi vé tăng 300 nghìn đồng so với giá gốc, nếu đồng ý thì đặt cọc 200 nghìn đồng". Lấy cớ giá vé quá cao, chúng tôi từ chối "cò" Hoa và vừa đi được gần chục mét thì một "cò" nữ khác, dáng thấp đậm, da ngăm đen, nhanh chân chạy tới "quảng cáo" đã làm hơn 20 năm trong nghề, nhà lại ở khu vực ga nên biết hết nhân viên ga, thậm chí đưa cả số điện thoại tạo niềm tin (01689.590…). Sau đó, "cò" này tự giới thiệu tên Lài và nói sẽ lấy với giá chỉ cao hơn so với ngày cao điểm 250 nghìn đồng/vé, đi chặng nào cũng có. "Cò" này khẳng định, vé là "chính hãng" 100%, nếu không tin có thể vào ga xác minh!

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ga Sài Gòn cảnh báo, người dân không nên tin lời của "cò" hay mua vé ngoài "chợ đen" vì rất dễ gặp phải vé giả, vé tẩy xóa, sửa chữa và thực tế đã có không ít hành khách rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" này.

Lãnh đạo Ga Sài Gòn cho biết, đã có hơn 200 trường hợp hành khách mua vé tàu thành công trên mạng nhưng khi ra ga nhận vé lại không có. Nguyên nhân có thể do hành khách chuyển đổi phương thức thanh toán từ online sang hình thức qua ngân hàng, trong thời gian này quy định thao tác chỉ 10 phút (cho một hình thức) nhưng có thể hành khách đã thực hiện quá số giờ trên nên tài khoản hai bên chưa xác nhận thanh toán; hoặc bị các đối tượng xấu truy cập bất hợp pháp vào hệ thống hủy chỗ của hành khách. Tất cả các trường hợp này đã được ngành đường sắt và FPT khắc phục, bảo đảm quyền lợi.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vé tàu Tết Ất Mùi 2015: "Cò vé" công khai hoạt động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.