Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về Phước Tích: Đâu rồi hương xưa, làng cổ

Minh Ngọc| 11/04/2012 07:25

(HNM) - Về Phước Tích, ngôi làng cổ thứ hai của Việt Nam thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) dự Lễ hội


Nhà cổ xuống cấp

Khác hẳn với không khí tấp nập của lễ hội đầu làng, những ngôi nhà rường được ví von như linh hồn của làng cổ Phước Tích mang vẻ thâm u, trống trải đến khó tả.

Nhà rường ở làng cổ Phước Tích. Ảnh: Bùi Oanh


Nhìn ngôi nhà đã sụt mái, một phần bờ tường sụp đổ, cửa, rui, mè đã hư hỏng phần lớn, ông Lương Thanh Phong tiếc nuối về một thời hào quang của ngôi nhà. Ông Phong cho biết, ngôi nhà rường của gia đình ông cổ nhất ở Phước Tích, nhiều khách du lịch đến thăm và các cơ quan đã có nhiều cuộc họp bàn tìm cách cứu ngôi nhà này cũng như nhiều nhà rường khác trong làng. Sau những cuộc họp bàn đó, ngôi nhà của gia đình ông được xếp vào danh sách tu bổ với kinh phí 400 triệu đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia. Để được trùng tu, gia đình ông phải góp 30% vốn đối ứng, tương đương với 120 triệu đồng, số tiền này quá lớn so với thu nhập của một giáo viên nên ông Phong đành ngậm ngùi để cơ hội vuột khỏi tầm tay. Tương tự, nhà của cụ Héng phải phủ ni lông lên mái để chống chọi với mưa nắng. Bên trong, đòn tay, kèo chống mái nhà cũng đã mục khiến cụ Héng phải nhờ người dùng các thanh gỗ tạp "băng bó" khắp nơi. "Hễ mưa là nước thấm vào khắp bốn bên tường nhà" - cụ Héng nói.

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa cho hay, hiện Phước Tích có 36 ngôi nhà rường cổ, trong đó có 12 ngôi nhà thờ họ và 24 nhà ở của dân, đều có tuổi thọ trên 100 năm, tạo nên quần thể di tích kiến trúc gỗ độc đáo cho ngôi làng. Đáng buồn là khoảng 50% nhà cổ đã xuống cấp nghiêm trọng, nếu không kịp thời tu bổ sẽ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Nghề gốm "ngắc ngoải"

Cùng với nhà rường, nghề gốm Phước Tích với kỹ thuật nung bằng rơm, tạo ra những sản phẩm tinh xảo nổi danh một thời nay cũng đang ngắc ngoải. Cả làng to rộng là thế hiện chỉ còn duy nhất một lò gốm đất và một lò nung bằng gas để quảng diễn quy trình làm gốm phục vụ khách du lịch. Chứng kiến cảnh đìu hiu này, du khách khó có thể hình dung được Phước Tích từng là làng nghề gốm có tuổi đời hàng trăm năm, người mua, kẻ bán tấp nập, tàu thuyền ngược xuôi mang gốm đi xa. Là người dốc tâm truyền dạy cho nhiều thế hệ làm gốm ở Phước Tích, cụ Lê Trọng Thị Vít (90 tuổi) thừa nhận: "Làng hiện chỉ có người già tụi tui còn giữ nghề thôi. Con cháu nó đi xa hết, lấy ai mà chỉ dạy, chắc cũng bỏ thôi chứ theo nghề lấy gì mà sống". Là một trong những học trò của cụ Vít, từng được xem là "bàn tay vàng" của làng nhưng bà Nguyễn Thị Vọng (72 tuổi) cũng đã tắt lò từ hàng chục năm nay.

Để phục vụ cho tour du lịch "Hương xưa làng cổ" tại Festival Huế 2006, xã Phong Hòa đã đầu tư kinh phí cho làng Phước Tích phục hồi lại nghề gốm. Nhưng rồi cũng chỉ được vài mẻ gốm phục vụ ngày lễ hội, sau đó lò tắt lửa vì gốm được nung bằng công nghệ lò nung ngửa, chỉ được 600 độ C không đạt yêu cầu. Năm 2007, huyện Phong Điền đầu tư thêm hơn 300 triệu đồng để Phước Tích xây lò nung gốm bằng gas thay lò than và một lần nữa thất bại do công nghệ làm gốm bằng lò gas khác với công nghệ thủ công.

Nói về nghề gốm Phước Tích, ông Nguyễn Thế, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phong Điền kiêm Trưởng BQL Làng cổ Phước Tích cho rằng dự án khôi phục nghề gốm ở Phước Tích mới chỉ nhằm mục đích quảng bá, phát triển du lịch chứ khó có thể làm sống lại được làng nghề.

Hướng đi nào cho làng?

Nhà cổ xuống cấp nhưng thiếu kinh phí trùng tu, nghề truyền thống mai một trong khi không còn mấy người nắm bắt được kỹ thuật để truyền dạy, tương lai của làng cổ Phước Tích sẽ ra sao?

Ông Hoàng Tấn Minh, Trưởng thôn Phước Tích nói: "Chính quyền và người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cấp, các ngành liên quan hỗ trợ nguồn kinh phí thích đáng để trùng tu nhà cổ, khôi phục làng nghề nhưng đến nay nguồn kinh phí mà người dân Phước Tích nhận được mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu. Nếu tình trạng này kéo dài, rất có thể một vài năm nữa những ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt ở Phước Tích sẽ bị xóa sổ. Điều đó không chỉ khiến quốc gia mất đi một di sản văn hóa quý mà người dân Phước Tích cũng không còn cơ hội để phát triển du lịch". Ông Hoàng Tấn Minh khẩn thiết đề nghị các cơ quan hữu quan quan tâm nhiều hơn nữa đến ngôi làng cổ thứ hai của Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Hoạch, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Huyện đang triển khai xây dựng đề án tu bổ, tôn tạo di tích và phát triển du lịch tại làng cổ Phước Tích đến năm 2020. Theo đó, các nhà rường cổ sẽ được tu bổ, bảo tồn trên cơ sở giữ nguyên các cấu kiện gốc, còn nghề gốm được khai thác để phát triển du lịch. Cùng với đó, huyện sẽ đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông và các dịch vụ du lịch.

Ở góc độ một người dân, ông Trương Đức Kiến (82 tuổi) cho biết: "Với những gì còn giữ lại được, Phước Tích hoàn toàn có thể làm du lịch. Người dân không nên chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà nên chủ động. Chẳng hạn khi khách đến làng thì chủ động giới thiệu với họ những sản phẩm đặc trưng; mời họ thưởng thức đặc sản cơm niêu, cá kho, canh cá sông, vả kho; để du khách tự tay nhào đất, làm ra một sản phẩm gốm, giúp họ có sự trải nghiệm thì chắc chắn du lịch Phước Tích sẽ phát triển hơn hiện nay. Khi du lịch phát triển, người dân có nguồn thu, họ cũng sẽ có tiền để đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo nhà cổ". Trong khi chờ các biện pháp bảo tồn vĩ mô, đây có thể là một ý kiến hay chăng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về Phước Tích: Đâu rồi hương xưa, làng cổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.