(HNM) - Từ bao đời nay người Mông ở bản Chà Đáy, xã Pacco, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã gắn bó với những giai điệu dìu dặt như tiếng vọng từ ngàn xưa lay động núi rừng của tiếng khèn gọi bạn.
Ông Sùng A Màng thổi khèn. |
Bản Chà Đáy nằm chênh vênh lưng chừng núi, ẩn hiện trong làn sương mờ ảo. Chợ được tổ chức mỗi tuần một phiên vào sáng chủ nhật. Trong màn sương giăng, thấp thoáng bóng thiếu nữ Mông váy áo sặc sỡ cùng nhau xuống chợ, nghe văng vẳng tiếng khèn dìu dặt, bởi thế nơi bán khèn trong chợ thường được mọi người dừng lại lâu nhất.
Bên góc chợ vùng cao ấy bao năm nay vẫn có một người đàn ông ngồi bán khèn, không một phiên chợ nào ông vắng bóng kể cả lúc ốm đau hay khi trời mưa nắng. Ông Sùng A Màng luôn coi bộ khèn của mình như một thứ báu vật được ông cha truyền lại và vẫn giữ thói quen ngồi dựa lưng bên vách đất để thử lại âm thanh của chiếc khèn mình vừa làm xong. Gần đến phiên chợ ông lại mang những chiếc khèn ra hiên nhà mình chỉnh trang, gọt giũa cho tròn âm, rõ điệu. Những cây khèn do Sùng A Màng làm ra thường có âm thanh trong trẻo đến lạ lùng. Sùng A Màng được người dân trong bản quý mến bởi ông không chỉ là người duy nhất biết làm khèn mà họ còn tìm thấy ở ông sự đam mê, đồng cảm mỗi khi ông thổi điệu khèn dặt dìu lên ngút ngàn núi cao. Những người đàn ông ở Pacco dù không mua nhưng vẫn muốn được nghe và thử âm điệu của chiếc khèn mà Sùng A Màng bày bán. Mỗi lần nhìn khách thích thú cầm lên ngắm nghía rồi đưa lên thổi, niềm vui lại hiện rõ trên khuôn mặt đã dạn dày sương gió của Sùng A Màng. Đôi mắt ông mơ màng theo âm thanh dìu dặt.
Tiếng khèn gắn liền với cuộc sống người dân Pacco, trong những lễ hội, tiếng khèn tạo nên âm hưởng mênh mang của rừng núi. Các đôi trai gái đi lễ hội xuân, theo tiếng khèn mà tìm bạn. Âm thanh trầm bổng bay lượn theo những bước nhảy điệu nghệ của những chàng trai trong ánh mắt ngưỡng mộ, háo hức của các cô gái.
***
Bản Chà Đáy có hơn 20 nóc nhà, nằm heo hút trong bạt ngàn rừng xanh. Cái đói, cái nghèo bao năm nay vẫn đè lên những ngôi nhà lụp sụp. Những người có sức khỏe đã lên nương, lên rẫy để trồng lúa, trồng ngô, trong bản chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Đám trẻ con nheo nhóc vẫn thường sợ sệt khi có người lạ khiến không gian bản làng đã yên ắng càng vắng lặng hơn.
Buổi sáng, sương mù giăng trắng trên con đường lên bản, trên những mỏm đá tai mèo. Trong màn sương ấy, thỉnh thoảng những bóng người nhỏ bé vẫn lầm lũi đi trên con đường đất ngoằn ngoèo ẩn hiện. Những tiếng giục trâu của người dân làm nương vọng lên những ngọn cây, hốc đá và hòa lẫn vào những âm thanh yên ắng của buổi ban mai… Trong ngôi nhà vách đất có rất nhiều loại khèn khác nhau, Sùng A Màng say sưa giới thiệu từng chiếc khèn với khách. Dáng vẻ khắc khổ thường ngày của ông đã nhường chỗ cho niềm đam mê. Sùng A Màng nói: "Không một người nào trong bản của tôi biết được chiếc khèn bắt đầu có và gắn bó với người Mông chúng tôi từ khi nào, chỉ biết rằng từ khi sinh ra đã được nghe tiếng khèn và hết đời này qua đời khác đã dạy cho nhau cách thổi khèn cũng như làm những chiếc khèn mới. Tiếng khèn đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân từ khi lọt lòng tới tuổi dựng vợ gả chồng và khi nhắm mắt xuôi tay về bên kia thế giới, họ đều mang theo tiếng khèn như một thứ bùa hộ mệnh linh thiêng…".
Trong câu chuyện về tiếng khèn của bản làng mình, Sùng A Màng luôn nhắc đến một lão thành cách mạng, một đảng viên gương mẫu của bản Chà Đáy, đó là Vàng A Páo. Vàng A Páo đi theo cách mạng từ khi còn rất trẻ. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông đã tham gia rất nhiều trận đánh, xông pha trên khắp các chiến trường Tây Bắc và lập không ít chiến công. Mỗi lúc rỗi rãi ông vẫn thường kể cho con cháu nghe về những trận đánh, về những ngày tuổi trẻ lên đường cầm súng theo Đảng, theo Bác Hồ. Ngày ấy, Vàng A Páo mới 13-14 tuổi, nhanh nhẹn và gan dạ, trong một lần làm nhiệm vụ liên lạc, anh được giao đưa tài liệu mật qua khu vực Hang Kia của huyện Pacco (trước đây). Muốn đến được nơi ấy phải đi qua đồn địch. Bằng sự mưu trí, anh đã đút tài liệu mật vào trong ống khèn và thản nhiên đi qua những con mắt dò xét của kẻ thù… Lần khác, vào một ngày mùa đông, Vàng A Páo được giao nhiệm vụ đưa cán bộ đi sang địa phận Sơn La. Khi dẫn đường đưa 3 cán bộ vượt rừng, bỗng ông phát hiện có đám lính đang phục kích bên đường. Sau vài giây suy nghĩ, ông tháo cây khèn ra vừa thổi, vừa múa. Đoàn cán bộ được báo động nên đã kịp thời rút lui an toàn. Vàng A Páo bị địch bắt và tra tấn dã man, nhưng ông không hé răng khai nửa lời. Dù không khai thác được gì ở chàng trai người Mông gan dạ nhưng kẻ thù vẫn giam ông hết nhà lao này đến nhà lao khác. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Vàng A Páo được giải thoát. Giờ tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng mỗi lần nhắc đến những ngày tháng hào hùng theo cách mạng, Vàng A Páo lại minh mẫn lạ thường. Những ký ức của tuổi trẻ lại hiện về trong ông như thể chuyện vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
***
Sau những giờ lao động trên nương vất vả, những buổi tối rỗi rãi, tiếng khèn lại được cất lên trong ngôi nhà của Sùng A Xua nơi đầu bãi, bao nhiêu mệt nhọc tan biến, chỉ còn lại điệu cười trong trẻo của người vợ và âm thanh của tiếng khèn bay bổng trên triền núi đá trập trùng.
Sùng A Xua là một bí thư đoàn gương mẫu, anh đã đưa kỹ thuật canh tác của người dân dưới xuôi về giúp bản làng trồng được nhiều ngô, nhiều lúa. Và cũng chính anh là người đầu tiên bỏ tiền mua máy phát rồi ngăn suối chạy máy, đưa điện về phục vụ sản xuất. Nhiều người dân trong bản đã làm theo anh, nhờ thế mà họ mua được tivi, mua được đài. Những kiến thức về khoa học ấy Sùng A Xua học được trong hai năm đi bộ đội nghĩa vụ.
Là một đoàn viên gương mẫu luôn phấn đấu để theo người anh của mình là Sùng A Xua, Sùng A Ưng đã vinh dự đỗ vào Trường Dân tộc nội trú của tỉnh Hòa Bình. Cũng như bao chàng trai người Mông khác, hành trang mà Sùng A Ưng không quên mang theo là cây khèn. Tuy bận rộn với đèn sách để học cái chữ mong sớm về xây dựng bản làng, nhưng anh vẫn dành niềm đam mê cho chiếc khèn. Anh biết sử dụng thành thạo cả khèn và sáo của người Mông, trong bất kỳ buổi liên hoan văn nghệ nào, Sùng A Ưng cũng mang cây khèn ra góp vui. Với anh, tiếng khèn là niềm tự hào về bản sắc dân tộc mình và cũng nhờ anh nên tiếng khèn của người Mông Pacco không chỉ còn ở đầu buôn, cuối rẫy mà đã được đưa lên sân khấu biểu diễn cho đông đảo người xem.
Sau ngày làm việc vất vả trên nương, buổi tối các đôi trai gái lại tụ tập nhau thổi khèn gọi bạn. Sùng A Màng cũng tham gia múa khèn cho mọi người xem, dáng điệu ông thật uyển chuyển, linh hoạt. Dường như núi rừng thâm u, hoang vắng cũng được sưởi ấm trong tiếng khèn. Không gian mênh mông của núi rừng như thu hẹp lại trong ánh lửa bập bùng, soi rõ từng khuôn mặt, bản nhạc "Tình ca Tây Bắc" vang lên du dương.
Chỉ sau đêm nay thôi, Sùng A Ưng sẽ chia tay bản làng trở về trường học, người dân trong bản lại tiếp tục công việc thường nhật. Cuộc sống cứ thế nối tiếp trôi đi, nhưng tiếng khèn của người Pacco vẫn mãi vang vọng trên ngôi làng sương trắng giăng giăng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.