Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về nguồn gốc ra đời của ca trù

ANHTHU| 31/07/2005 08:51

Hiện Bộ VHTT và Viện âm nhạc đang lập hồ sơ về Ca trù để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Các nhà nghiên cứu đang tranh luận để đi đến một thống nhất về nguồn gốc ra đời của ca trù. Nhân buổi thuyết trình mới đây của Thạc sĩ, Giám đốc thư viện Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện tại Bảo tàng Dân tộc học, chúng tôi có cuộc trao đổi với anh về vấn đề này.

Hiện Bộ VHTT và Viện âm nhạc đang lập hồ sơ về Ca trù để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Các nhà nghiên cứu đang tranh luận để đi đến một thống nhất về nguồn gốc ra đời của ca trù. Nhân buổi thuyết trình mới đây của Thạc sĩ, Giám đốc thư viện Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện tại Bảo tàng Dân tộc học, chúng tôi có cuộc trao đổi với anh về vấn đề này.

- Đứng từ góc độ một nhà nghiên cứu Hán Nôm, anh có thể khẳng định về sự ra đời củaca trù như thế nào ?

- Theo tôi biết, ca trù có nguồn gốc từ âm nhạc dân gian đồng bằng Bắc bộ, có thể ra đời từ sớm hơn nhưng hiện nay chúng ta chỉ có được tư liệu sớm nhất là vào thế kỷ XV, căn cứ vào bài thơNghĩ hộ tám giáp bài văn thưởng cho cô đào được giảisáng tác trước năm 1500 của Tiến sĩ Lê Đức Mao, người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm. Bài thơ này chép trong Lê tộc gia phả (A.1855) có hai lần nhắc đến 2 chữ ca trù, cho biết: hát cửa đình là hát để thờ thần trong dịp đầu xuân và việc hát ca trù đã có dùng thẻ để thưởng cho đào nương. Như vậy, đình Đông Ngạc, Hà Nội là nơi diễn ra lệ hát thờ từ rất sớm. Và đây cũng là nơi gìn giữ được tục lệ thưởng đào rất đặc sắc.

- Có những quan điểm nào từ các nhà nghiên cứu ca trù khác mà anhkhông nhất trí ?

- Các nhà nghiên cứu trước đây đã từng nghiên cứu về sự ra đời củaca trù. Và đều khá thống nhất khẳng định là nó có từ thời Lý, hoặc dưới thời Trần và thời Hồ. Song tư liệu họ đưa ra lại là căn cứ vào các bức chạm khắc trên đá kê chân cột ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), hoặc mảng chạm trên cốn gỗ chùa Thái Lạc (Hưng Yên). Thực ra đấy chính là các hình múa và hòa nhạc mà các nhạc cụ trong đó là nhạc cụ Chàm (trống cơm và một vài nhạc cụ khác). Các tiên nữ tấu nhạc ở các bức chạm này lại ngồi trên lưng chim thần Garuda. Như thế không có chút gì là miêu tả về một cuộc hòa nhạc ca trù và không thể căn cứ vào các bức chạm này để khẳng định ca trù có từ thời Lý hay thời Hồ được. Đó là ý thứ nhất.

Về mặt tư liệu chữ viết các nhà nghiên cứu cho rằng hát ả đào có từ thời Lý vì căn cứ vào các chữ “Đào nương”, “Quản giáp” có chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án, Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Thế nhưng mấy chữ này chỉ nói lên rằng bấy giờ con hát (xướng nhi) được gọi là đào nương từ năm 1025, dưới thời Lý Thái Tổ. Các nhà nghiên cứu còn căn cứ vào hai chữ ả đào trong Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề soạn năm 1755 kể chuyện đời Hồ có nàng Đào thị hát hay, múa giỏi, có công đánh giặc Minh, được vua cho đổi tên làng thành thôn ả Đào để làm căn cứ cho rằng hát ả đào có từ đời Hồ. Về chuyện này, GS. Nguyễn Thụy Loan và tôi đều không nhất trí, và cho rằng cần phải có phân biệt giữa ả đào và hát ả đào.

Ngoài ra, chuyện về cây đàn Đáy nữa. Khi nghiên cứu tư liệu Khảo cổ và tư liệu Mỹ thuật, kết hợp với nghiên cứu thư tịch Hán Nôm, tôi cho rằng, hiện nay cũng chỉ có thể tìm thấy tư liệu về đàn Đáy ở thế kỷ XVI mà thôi.

Trong tình hình tư liệu hiện nay, theo tôi, chúng ta chỉ có thể biết một cách chính xác: Ca trù có thể ra đời từ sớm, nhưng mới chỉ có tài liệu từ thế kỷ XV.

- Theo anh, có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc lập hồ sơ về ca trù để trình UNESCO công nhận là di sản VH phi vật thể TG ? Nhữngbất đồng quan điểm trong việc xác định lịch sử ca trù có ảnh hưởng gì đến việc lập hồ sơ không ?

- So với các bộ môn khác thì tư liệu về ca trù còn lại khá đầy đủ. Các nghệ nhân nắm vững nghệ thuật ca trù vẫn còn được vài người mà chúng ta có thể tiếp thu được. Chúng ta lại được Quỹ Ford đã luôn giúp đỡ cho ca trù. Việc xây dựng hồ sơ được giao cho Cục Di sản văn hóa và Viện Âm nhạc là những cơ quan có trách nhiệm. Và báo chí luôn quảng bá, giới thiệu về ca trù với đông đảo nhân dân. Chúng ta cũng có cái khólà hiện nay giới trẻ rất nhiều người thích ca trù nhưng chưa hiểu về ca trù lắm. Chúng ta cũng chỉ có rất ít nhà chuyên môn có thể thẩm định và định hướng lại việc truyền dạy ca trù rất tràn lan và nhiều sai lạc hiện nay.

Thực ra không có gì gọi là bất đồng giữa các nhà nghiên cứu về lịch sử và nhất là thời điểm ra đời của ca trù. Chẳng qua là vì mọi người đều yêu ca trù, muốn đưa ca trù thành cổ vật với niên đại cổ nhất, gắn với một triều đại Lý - Trần rực rỡ về văn trị võ công. Và khi có tư liệu mới được đưa ra, thì không còn bất đồng nữa. Việc này đã và sẽ không ảnh hưởng gì đến quá trình xây dựng hồ sơ về Ca trù để trình UNESCO. Ca trù có tuổi là nửa thiên niên kỷ - 500 năm, lại tạc dấu ấn vào văn hóa Việt Nam. Như thế rất xứng đáng được vinh danh và gìn giữ.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về nguồn gốc ra đời của ca trù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.