Giáo dục

Về một ngôi "trường tây" giữa lòng Hà Nội

Phong Hà 27/05/2024 - 06:24

Trường Trung học Albert Sarraut (Lycée Albert Sarraut) là một trong những trường trung học nổi tiếng nhất ở Đông Dương, do người Pháp thành lập từ năm 1919, giải thể năm 1965.

Tại điểm trường này ngày nay là Trường THPT Trần Phú (số 8 phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng học tại ngôi trường này.

638514565577790885-1.jpg
Trường Albert Sarraut xưa, nay là Trường THPT Trần Phú.

Ngôi trường tây - học sinh ta

Năm 1902, chính quyền Pháp đã cho thành lập Trường Paul Bert (Collège Paul Bert) tại Hà Nội, giảng dạy bậc trung học bán phần (tương đương THCS) cho con em người Pháp và con công chức người Việt làm cho Pháp. Trường được đặt tại phố Rollandes (phố Hai Bà Trưng ngày nay). Năm 1913, trường nâng cấp lên toàn phần (tương đương từ THCS đến THPT), nhận cả học sinh Khmer và Lào, đổi tên là Trường Albert Sarraut. Cơ sở này ngày nay là Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm.

Ở miền Bắc lúc đó, Pháp mở Trường Trung học Bảo hộ dành cho học sinh người Việt (Trường Bưởi, hay THPT Chu Văn An ngày nay), còn Trường Albert Sarraut chủ yếu dành cho học sinh Pháp, (học sinh Việt được tuyển rất ít).

Sát cánh cùng đông đảo quần chúng nhân dân, học sinh các trường Bưởi và Albert Sarraut đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước, đòi tự do dân chủ những năm 1919-1925. Đó là các phong trào ủng hộ Phạm Hồng Thái và vụ mưu sát Toàn quyền Merlin, đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, đòi để tang cụ Phan Châu Trinh... Cao trào là hàng ngàn người, nhất là thanh niên, sinh viên, học sinh đã xuống đường biểu tình, phát truyền đơn, giương cao biểu ngữ: “Ân xá cho cụ Phan Bội Châu”, “Đả đảo chế độ thực dân tàn bạo”.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève (1954), ký Thỏa ước văn hóa ngày 7-4-1955 với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thỏa thuận cho phép Trường Trung học Albert Sarraut được tiếp tục hoạt động trong 10 năm (1955-1965), thuộc Tổ chức Lương hội Pháp (Mission Laïque Française) nhằm truyền bá văn hóa và tiếng Pháp tại Hà Nội.

Thấm đượm văn hóa Việt

Chương trình học ở Albert Sarraut từ lớp 1 đến lớp 10 (cấp 1 đến cấp 3), giảng dạy phải bằng tiếng Việt (trừ môn toán). Tiếng Pháp chỉ được xem là môn ngoại ngữ chính, giáo viên của trường gồm người Pháp cùng nhiều cán bộ được ngành Giáo dục Hà Nội điều vào. Từ năm 1955, Hiệu trưởng là người Pháp. Từ năm 1960 cho đến khi giải thể - năm 1965, trường được giao cho Sở Giáo dục Hà Nội quản lý toàn diện.

Mặc dù là "trường tây" nhưng toàn bộ chương trình giảng dạy ở đây đều theo chương trình chung của Bộ Giáo dục Việt Nam. Cùng với các trường học khác ở Thủ đô, Trường Trung học Albert Sarraut nhiều năm đạt thành tích “Dạy tốt - Học tốt”, các phong trào văn thể được đẩy mạnh. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều học sinh của trường xung phong đi bộ đội, góp sức trẻ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1962, một học sinh cấp 2 của trường tên là Nguyễn Đỗ Hùng, nhà ở phố Hàng Trống, đã được truy tặng liệt sĩ vì đã quên mình cứu hai em nhỏ đuối nước ở sông Hồng. Gương dũng cảm của em đã được lan tỏa rộng khắp, được các trường noi gương, học tập.

Tôi có người bác là giáo sư - nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam và thế giới, được cử vào dạy văn - sử của trường. Ông kể nhiều câu chuyện khá thú vị, như hầu hết học sinh của trường say mê học môn văn, môn sử, nhất là lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945-1954, với thành công của Cách mạng Tháng Tám (1945) và Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), chấm dứt sự đô hộ của thực dân Pháp.

Bác tôi còn kể rằng, một lần trong giờ ra chơi, học sinh chơi đuổi nhau khắp sân trường, cầu thang, thậm chí lao cả vào các lớp học, nhảy lên bàn, hò hét vang trời. Không gian ồn ã thường thấy trong giờ chơi tại các trường học. Số học sinh này chủ yếu học cấp 1 và cấp 2. Thấy ồn ào, vị hiệu trưởng người Pháp cau có, phàn nàn với ông hiệu phó người Việt: “Học sinh Việt Nam đùa nghịch mất trật tự quá, rất khó bảo, rất khó giáo dục”. Vị hiệu phó cười, bình thản: “Ngài đừng lo, lũ trẻ nô đùa trong giờ nghỉ, vào lớp học sẽ tập trung học tốt thôi”. Vị hiệu trưởng vẫn tỏ ra khó chịu. Ông hiệu phó lại buông một câu: “Biết đâu mai sau chính mấy đứa trẻ “đùa nghịch mất trật tự, khó bảo” này lại làm nên một “Điện Biên Phủ” khác không biết chừng”. Vị hiệu trưởng im lặng bước đi.

Với 46 năm tồn tại giữa lòng Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hiến, Trường Trung học Albert Sarraut tuy là một ngôi "trường tây" nhưng đã thấm đượm và tỏa sáng giá trị văn hóa truyền thống Việt, giảng dạy hàng ngàn học sinh Việt Nam, trong đó có nhiều người nổi tiếng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Huy Thông...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về một ngôi "trường tây" giữa lòng Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.