(HNM) - Chiến tranh đã lùi xa, Tổ quốc đã hòa bình, thống nhất nhưng đâu đó vẫn còn hàng ngàn, hàng vạn chàng trai, cô gái một thời
Còn đó những nỗi niềm
- Các anh ơi, anh Bảo em hy sinh ở chỗ nào?
- Lâu quá rồi, không nhớ rõ được! Nhưng chắc chắn ở quanh khu vực này, có lẽ gần cây ba chạc...
Tròn 40 năm sau ngày đơn vị chiến đấu trận đầu, chiều 28-6 chúng tôi mới có dịp đưa Lục Thị Lan, em gái liệt sỹ Lục Thế Bảo (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) về thăm nơi người anh của cô ngã xuống - chốt Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Nghe lời đồng đội của anh, Lan cầm bó hương đang rực cháy cắm xuống dải cát xung quanh cây ba chạc (vốn được coi là "tọa độ lửa" của chốt Long Quang) nhưng hồi lâu cô vẫn không cắm được nén hương nào...
- Đất ở đây sao cứng thế?
- Không, ở đây chỉ có cát thôi mà... Em cứ bình tĩnh...
- Anh ơi, anh Bảo ơi... Mấy chục năm rồi em mới đến được nơi anh hy sinh. Anh có khôn thiêng thì chỉ cho chị Ninh và em biết chính xác anh đang ở ngôi mộ nào trong nghĩa trang liệt sỹ...
Vừa nức nở kêu khấn vong linh người anh, Lan vừa quỳ xuống, run rẩy vốc từng vốc cát xung quanh gốc cây ba chạc, bỏ vào chiếc túi ni lông... Nhìn cảnh ấy, hết thảy anh em chúng tôi đều không cầm được nước mắt. Với tôi, đây còn là hình ảnh khó có thể quên kể cả trong những năm tháng chinh chiến và quãng đời làm báo mấy chục năm sau này...
Bên một ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sỹ xã Triệu Trạch, bà Lục Thị Ninh 67 tuổi, chị ruột liệt sỹ Lục Thế Bảo kể trong nước mắt: "Năm đó, em tôi vừa học hết phổ thông thì xung phong nhập ngũ, từ ngày lên đường không một lần về thăm nhà. Khi nhận được giấy báo tử, bố mẹ tôi ốm thập tử nhất sinh... Cấp trên chỉ cho biết em tôi hy sinh ở Mặt trận phía Nam, không biết mộ phần ở đâu. Mãi gần đây, qua nhiều nguồn thông tin và nhờ "nhà ngoại cảm", chúng tôi mới nhận được phần mộ của em mình...".
Trong khói hương ngào ngạt, nhìn tấm bia bằng đá cẩm thạch, dưới ngôi sao vàng 5 cánh có dòng chữ "Liệt sỹ Lục Thế Bảo..." được đặt ở phía trước tấm bia có dòng chữ "Liệt sỹ chưa biết tên", chúng tôi không khỏi chạnh lòng. "Bao giờ và có cách nào để trả lại tên cho các đồng đội của chúng tôi đang xếp từng hàng, từng hàng lặng im trong nghĩa trang này và hàng chục nghĩa trang khác ở Quảng Trị?"- Ai đó trong chúng tôi đã thốt lên như vậy.
Khi chúng tôi dâng hương, viếng các anh hùng liệt sỹ và đồng đội tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Hải Lăng, anh Ngô Trung Hà (em trai của liệt sỹ Ngô Văn Thắng, quê huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) kể: "Anh em đi bộ đội vào Nam chiến đấu rồi hy sinh. Nhà có 9 anh chị em, 5 gái, 4 trai thế mà nhiều khi bố mẹ em chỉ hỏi "thằng Thắng đâu"... Bố em mất rồi, mẹ em năm nay 97 tuổi, lúc nhớ lúc quên nhưng cụ thường xuyên bảo: "Anh chị em chúng mày sao không đi tìm thằng Thắng về cho tao, nó đi đâu mà lâu thế?...". Thương mẹ, nhớ anh, chúng em dốc tâm sức dò tìm thông tin qua đồng đội của anh và địa phương nơi anh hy sinh, đến nay bước đầu xác định hài cốt của anh Thắng đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ huyện Hải Lăng, nhưng lại nằm trong số hàng trăm ngôi mộ "Liệt sỹ chưa biết tên"...
Cùng hành hương với chúng tôi còn có các anh chị: Nguyễn Văn Nhớ (em ruột của liệt sỹ Nguyễn Văn Ghi, quê ở xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội); chị Doãn Thị Ngói (em gái của liệt sỹ Doãn Văn Cố, quê ở xã Phương Đình, huyện Đan Phượng); chị Nguyễn Thị Luận (em gái của liệt sỹ Nguyễn Mạnh Chất và liệt sỹ Nguyễn Trọng Hiển, quê ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) và anh Nguyễn Việt Hồng (em trai của liệt sỹ Nguyễn Việt Cường, quê ở xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm). Các thân nhân liệt sỹ vào Quảng Trị trong chuyến đi lần này mỗi người có hoàn cảnh, cuộc sống khác nhau nhưng đều chung tâm nguyện là được thấy những cảnh vật, được nghe những câu chuyện về nơi người thân của mình đã chiến đấu và ngã xuống; được thắp lên mộ phần của người thân, của các anh hùng liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Thế nhưng có một điều khiến chúng tôi, những CCB cứ day dứt suốt chuyến đi và có thể mãi day dứt đến suốt cuộc đời, đó là hầu hết các anh, các chị đều chưa xác định được mộ phần của người thân đang hiện hữu nơi nào trên mảnh đất Quảng Trị đầy nắng gió này...
Trong số thân nhân liệt sỹ, có thể nói chị Doãn Thị Ngói là người may mắn hơn cả khi tìm được mộ phần của anh trai mình. Liệt sỹ Doãn Văn Cố hiện đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. "Anh ơi, anh đi bộ đội từ khi em còn quàng khăn đỏ, được một lần anh về cho kẹo... Nay em đã trên 60 tuổi... Bố mẹ và các anh chị đã mất, chỉ còn mỗi chị Hai nhưng lại già yếu, chị đã hơn 80 tuổi rồi anh ạ... Trước hôm vào đây em đã hỏi các cháu con bác Ba, bác Tư có thu xếp để đưa hài cốt của anh về được không, nhưng các cháu đều bảo "chúng cháu chưa có điều kiện...". Em là phận gái về nhà chồng, chồng em là thương binh, ốm yếu bệnh tật luôn... Anh ơi, anh tha lỗi cho em..." - Trong làn khói hương ngào ngạt, những tâm sự trong tiếng nấc của chị Ngói bên mộ người anh liệt sỹ khiến tôi sửng sốt và tự vấn "sao lại vô tâm đến vậy, sao không hiểu được hoàn cảnh của chị?". Chị Ngói là vợ anh Nguyễn Văn Sửu, Đại đội phó Đại đội 7, một trong những người chỉ huy của tôi trong những tháng ngày chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Anh Sửu, chị Ngói ơi! Em tự hứa với lương tâm mình sẽ gắng sức cùng đồng đội và bạn bè gần xa giúp anh chị sớm đưa được anh Doãn Văn Cố trở về quê lụa thân yêu ...
Thắm mãi tình đồng đội
Được tin có đoàn hành hương về chiến trường xưa, tri ân đồng đội, nhiều CCB sinh sống tại những vùng quê rất xa xôi, cuộc sống còn nhiều khó khăn như anh Nông Phương Bắc, "lão tiều phu" ở huyện miền núi Lục Nam; anh Dương Đức Thiện, "ông lang vườn" ở huyện Tân Yên (Bắc Giang), anh Đỗ Xuân Bình ở Vũ Thư (Thái Bình)… và đặc biệt là anh Trần Đức Mai, sinh sống tận tỉnh Sóc Trăng cũng điện thoại, yêu cầu được tham gia đoàn... Anh Trần Đức Mai còn mang cả "gia tài" là hai đứa con, một gái, một trai ra thăm "nơi cha và đồng đội chiến đấu". Hầu hết các CCB tham gia đoàn hành hương là thương binh, có người là thương binh nặng hạng 1/4 như anh Nguyễn Đoàn Ngư (huyện Thường Tín); anh Vũ Văn Bính (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thương binh hạng 2/4), anh Ngô Xuân Đương (quận Tây Hồ) 76 tuổi, vừa hồi sinh sau cơn tai biến...
Sức khỏe của mình không tốt lắm, nhưng mấy lần vào Quảng Trị, thấy trong đó còn nhiều liệt sỹ chưa biết tên quá, mình không thể đành lòng. Mình đã hứa với anh em là sẽ cố làm hết sức để góp phần "trả lại tên" cho các anh em và nếu có điều kiện thì đưa họ về với quê hương, gia đình... Anh Ngô Xuân Đương tâm sự. Các anh Dương Đức Thiện, Nông Phương Bắc, Bùi Thế Ngọc cũng bộc bạch: "Chúng tôi thật có lỗi vì hồi ở chiến trường đều là quân y sỹ nhưng nhiều khi không giành lại được mạng sống cho đồng đội vì các anh ấy bị thương nặng quá. Hết chiến tranh, vì cuộc sống đưa đẩy, chúng tôi vẫn chưa một lần vào thăm viếng các anh. Lần này biết tin có đoàn vào chiến trường xưa, chúng tôi không thể không có mặt, trước hết là muốn tự tay thắp nén hương lên mộ phần của đồng đội, sau là để tạ lỗi, mong được các anh thông cảm cho những thiếu sót của mình". Dưới nắng hè cháy bỏng, những mái đầu bạc trắng rưng rưng bên mộ đồng đội, những lời khấn như tiếng nói từ đáy lòng, tiếng nói của tình đồng chí, đồng đội sâu đậm.
Nói về tình cảm của các CCB đơn vị đối với đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, không thể không kể đến sự quan tâm đến cháy bỏng của cựu Trung đoàn trưởng Ngô Công Nội và vợ là bà Nguyễn Thị Nền. Ông bà Trung đoàn trưởng (anh em trong đơn vị thường gọi như vậy) hiện ở làng Mễ Trì Thượng, xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, vừa nghỉ hưu, nhờ sự trợ giúp của bà xã, cựu Trung đoàn trưởng đã truy tìm được khá nhiều họ tên, địa chỉ của anh em rồi nhóm họp, thành lập "Ban liên lạc bạn chiến đấu" của đơn vị. Từ đó đến nay, bên cạnh việc động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, Ban liên lạc đã tổ chức cho hàng trăm lượt CCB đi thăm chiến trường xưa, viếng đồng chí, đồng đội. Có lần "bà Trung đoàn trưởng" còn mua sắm, mang theo đến… 6 bao tải hương thắp, vàng mã vào Quảng Trị... Cựu Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 8 - Thiếu tướng Giang Văn Thành, Anh hùng LLVT, Phó Giám đốc Trường Sỹ quan Chính trị, cũng là người nặng lòng với đồng chí, đồng đội. Thuộc lớp tân binh Thái Bình nhập ngũ tháng 12-1971, Giang Văn Thành chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công và luôn sẵn sàng xả thân vì đồng đội. Có lần Giang Văn Thành và một số anh em (trong đó có tôi) đi trinh sát ban đêm để xây dựng phương án tác chiến. Địch phát hiện, ném lựu đạn rồi bắn xối xả. Tôi bị thương, lăn xuống hố bom thì không biết gì nữa. Sau này tôi được biết, chính anh Thành đã vòng đi vòng lại gần tiếng đồng hồ mới tìm được tôi và cõng về tuyến sau... Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Đại tá Hoàng Điệp, hiện nghỉ hưu tại phường Điện Biên (quận Ba Đình) kể về ân nhân của mình khi ông chỉ huy đơn vị giữ chốt Long Quang. Từ sau 1975 đến nay Giang Văn Thành đã trực tiếp và giúp đỡ các gia đình đưa được 10 đồng đội hy sinh từ chiến trường Quảng Trị về quê tại Thái Bình, Nam Định, Hà Nam...
"Trở về đời thường, tôi tình nguyện làm quản trang. Làm quản trang không có chế độ chi mô, một tháng được cấp trăm ngàn để mà hương khói cho liệt sỹ, còn chỉ làm theo tự nguyện. Vì sao tự nguyện như vậy? Vì nếu trong chiến đấu tôi hy sinh thì không biết hôm nay đã tìm được xác chưa? Không biết nằm trong cồn cát hay chỗ nào đó? Cho nên bây chừ còn sống và nguyện đến lúc về với tổ tiên, tôi sẽ cố hằng ngày cầm từng nén hương đi khắp nghĩa trang để thắp cho các liệt sỹ, mong các anh yên giấc nghìn thu". Lời bộc bạch của anh Phan Tư Kỳ, nguyên Xã đội trưởng xã Triệu Trạch cũng là "lời kết" về chuyến hành hương thăm chiến trường xưa của chúng tôi. Chia tay Quảng Trị trong cái nắng hè cháy bỏng, nhưng tất cả chúng tôi cảm nhận mảnh đất này không còn "mùi cỏ cháy" mà rực cháy tình yêu thương, rực cháy tình đồng chí, đồng đội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.