(HNMCT) - Vẫn những trang sách xưa với những câu chuyện tưởng như đã quen thuộc, qua khối óc sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa của người họa sĩ đã mang một sức sống mới, đầy cuốn hút. Những huyền thoại, huyền sử, huyền tích được khoác lên mình tấm áo mỹ thuật, đó là xu hướng sáng tạo được yêu thích.
Làn gió mới sách tranh
Artbook/ picture book rất quen thuộc với độc giả nước ngoài, nhưng ở Việt Nam, đó vẫn là điều mới mẻ. Công nghệ ngày càng phát triển, ngành đồ họa kỹ thuật số mở rộng sân chơi sáng tạo và artbook/ picture book là một trong những hướng đi mới.
Artbook/ picture book là dạng sách tranh nghệ thuật mà ở đó tranh có thể đóng vai trò chủ đạo để kể câu chuyện, hoặc tranh là để minh họa cho nội dung truyện. Họa sĩ nổi tiếng người Đài Loan Jimmy Liao (sinh năm 1958) được xem là một người đi tiên phong trong dòng sách tranh cảm xúc, được nhiều độc giả Việt Nam biết tới nhờ bộ sách tranh nổi tiếng đã được NXB Kim Đồng giới thiệu từ năm 2014 mà ở đó, “mỗi bức tranh đẹp như một bài thơ, mỗi cuốn sách là một bầu trời tưởng tượng".
Nhận thấy sự mới mẻ của dòng sách tranh ở thị trường Việt, NXB Kim Đồng đã quan tâm đầu tư phát triển sách tranh Việt. Khi đó, độc giả còn chưa “mặn mà” với dòng sách này, một phần do lối nghĩ sách tranh chỉ dành cho trẻ con, phần khác do giá bán sách tranh khá cao. Đó là chưa kể khả năng cảm thụ nghệ thuật chưa cao ở một bộ phận người dân.
Dù vậy, những cuốn sách tranh như “Những nàng công chúa bí ẩn”, “5 mùa”, “Nàng Lọ Lem”, “Hành trình đầu tiên”... đã tạo nên sức hút riêng có của mình. Điểm đặc biệt là tác phẩm “Những nàng công chúa bí ẩn” của họa sĩ Khoa Lê được xuất bản ở Italia và Pháp, sau đó mới được mua bản quyền và xuất bản trong nước. Còn tác phẩm “Hành trình đầu tiên” của bộ đôi tác giả Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên được sáng tác dựa trên cảm hứng từ tập truyện “Hương rừng Cà Mau” của nhà văn Sơn Nam, đã giành giải cao nhất tại tại cuộc thi Scholastic Picture Book Award ở Singapore.
Với sách tranh, người họa sĩ giờ đây không còn được biết tới với vai trò minh họa, mà thực sự trở thành đồng tác giả. Sức tưởng tượng và tài năng giúp họa sĩ vượt thoát ra khỏi khuôn mẫu để thỏa sức sáng tạo. Và đó cũng là lý do để những tác phẩm đã lên màu thời gian lại một lần nữa sống dậy trong lòng độc giả.
Khơi mạch nguồn mới cho tác phẩm cũ
“Truyện Kiều” đã quá quen thuộc với người Việt, được tái bản rất nhiều lần, nhưng các họa sĩ vẫn tiếp tục “làm mới” tác phẩm đặc biệt này bằng những bức tranh sống động.
Ấn bản “Truyện Kiều” của Đông A books ra mắt năm 2017 do Phó Giáo sư Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải, được minh họa bởi các họa sĩ đương đại nổi tiếng như Thành Chương, Hồng Việt Dũng, Phan Cẩm Thượng, Đỗ Hoàng Tường, Phạm An Hải... Theo họa sĩ Thành Chương: “Giá trị của “Truyện Kiều” với người dân Việt Nam đã được khẳng định. Với ấn bản này, chúng tôi chỉ mong giữa văn và họa có sự gắn bó quấn quýt với nhau. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, các họa sĩ đều có sự nhìn nhận, hiểu, vẽ tranh về “Truyện Kiều” với tinh thần, quan niệm của giai đoạn đó rất rõ”.
Họa sĩ cũng cho rằng, muốn bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thì không thể giữ mãi cái cũ, mà phải biết cách làm mới cái cũ. Với những minh họa mới này, các họa sĩ mong muốn góp một cách nhìn mới gần gũi với thế hệ trẻ hơn, và hy vọng qua đó “Truyện Kiều” sẽ tiếp tục đi vào cuộc sống của độc giả đương thời. Ngay sau khi ra mắt, toàn bộ tranh gốc của ấn bản “Truyện Kiều” đã được tổ chức đấu giá thành công.
Cũng vẫn là về nàng Kiều, nhưng “Truyện Kiều tự kể” lại thuộc dạng tác phẩm phái sinh. Tác giả Cao Nguyệt Nguyên và 12 họa sĩ đã để các nhân vật trong truyện thơ ấy tự bộc bạch. Những nhân vật ấy thực ra là ai? Họ nghĩ gì? Nếu sống ở thời đại hôm nay, họ muốn gì và sẽ nói gì?... Sức sáng tạo độc đáo, sự mới lạ thể hiện qua ngôn ngữ văn xuôi sắc sảo và linh hoạt cùng những bức tranh đa sắc đã làm nên nét riêng thú vị của “Truyện Kiều tự kể”, giúp tác phẩm thu hút độc giả tuổi teen.
Trong khi đó, hình ảnh nàng Kiều trong tập artbook “Ký mộng” của họa sĩ Niayu (tên thật là Trần Mỹ Ngọc), mới ra mắt gần đây, đầy huyền ảo và man mác buồn. Lấy cảm hứng từ tranh sơn mài và tranh thủy mặc, nữ họa sĩ 9x đã “cùng Nguyễn Du qua giấc mộng dài”, mang đến những trải nghiệm mới cho người yêu thi ca và hội họa. Niayu không chỉ vẽ Kiều hay vẽ các nhân vật của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” và các bài thơ như “Độc tiểu thanh ký”, “Long Thành cầm giả ca”, “Dương Phi cố lý”, “Văn tế thập loại chúng sinh”... Đúng hơn, như họa sĩ chia sẻ: “Không hẳn vẽ các nhân vật của Tố Như, mà là vẽ tâm hồn Tố Như. Vẽ Tố Như trong tôi, qua những bài thơ, đoạn thơ mà tôi đọc, tìm và cảm nhận được".
Một cách tiếp cận khác với lịch sử
Năm 2017 là mốc son của artbook Việt khi cùng lúc 3 ấn phẩm “khổng lồ” ra mắt. Ngoài ấn bản “Truyện Kiều”, Đông A còn giới thiệu tác phẩm “Lục Vân Tiên” - cũng do Phó Giáo sư Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải; NXB Kim Đồng thì cho ra mắt ấn phẩm “Lĩnh Nam chích quái”. Cả 3 ấn bản đều được in màu khổ lớn 24x29cm, bìa cứng.
“Truyện Kiều” và “Lục Vân Tiên” là sự quy tụ của nhiều họa sĩ đương đại, mỗi bức tranh trong ấn bản như một tác phẩm hội họa độc lập. “Lĩnh Nam chích quái” được minh họa bởi họa sĩ Tạ Huy Long và một số cộng sự. Hơn 200 bức tranh minh họa trong “Lĩnh Nam chích quái” được vẽ tay thủ công hoàn toàn, mô phỏng tranh khắc gỗ dân gian. Mỗi bức tranh gồm hai bản, 1 bản nét đen, 1 bản màu, tạo cảm giác mộc mạc, thân thuộc nhưng vẫn rất phù hợp với xu thế hiện đại nhờ cách làm đồ họa mạch lạc, dứt khoát và kiệm màu.
Có thể nói, những bức họa đã mang đến diện mạo mới cho “Lĩnh Nam chích quái”, để cuốn sách không còn là một tác phẩm văn học đơn thuần mà là một bản nghệ thuật kép có giá trị nội dung và thẩm mỹ. Họa sĩ Tạ Huy Long đã “vén bức màn quá khứ để phát quang ánh sáng của viên ngọc minh châu “Lĩnh Nam chích quái”. Chỉ 3 tuần sau khi sách chính thức phát hành, hai nghìn cuốn đã được bán hết và NXB Kim Đồng phải nhanh chóng in nối, rồi tái bản.
Nối tiếp sự thành công của “Lĩnh Nam chích quái”, mới đây, “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ và “Nam Hải dị nhân liệt truyện” phiên bản artbook đã được NXB Kim Đồng cho ra mắt với phần minh họa của họa sĩ Nguyễn Công Hoan và họa sĩ Tạ Huy Long. Đầu tư trong quãng thời gian khá dài, chừng 5 năm, nhiều truyện phải vẽ đi vẽ lại mới ưng, mỗi một artbook là cả một công trình hết sức công phu. “Truyền kỳ mạn lục” qua tay họa sĩ Nguyễn Công Hoan mang đến những bức tranh giàu sức gợi và đầy mỹ cảm, với những gam màu và hình khối ma mị. Còn trong "Nam Hải dị nhân liệt truyện", họa sĩ Tạ Huy Long dẫn dắt người đọc đắm chìm trong dòng chảy mỹ thuật cổ Việt Nam nhưng vẫn mang đậm hơi thở hiện đại. Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, nhiều độc giả cho rằng chúng ta đang rất thiếu những công trình mang âm hưởng của thời đại như thế này.
Nhà nghiên cứu sử Vũ Đức Liêm bày tỏ: “Chúng ta đang sống trong thời đại chuyển động quá nhanh. Nhưng dù ở thời kỳ nào, tất cả những câu chuyện này đều là số phận của con người với tâm tư, cảm xúc hay cách mà họ lựa chọn trong cuộc đời. Đó chính là điều mà chúng ta có thể kết nối với độc giả, dù là người trẻ hay là người có kinh nghiệm. Thay đổi và đa dạng hóa cách tiếp cận là để người trẻ hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, xã hội, về thế giới tinh thần phong phú đa dạng của cha ông. Càng chi tiết, càng sống động, càng đầy màu sắc thì quá khứ càng hấp dẫn”.
Vẽ về những câu chuyện trong lịch sử, các họa sĩ thổi một làn gió mới cho những tác phẩm giá trị tưởng chừng đã bị tro bụi thời gian làm khuất lấp, góp phần đánh thức cảm xúc trong trái tim độc giả, đưa họ đến gần hơn với các tác phẩm của cha ông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.